Đồng lòng xóa mù chữ tại Tiền Giang

GD&TĐ - Đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, đội ngũ; quan tâm công tác phổ cập giáo dục - xóa mù chữ được tỉnh Tiền Giang thực hiện quyết liệt.

Quang cảnh Trường TH Nguyễn Trãi, TP Mỹ Tho (Tiền Giang). Ảnh: X. Uyên.
Quang cảnh Trường TH Nguyễn Trãi, TP Mỹ Tho (Tiền Giang). Ảnh: X. Uyên.

Tập trung nguồn lực cho giáo dục

Hiện mạng lưới trường, lớp ở tỉnh Tiền Giang phát triển rộng khắp đến các vùng sâu, vùng xa trong tỉnh. Các xã hầu hết đều đã có trường mầm non, tiểu học, trường THCS. Hệ thống cơ sở vật chất được đầu tư, trang bị ngày càng hoàn chỉnh đáp ứng cho việc thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Công tác xây dựng trường chuẩn Quốc gia, kiểm định chất lượng ở các cơ sở giáo dục tiếp tục được đẩy mạnh. Đến cuối năm 2023 toàn tỉnh có 356/509 trường đạt chuẩn quốc gia, tỉ lệ 69,94%. Chất lượng dạy và học tiếp tục được khẳng định, từng bước được nâng lên. Kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đạt tỉ lệ 99,68%, điểm trung bình đạt 6,72 xếp 13/63 tỉnh thành cả nước, thứ nhì khu vực ĐBSCL.

Điểm trung bình 3 môn Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh của học sinh Tiền Giang trong kỳ thi tốt nghiệp THPT nằm trong tốp 10 cả nước (19,72 điểm). Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT của tỉnh Tiền Giang nhập học vào các cơ sở đào tạo là 50,24% (tỷ lệ chung cả nước là 48,09%), xếp đầu khu vực ĐBSCL.

Theo Sở GD&ĐT Tiền Giang, toàn ngành hiện có 18.535 cán bộ, giáo viên và nhân viên hiện đang công tác ở các đơn vị sự nghiệp giáo dục. Trình độ đội ngũ được nâng dần qua từng năm, theo Luật Giáo dục 2019 thì số giáo viên đạt chuẩn về trình độ đào tạo: Mầm non 86,9%; Tiểu học 81,9%; THCS 78,48%; THPT 100%.

Theo ông Nguyễn Phương Toàn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang: Năm học 2023 - 2024, ngành tiếp tục quán triệt, triển khai có hiệu quả các chỉ đạo trong việc hoàn thiện thể chế, tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý về giáo dục. Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Thu hút các nguồn lực đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động GD&ĐT…

Học sinh tiểu học tỉnh Tiền Giang. Ảnh: X. Uyên.

Học sinh tiểu học tỉnh Tiền Giang. Ảnh: X. Uyên.

Giữ vững phổ cập giáo dục và xóa mù chữ

Thực hiện Chỉ thị 10 ngày 5/12/2011 của Bộ Chính trị khóa X (Chỉ thị 10), tỉnh Tiền Giang đạt kết quả khả quan trong công tác PCGD Mầm non cho trẻ em 5 tuổi, củng cố kết quả PCGD Tiểu học và THCS, tăng cường phân luồng học sinh sau THCS và xóa mù chữ (XMC) cho người lớn.

Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 10, Tiền Giang đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền các cấp; đặc biệt là phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các thành viên Ban Chỉ đạo, các sở, ngành có liên quan và trách nhiệm của cộng đồng.

Tỉnh Tiền Giang đạt chuẩn PCGD tiểu học và XMC tháng 12/1996, đạt chuẩn PCGD tiểu học đúng độ tuổi tháng 12/2014, đạt chuẩn PCGD THCS tháng 12/2006, đạt chuẩn PCGD MN cho trẻ 5 tuổi tháng 12/2014. Huy động người từ 35 - 60 tuổi ra học các lớp XMC người lớn, kết quả 100% huyện, thành, thị và 100% xã, phường, thị trấn đều đạt chuẩn XMC mức độ 2.

Công tác duy trì sĩ số hằng năm được thực hiện tốt, hạn chế tỷ lệ học sinh lưu ban, bỏ học. Người mù chữ trong độ tuổi đã thu hẹp, tỷ lệ phổ cập tiểu học được củng cố và phát triển vững chắc với 100% trẻ trong độ tuổi phổ cập ra lớp.Các chế độ, chính sách, kinh phí hỗ trợ cho giáo viên tham gia thực hiện công tác phổ cập giáo dục, XMC kịp thời.

Bên cạnh đó, ngành GD&ĐT từng bước quy hoạch hợp lý mạng lưới trường lớp, giảm nhiều điểm trường lẻ đối với bậc giáo dục tiểu học, cơ sở vật chất phục vụ dạy và học các cấp học được tăng cường, quy mô trường lớp đủ đáp ứng nhu cầu học tập. Công tác triển khai, tổ chức thực hiện Đề án Kiên cố hóa trường lớp học, đầu tư, bổ sung các hạng mục thiếu về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được thực hiện, nhằm mục tiêu góp phần đạt chuẩn quốc gia các trường mầm non, phổ thông.

Hằng năm, các Trung tâm học tập cộng đồng ở tỉnh Tiền Giang được thiết lập và củng cố, nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ địa phương đẩy mạnh công tác XMC cho những người trong độ tuổi lao động. Trong đó có việc vận động, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân học tập thường xuyên, học tập suốt đời, giảm tỷ lệ tái mù chữ cho người lớn…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ