Đồng hành cùng giáo dục vùng cao vượt khó

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - “Giáo dục vùng cao còn khó khăn lắm. Đi mới hiểu, thấy mới biết được những khó khăn của giáo viên - những ngọn đuốc sáng giữa hoang vu núi rừng..."

Thầy cô vùng cao Lai Châu đi vận động học sinh đến trường.
Thầy cô vùng cao Lai Châu đi vận động học sinh đến trường.

Đó là chia sẻ của cô Lò Thị Thùy, nguyên Hiệu trưởng trường Tiểu học Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên. Theo cô Thùy, chính những “ngọn đuốc” ấy sẽ là nguồn cảm hứng để những tác phẩm viết về sự nghiệp giáo dục thêm phần lan toả.

Mong muốn san sẻ cái khó của giáo dục vùng cao

Đầu tháng 11, trong không khí hướng tới kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam, chúng tôi có dịp gặp gỡ cô Lò Thị Thùy. Cô Thùy cũng là nhân vật chính trong tác phẩm: “Người đàn bà “thép” và hành trình gieo chữ chốn thâm sơn” đạt giải cao tại Giải Báo chí vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam năm 2019.

Ngôi nhà sàn của cô Thùy ở trung tâm xã Nà Hỳ vẫn vang lên những tiếng học sinh cười nói rôm rả.

Gác lại câu chuyện với đám trẻ, cô Thùy tâm sự: “Tôi nghỉ hưu từ tháng 1/2023. Nhưng học sinh thì cứ sáng đi học, chiều lại về với cô. Nhiều lúc sợ ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh nên tôi phải trốn đi. Nay lại vẫn thế, ngủ trưa dậy đã nghe thấy tiếng: Cô hiệu trưởng ơi có ở nhà không? Thế là lại “tiếp chuyện”. Tôi vẫn thường xuyên dạy các con học bài, chia sẻ những kinh nghiệm hay những giá trị đạo đức trong cuộc sống”.

Cô Thùy chụp ảnh cùng học sinh khi còn là Hiệu trưởng trường Tiểu học Nà Hỳ.

Cô Thùy chụp ảnh cùng học sinh khi còn là Hiệu trưởng trường Tiểu học Nà Hỳ.

Mặc dù đã nghỉ hưu nhưng trong câu chuyện với cô Thùy, chúng tôi vẫn thấy được khát khao cống hiến cho ngành giáo dục vùng cao Nậm Pồ nói chung và Nà Hỳ nói riêng.

“Nà Hỳ chính là quê hương thứ 2 của tôi, nơi tôi gắn bó với sự nghiệp trồng người. Khi mới đến đây, đó là nơi “khỉ ho, cò gáy” một cách đúng nghĩa bởi ở đó chưa từng có dấu chân của một nữ cán bộ nào. Tôi là cô giáo đầu tiên đặt chân đến đất này. Đến bây giờ, trường đã đạt chuẩn quốc gia, tôi thì về hưu. Nhưng tôi vẫn đau đáu nghĩ về những đứa trẻ và mong muốn được cống hiến một sức nhỏ cho giáo dục nơi đây” – cô Thùy chia sẻ.

Rót chén chè mời khách, cô Thuỳ tâm sự: “Tôi rất vui khi đã từng là nhân vật trong câu chuyện của nhà báo Nguyễn Minh Thịnh. Và càng vui hơn khi là một trong những giáo viên được Báo Giáo dục và Thời đại đề cử là Nhà giáo tiêu biểu năm 2019. Giáo dục vùng cao còn nhiều khó khăn lắm. Thầy cô lên đây công tác rất vất vả. Cũng như tôi, ở đây vẫn còn rất nhiều thầy cô đã cống hiến cho sự nghiệp giáo dục từ những ngày gian khó. Họ như những “ngọn đuốc” thắp sáng tri thức nơi vùng cao”.

Học sinh thường xuyên đến thăm cô Thùy dù cô đã nghỉ hưu.

Học sinh thường xuyên đến thăm cô Thùy dù cô đã nghỉ hưu.

Nói rồi cô Thuỳ kể về những khó khăn của giáo dục vùng cao: “Có những thầy cô công tác ở điểm bản phải mất cả nửa ngày đường mới đến được trường. Dù “đi sớm về khuya” nhưng thầy cô vẫn quyết tâm để hoàn thành nhiệm vụ. Đâu đó cũng là vì miếng cơm, manh áo nhưng mình thấy đó còn là sự hy sinh, cống hiến. Trong khi chế độ chính sách cho giáo viên so với mức sống, mức làm việc của giáo viên thì chưa đáp ứng”.

Giáo viên vùng cao không chỉ làm tốt trách nhiệm giảng dạy mà còn kiêm nhiệm vô số công việc. Từ nấu ăn, quán xuyến cho đến chăm sóc, giáo dục học sinh như người cha, người mẹ. Nhiều việc thầy cô làm không chỉ không có chế độ, phụ cấp mà có khi còn tự bỏ công sức, tiền túi để lo cho học sinh…

Vài năm trở lại đây, nhiều giáo viên vùng cao đã xin thôi việc, đổi nghề hoặc chuyển về vùng thuận lợi. Tình trạng “chảy máu nhân lực” khiến cho giáo dục vùng cao đã khó càng thêm khó.

“Tôi mong muốn những cái khó của giáo dục vùng cao sẽ tiếp tục được báo chí khai thác. Nhất là chế độ, chính sách cho đội ngũ nhà giáo đang công tác ở vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn” – cô Thuỳ chia sẻ.

Bên cạnh đó, cô Thuỳ cũng cho biết, đề tài về công tác tuyển dụng giáo viên cũng cần được quan tâm. Tình trạng thiếu giáo viên cục bộ trong khi tuyển dụng chỉ trong kế hoạch, chỉ tiêu, không thu hút được nguồn tuyển nên không lấp được khoảng trống thiếu giáo viên.

“Giáo viên tuyển dụng được thì ít nhưng xin chuyển đi thì nhiều. Năm nào cũng vậy, việc tuyển dụng được tổ chức nhưng vẫn rất thiếu giáo viên. Cùng với đó, cứ tuyển dụng xong, sau 3 – 5 năm giáo viên lại chuyển vùng. Câu chuyện thiếu giáo viên vẫn tiếp diễn. Tôi nghĩ đây cũng là đề tài báo chí cần quan tâm trong thời gian tới để giúp giáo dục vùng cao kéo gần khoảng cách với vùng thuận lợi” – cô Thuỳ nói.

Những tấm gương cần được lan toả

Thầy Phạm Quốc Bảo, Hiệu trưởng trường phổ thông DTBT Tiểu học Nậm Manh, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu là nhân vật trong bài viết: Thầy Bảo “gõ cửa” xin gạo nuôi trò. Tác phẩm đạt giải Khuyến khích Giải Báo chí vì sự nghiệp giáo dục năm 2022.

Thầy Phạm Quốc Bảo đi đón học sinh về trường.

Thầy Phạm Quốc Bảo đi đón học sinh về trường.

Chia sẻ với chúng tôi, thầy Bảo cho rằng: “Những tấm gương về nghị lực vượt khó của học sinh, giáo viên, nhất là những cán bộ quản lý nếu được báo chí đưa tin sẽ là cách lan toả để góp phần thay đổi giáo dục vùng cao”.

Theo thầy Bảo, qua mỗi tác phẩm, nhà trường, thầy cô và toàn xã hội được biết tới những mô hình giáo dục và phương pháp giảng dạy tiên tiến đang được áp dụng. Từ đó, có thể học hỏi được kinh nghiệm trong quá trình quản lý, giảng dạy tại trường.

“Giáo dục vùng cao Nậm Nhùn còn gặp rất nhiều khó khăn. Những tấm gương về cán bộ quản lý nỗ lực để thay đổi nhà trường cần được báo chí đưa tin. Điều đó không chỉ là biểu dương mà là sự động viên kịp thời để thầy cô tiếp tục cố gắng” – thầy Bảo nói.

Cũng theo thầy Bảo, để viết về những tấm gương về cán bộ quản lý, cần nhìn nhận những đổi thay của nhà trường trong quá trình thầy cô đương nhiệm. Từ cơ sở vật chất cho đến chất lượng giáo dục đã có những chuyển biến như thế nào?

“Khi những tấm gương được lan toả sẽ tạo động lực để cho cán bộ quản lý ở trường khác có định hướng đổi mới trong quản trị nhà trường. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục” – thầy Bảo chia sẻ.

Thầy giáo vùng cao Mường Tè (Lai Châu) sắm vai thợ cắt tóc.

Thầy giáo vùng cao Mường Tè (Lai Châu) sắm vai thợ cắt tóc.

Còn cô Lò Thị Thuỳ chia sẻ: “Tôi nghĩ, tấm gương về những giáo viên sẽ là nguồn cảm hứng giúp để những tác phẩm báo chí viết về sự nghiệp giáo dục thêm phần ý nghĩa”.

Trong 5 năm Giải Báo chí vì sự nghiệp giáo dục được tổ chức, nhà báo Nguyễn Trọng Quân của Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh Lai Châu đều có tác phẩm tham dự. Trong đó, có 2 năm (2021, 2022) tác giả Nguyễn Trọng quân đã có tác phẩm đạt giải.

Nhà báo Nguyễn Trọng Quân chia sẻ: “Giáo dục vùng cao Lai Châu vẫn có những mảng sáng – tối. Cái khó rất nhiều nhưng những nỗ lực của thầy cô là không thể phủ nhận. Ngoài viết về những khó khăn ra, theo tôi cần tập trung vào những cống hiến, nỗ lực của giáo viên vùng cao, nhất là ở khu vực biên giới. Khi lan toả được những tấm gương đó sẽ tiếp thêm sức mạnh để thầy cô tiếp tục gắn bó với sự nghiệp trồng người. Và đó cũng là động lực để đội ngũ giáo viên trẻ có thể tình nguyện lên gắn bó với vùng cao”.

Giáo dục vùng cao Lai Châu vẫn còn nhiều khó khăn cần sự đồng hành của toàn xã hội.

Giáo dục vùng cao Lai Châu vẫn còn nhiều khó khăn cần sự đồng hành của toàn xã hội.

Ngoài ra, nhà báo Nguyễn Trọng Quân cũng mong muốn những đồng nghiệp, phóng viên, nhà báo sẽ tiếp tục khai thác đề tài những mô hình trường lớp đạt hiệu quả cao trong giáo dục như: Đưa học sinh mầm non, tiểu học về trung tâm; xây dựng trường đẹp cho em; mô hình lớp học thông minh…

“Những mô hình đó sẽ là kinh nghiệm để nhiều trường học và làm theo. Từ đó, tạo điều kiện cho giáo dục vùng cao Lai Châu ngày càng có bước tiến vững chắc. Chất lượng giáo dục toàn diện có thể phát triển đồng đều từ vùng thấp đến vùng cao” – nhà báo Nguyễn Trọng Quân chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Lạc quan xây hạnh phúc

GD&TĐ - Chị đang lúi húi dưới bếp chuẩn bị bữa cơm chiều, nghe tiếng gọi hoảng hốt của mấy đứa nhỏ đang chơi ngoài ngõ vội chạy ra.