Hơn 700 tác phẩm tham dự từ các đơn vị báo chí Trung ương, địa phương đã chứng tỏ sức hút đặc biệt của giải do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, Báo Giáo dục và Thời đại là đơn vị thường trực thực hiện.
Giáo dục và đào tạo là lĩnh vực luôn nhận được sự quan tâm rộng rãi của toàn thể xã hội, vì thế luôn được báo chí đặc biệt bám sát, phản ánh. Không chỉ thông tin, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của ngành, đội ngũ nhà báo còn ghi nhận và phản ánh nhiều khía cạnh của đời sống giáo dục, đặc biệt là phát hiện và cổ vũ kịp thời những tấm gương người tốt, việc tốt; thầy cô giáo, học sinh đổi mới sáng tạo, vượt qua khó khăn, bám trường bám bản dạy học. Năm học 2019 - 2020 diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 phức tạp, chính báo chí là người bạn sát cánh cùng ngành Giáo dục, tiếp thêm nghị lực cho đội ngũ thầy cô giáo thực hiện thành công chủ trương tạm dừng đến trường không ngừng việc học. Qua báo chí, câu chuyện về những thầy cô giáo, học sinh, sinh viên nỗ lực vì một năm học đặc biệt thực sự lay động lòng người.
Bên cạnh đấu tranh với những tồn tại, mở các diễn dàn góp ý, hiến kế để giúp ngành kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách, quyết sách, qua hoạt động tác nghiệp sâu sát, báo chí còn giúp xã hội hiểu rõ, hiểu đúng hơn, có niềm tin và chung sức hỗ trợ giáo dục phát triển. Có thời điểm, các phương tiện truyền thông rộ lên tình trạng học sinh “ngồi nhầm lớp”, gây xôn xao dư luận. Nhiều câu hỏi đặt ra về chất lượng dạy học của các nhà trường. Khi tìm hiểu đề tài này, nhà báo trẻ Lục Thị Khánh Chi - Báo Bà Rịa - Vũng Tàu đã phát hiện ra thực tế rằng nhiều trường hợp không phải học sinh ngồi nhầm lớp mà các em bị khuyết tật (về thể chất, trí tuệ) đang học hòa nhập tại các trường phổ thông. Câu chuyện mà nhà báo Khánh Chi truyền tải qua loạt tác phẩm “Học sinh khuyết tật hòa nhập tại các trường phổ thông” không chỉ cho xã hội hiểu rõ hơn cái gọi là “học sinh ngồi nhầm lớp” mà còn biết sự hi sinh thầm lặng của những người thầy dạy trẻ khuyết tật. Hay như qua tác phẩm “Chuyến đò chở những ước mơ”, bên cạnh giúp xã hội hiểu rõ khó khăn của học sinh nơi cửa biển, phóng viên Trịnh Chí Hải, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Cà Mau còn kết nối với chính quyền, các mạnh thường quân để giúp đường đến trường của trò tốt hơn, đời sống giáo dục khởi sắc hơn.
Đất nước có trở nên giàu mạnh hay không phụ thuộc rất lớn vào sự nghiệp giáo dục. Công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện của toàn ngành, cả trước mắt và lâu dài, rất cần sự chung tay của toàn xã hội, đặc biệt là sự phối hợp tuyên truyền của báo chí và đội ngũ những người làm báo. Giải Báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam năm 2020 là dịp tôn vinh, tri ân những nhà báo có tác phẩm xuất sắc viết về giáo dục, góp phần xây dựng một nền giáo dục tiên tiến, hiện đại, nhân văn. Đặc biệt, không chỉ mang lại nguồn động lực to lớn cho những người làm báo trên bước đường dấn thân, làm nghề, Giải Báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam còn góp phần cổ vũ đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý trong ngành - nhân vật chính của đa số tác phẩm báo chí viết về giáo dục - có thêm động lực làm việc và cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp trồng người. Sự động viên, cổ vũ đó, trong những ngày học đường cả nước tưng bừng hướng đến kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, càng ý nghĩa biết bao.