Chia sẻ kinh nghiệm của mình trong vai trò một người mẹ có con đang trong “tuổi nổi loạn”, cô Phạm Thị Thúy Ngọc - Phó Hiệu trưởng trường THCS Trung Tú (Hà Nội) – cho rằng, để thực sự hiểu con và lên kế hoạch học tập cùng con, phụ huynh nên chia quá trình này thành 5 bước.
Bước 1: Tìm hiểu con cần xem con phải học những môn gì? Học bài và làm bài ở đâu?
Bước 2: Thiết lập thời gian biểu học tập, làm việc, giải trí theo sinh hoạt của gia đình cho phù hợp.
Bước 3: Chọn bài học, môn học, định lượng cả số lượng bài, cả môn học và thời gian cho con.
Bước 4: Thực hiện thử và sửa đổi bổ sung.
Bước 5: Hoàn thiện kế hoạch và thực hiện.
“Các giáo viên thường gọi lứa tuổi THCS là “tuổi nổi loạn đáng yêu”. Khi bước vào tuổi này, con tôi rất lì lợm, bướng bỉnh, không nghe hướng dẫn của bố mẹ, không thích giao tiếp với bố mẹ. Ở giai đoạn này, con tôi cũng như đa số học sinh cảm thấy bố mẹ không hiểu mình, không lắng nghe và cũng không ủng hộ mình nên chúng giấu kín tâm sự.
Phụ huynh cần phải bình tĩnh lắng nghe để thấu hiểu thì mới có thể phân tích cho con hiểu sự thay đổi của con. Lúc đó phụ huynh trở thành một người bạn có thể đồng hành cùng con, chia sẻ những khó khăn trong học tập với con để đưa con về quỹ đạo” – cô Thúy Ngọc chia sẻ.
Hội thảo "Đồng hành cùng con lập kế hoạch học tập" |
Đi vào nội dung lập kế hoạch, Thạc sĩ Vũ Hà - giáo viên giảng dạy môn Ngữ Văn tại Hà Nội tham gia thảo luận: Phụ huynh cần xác định mục tiêu ngắn hạn và dài hạn bằng cách đặt câu hỏi: con muốn đạt được điều gì và mơ ước điều gì và chia sẻ theo từng giai đoạn.
Ví dụ như trong học kỳ 4-5 tháng, mục tiêu của con là đạt loại giỏi; vậy trong tuần này, ít nhất con phải hoàn thành 20 bài tập toán. Bên cạnh đó, phụ huynh cần tìm ra điểm mạnh, điểm yếu của con rồi lập kế hoạch thực hiện mục tiêu. Trong quá trình đó, phụ huynh cũng cần đánh giá và sửa đổi kế hoạch cho phù hợp với tình hình của con mình.”
Cùng quan điểm trên, thầy Nguyễn Quyết Thắng - giáo viên Vật lí trường THCS FPT cho rằng: Cha mẹ cần giải thích cho con hiểu ý nghĩa của việc học. Học là cần thiết và kéo dài cả đời. Vì thế, các con học những kiến thức khác nhau, không chỉ là Toán, Lí, Hóa, Sinh mà còn cả kỹ năng sống, đạo đức, tư duy phản biện…
Hãy cho các con được thỏa thích lựa chọn, va chạm để con khám phá sở thích và tài năng của mình. Cuối cùng cha mẹ hãy cùng con đưa ra những mục tiêu học tập ngắn hạn và dài hạn. Đó là cái đích giúp con nỗ lực học tập để vươn đến.
Với đối tượng chuyển cấp lên THCS, các thầy cô lưu ý: Học sinh đầu cấp hai cần một khoảng thời gian khá dài để quen với cách học ở THCS, với cách kiểm tra thường xuyên và yêu cầu cao hơn.
Các con cuối cấp cần có lộ trình học cụ thể và phù hợp với lực học. Phụ huynh cần rèn cho con cách học tập trung, cố gắng hiểu bài ngay trên lớp, có bài tập về nhà thì hoàn thành luôn. Ngoài ra, phụ huynh cũng cần đồng hành cùng con,hướng dẫn con học chủ động hoặc cùng con học thông qua hình thức học trực tuyến bổ trợ.