TS. Vũ Việt Anh – Tổng Giám đốc Học viện Thành Công đã trò chuyện xung quanh vấn đề học hè hiệu quả cùng báo GD&TĐ.
+ Xu hướng học trải nghiệm trong dịp hè (Học trong chùa; Trại hè; Học kỳ quân đội…) đang được nhiều gia đình lựa chọn để gửi con. Theo ông, hình thức học hè này có ưu nhược điểm gì?
Học qua trải nghiệm là một phương pháp học tiên tiến, hiệu quả giúp người học nhanh chóng tự rút ra được bài học cho riêng mình.
Phương pháp học trải nghiệm có 4 bước như sau: làm cụ thể, quan sát và tự rút kinh nghiệm, học lý thuyết (khái quát hóa) và thử nghiệm.
Theo một nghiên cứu khoa học trên các sinh viên tốt nghiệp đại học cho thấy 52% (những công ty tham gia phỏng vấn) đánh giá các em thiếu kỹ năng giao tiếp ứng xử, 46% đánh giá các em kém về kỹ năng giải quyết vấn đề và 38% cho rằng các em cần trang bị tốt kỹ năng viết (Career Builder, 2015 survey).
Đồng thời, có đến 90% sinh viên Việt Nam mới tốt nghiệp không đủ kỹ năng mềm cần thiết để làm việc, gồm các kỹ năng như giải quyết vấn đề, tư duy phản biện, làm việc nhóm, giao tiếp và làm việc trong môi trường sử dụng tiếng Anh.
Điều này thể hiện rằng việc học tập của các em mới dừng lại ở khía cạnh hàn lâm, lý thuyết, chưa có trải nghiệm thực tế. Vì vậy học qua trải nghiệm sẽ giải quyết được vấn đề vướng mắc trên.
Tuy nhiên để học tập trải nghiệm được hiệu quả rất cần môi trường phù hợp, an toàn, phụ thuộc rất nhiều vào người hướng dẫn và áp dụng các bước phù hợp để hiêu quả nhất với người học, tránh thiên lệch gây cách nhìn nhận thiếu khách quan.
+ Để học trải nghiệm đạt hiệu quả, ông có lời khuyên nào đối với phụ huynh khi đăng ký cho trẻ tham gia (Cách chọn đúng khóa học; Dựa vào yếu tố nào? Chọn đúng độ tuổi?...)
TS. Vũ Việt Anh - Tổng Giám đốc Học viện Thành Công |
Để học tập bằng phương pháp trải nghiệm đạt hiệu quả cao, phụ huynh cần lưu ý một số vấn đề sau:
Tìm hiểu xem con mình thực sự mong muốn điều gì? Vấn đề gì cần cải thiện nhất ở con mình? Ước mơ của con là gì? Các khóa học định đăng ký cho con mang lại lợi ích gì? Ai là người hướng dẫn, dẫn dắt trong các khóa học đó? Chuyên môn? Kinh nghiệm? Tâm huyết... Tránh để những huấn luyện viên chưa có trải nghiệm cuộc sống dẫn dắt vì các con rất dễ ảnh hưởng phong cách sống của người huấn luyện.
Ví dụ: Những khóa học như Học kỳ Quân đội sẽ phù hợp với các bạn trẻ cần tăng cường tính kỷ luật, tự lập, tự giác, giúp các em mạnh mẽ hơn, nghị lực hơn rất phù hợp với các con có độ tuổi từ 9 - 17 tuổi. Còn những bạn nhỏ hơn thì các trại hè về năng khiếu, Trại hè trải nghiệm nghệ thuật là một gợi ý phù hợp.
Nghệ thuật, hội họa sẽ giúp các em mềm mại hơn trong giao tiếp ứng xử, có cách nhìn cuộc sống tươi đẹp hơn, giảm áp lực trong học tập và cuộc sống. Phát huy được tiềm năng não phải để học tập tư duy bằng cả bộ não tốt hơn. Bên cạnh đó khóa tu mùa hè lại phù hợp với các bạn độ tuổi THPT và sinh viên nhiều hơn vì các em có đầy đủ nhận thức về bản thân tốt hơn…
+ Có một thực tế cho thấy, nhiều học sinh “bị” bố mẹ gửi vào các khóa học trải nghiệm hè không theo mong muốn. Điều này sẽ dẫn tới những ảnh hưởng ra sao về tâm lý, kết quả học?
Như phân tích ở trên, nếu phụ huynh không tìm hiểu kỹ về các khóa học trải nghiệm mà vẫn gửi con vào sẽ gây lãng phí về thời gian, tiền bạc và còn gây ảnh hưởng tâm lý tiêu cực cho con. Nhiều em trở về từ các trại hè đã có tâm lý cực đoan như ăn chay trường (không khoa học và không tốt cho sự phát triển thể lực, tinh thần của các em), xung đột với cha mẹ vì đã “hành hạ” các em… dẫn tới việc chán nản với cuộc sống, với việc học tập.
+ Ngày càng nhiều trung tâm, đơn vị mở ra các khóa học trải nghiệm hè. Tuy nhiên chất lượng, hiệu quả, giá cả… lại khó có thể kiểm soát hết. Theo ông, các ban ngành chức năng cần có sự kiểm tra về chất lượng ra sao để giữa quảng bá hiệu quả và hiệu quả thực tế là một.
Hiện nay có rất nhiều trại hè trải nghiệm được tổ chức, đó là điều đáng mừng vì như vậy người dân đã nhận thức tốt về tầm quan trọng của trải nghiệm thực tế. Tuy nhiên chất lượng của các khóa học này là một vấn đề đáng bàn, rất nhiều đơn vị, trung tâm không có chuyên môn, kinh nghiệm, chỉ dựa vào thế mạnh truyền thông hoặc đặc quyền đặc lợi trong lĩnh vực mình kiểm soát cũng đứng ra tổ chức.
Điều đó dẫn tới các chương trình thiết kế thiếu khoa học hoặc sao chép một cách máy móc mà không hiểu sâu về tâm sinh lý lứa tuổi, định hướng bài học trong trải nghiệm làm học viên hiểu lệch lạc vẫn đề cũng như không phát huy được những tiềm năng sẵn có trong mỗi học viên.
Các cơ quan chức năng cần kiểm tra, giám sát, hướng dẫn để các đơn vị mang được những giá trị tốt đẹp nhất đến với học viên, xứng đáng với tiền của, công sức và sự tin yêu mà các vị phụ huynh gửi gắm.
+ Học thêm mùa hè đôi khi trở thành nỗi ám ảnh của học sinh. Quan điểm của ông về vấn đề học thêm hè ra sao? Cha mẹ có nên bỏ bớt sự kỳ vọng vào các khóa học thêm ngày hè. Và lời khuyên của ông để 3 tháng hè của trẻ thực sự bổ ích?
Học tập là việc phải suốt đời chứ không phải là việc của một thời gian, thời điểm nào đó. Mùa hè là thời điểm để học sinh nghỉ ngơi, nhìn nhận lại kết quả của cả một năm học để định hướng, bổ sung những kiến thức, kỹ năng cần thiết cho năm học mới. Vì vậy có một kế hoạch cụ thể trong mùa hè sẽ giúp các con trưởng thành hơn và tận dụng được thời gian sống một cách có ý nghĩa.
Các phụ huynh cần đồng hành cùng con để sắp xếp thời gian, kế hoạch một cách hiệu quả nhất. Nghỉ ngơi, các hoạt động thể thao, thiện nguyện, thăm hỏi, học thêm một ngoại ngữ mới, học sử dụng một nhạc cụ, bổ sung những kỹ năng thiết yếu, bổ sung kiến thức còn hổng, tìm hiểu những phương pháp học tập mới, đi du lịch, tham gia trại hè… đều có ý nghĩa và giá trị như nhau. Tuỳ từng điều kiện, hoàn cảnh, nhu cầu mà quý phụ huynh lựa chọn cho con những hoạt động phù hợp và hữu ích nhất.