Có nên kiểm soát sự riêng tư?
Từ lúc con gái vào tuổi dậy thì, chị Hạnh (thị trấn Gia Lộc - Hải Dương) thường hay “tự nguyện” dọn phòng cho con để có cớ “lục soát” tìm kiếm xem con có giấu giếm điều riêng tư nào không…
Sau đôi lần dọn dẹp, chị Hạnh cũng phát hiện ra cuốn nhật ký của Thu Anh. Đọc được những mong muốn, sở thích, hờn giận của con với cô giáo, với bạn bè, chuyện này chuyện kia mà con bất bình trong gia đình… chị đã tìm cách lồng vào đôi điều răn bảo, nhắc nhở con lúc này lúc khác.
Ban đầu, con bé Thu Anh không để ý, nhưng sau có nhiều câu mẹ dẫn chứng việc này việc kia khiến nó ngờ ngợ… Rồi một lần nó chột dạ khi mẹ vào phòng dọn dẹp và bắt gặp mẹ đang đọc nhật ký của mình.
Cô bé đã phản ứng gay gắt, trách mẹ thiếu tôn trọng người khác. Chị Hạnh thanh minh mẹ làm thế chỉ vì muốn hiểu con hơn, để quan tâm hỗ trợ con kịp thời... Thay vì xin lỗi con, chị Hạnh còn mắng át nó và khẳng định chuyện cha mẹ có quyền với con cái thế nào khiến Thu Anh càng tức giận. Cô con gái khóc nức nở và giằng lấy cuốn nhật ký xé tan rồi chạy ra khỏi phòng…
Chị Hồng Anh (phố Thái Thịnh – Hà Nội) rất lo vì năm nay con trai thi vào THPT. Con học không giỏi, nhỡ lại vướng vào yêu đương sớm hoặc đàn đúm bạn bè mà xao nhãng học hành thì gay. Chị đề nghị kết bạn với con trên Facebook nhưng lần nào nó cũng thẳng thừng từ chối. Trực tiếp không được, chị tạo một tên giả, ảnh giả để xâm nhập bằng được thế giới riêng tư của con… Nhưng rồi chuyện bại lộ, con trai chẳng những hủy kết bạn với chị mà cả tháng nay lầm lì, hỏi gì đáp nấy nhát gừng chứ không vui vẻ bông đùa với bố mẹ như trước đây…
Làm gì để thấu hiểu con?
Các chuyên gia giáo dục của Học viện giao tiếp MasterKids khẳng định: Việc cha mẹ đọc trộm nhật ký của con, “trà trộn” vào thế giới ảo để hiểu con không phải là phương pháp hiệu quả để thấu hiểu con mà đôi khi còn “lợi bất cập hại”. Những kết quả nhất thời đó không bao giờ tạo dựng được niềm tin lâu dài. Muốn hiểu con, phụ huynh nên dành nhiều hơn thời gian cho con, dành sự quan tâm lắng nghe nhiều hơn, tâm sự nhiều hơn và nếu như nhờ nhật ký, nhờ mạng ảo mà biết được bí mật gì của con thì hãy tuyệt đối cất giấu chứ không nên truy vấn, gặng hỏi hay phán xét con. Đừng ép trẻ phải chia sẻ mà hãy tế nhị trò chuyện và gợi mở, để con có thể tỏ bày những khúc mắc một cách tự nhiên, thoải mái nhất.
Chuyên gia Hà Linh - Tổng đài tư vấn 19006212 phân tích: Viết nhật ký là một thói quen tốt của trẻ. Đó là cách giúp con giải tỏa áp lực học hành và những điều cảm nhận về cuộc sống. Nhờ viết nhật ký trẻ sẽ biết cách tự nhìn nhận đánh giá bản thân mình, bên cạnh đó còn rèn luyện được khả năng diễn đạt ngôn ngữ viết.
Ở tuổi thích khẳng định cái tôi của mình, con sẽ cảm thấy bị tổn thương, không được tôn trọng nếu bố mẹ can thiệp thô bạo vào quyền riêng tư của chúng. Sự tổn thương trong tâm hồn sẽ khiến trẻ có những phản ứng tiêu cực, đốt, xé nhật ký hoặc chán không viết nữa. Hoặc khi phát hiện “kẻ mạo danh” lọt vào Facebook dò xét mình, con cũng không còn giữ được sự tin tưởng, kính trọng đối với bố mẹ nữa. Cách hay nhất để thấu hiểu con, làm bạn đồng hành cùng con, để con tin tưởng, cởi mở vẫn là “cho trước nhận sau” phụ huynh hãy dành nhiều thời gian quan tâm, gần gũi, làm bạn thật sự với con.