Dòng đầu tiên thầy cô viết yêu người

Đêm Giao thừa nén hương thắp ngoài sân/ Cỗ giản dị nhưng trong tâm thanh thản/ Nét chữ đẹp đầu năm bao tươi tắn/ Dòng đầu tiên chúng tôi viết yêu người.

Dòng đầu tiên thầy cô viết yêu người

‘An’ để ‘yêu người’

Đồng hồ đang gõ những nhịp cuối cùng tiễn năm cũ Nhâm Dần, đón năm mới Quý Mão. Như thường lệ, tôi gọi điện chúc Tết thầy giáo cũ của mình.

Từ khi gắn với nghiệp phấn trắng bảng đen, Giao thừa nào bên mâm cúng đất trời tổ tiên, thầy tôi luôn có thói quen để sẵn trang giấy trắng và cây bút. Khi đất trời giao hòa, thầy trịnh trọng ngồi vào bàn viết chữ khai Xuân. Mỗi năm thầy chọn một chữ tâm đắc nhất, ăm ắp tâm tư, nguyện cầu.

Năm nay thầy viết gì?”, tôi hỏi. “Thầy viết chữ “An””, vừa nhỏ nhẹ đáp lời, thầy vừa lý giải: “Ai cũng muốn bản thân, gia đình “Phúc - Lộc - Thọ”, nghề nghiệp phát triển, đất nước “Thịnh vượng - Trường tồn”… Nhưng những điều đó khó có thể thực hiện được nếu thiếu một chữ “An”.

Nghề giáo cũng vậy, nếu người thầy chưa an, thật khó mà mang đến niềm hạnh phúc cho người học, để trò mỗi ngày đến trường là một ngày vui… Thầy viết chữ “An” với mong muốn cho mình, cho những ai “gieo hạt”, có được sự bằng an trong cuộc sống, để trọn vẹn với nghiệp đưa đò…

Năm Quý Mão 2023 nhiều chính sách chăm lo cho nhà giáo đi vào cuộc sống, thầy tin, bạn bè, đồng nghiệp sẽ an tâm giữ lửa nghề”.

Và rồi, thầy đọc cho tôi câu thơ của nhà giáo Lê Thống Nhất:

“Đêm Giao thừa nén hương thắp ngoài sân/ Cỗ giản dị nhưng trong tâm thanh thản/ Nét chữ đẹp đầu năm bao tươi tắn/ Dòng đầu tiên chúng tôi viết "Yêu Người!"”.

Chút tiền nhỏ dặm vô đồng lương khiêm tốn

Chia sẻ của thầy trong phút giao Xuân bỗng lắng lại trong tôi. Hình ảnh ngày cuối năm những người thầy tất bật đó đây theo đơn hàng online. Thầy cô kiếm thêm chút tiền nhỏ dặm vô đồng lương khiêm tốn ngày Tết.

Hình ảnh về lời cảm ơn rưng rưng của người thầy vùng cao khi nhận từ tay học trò gói đỗ, cân hành, bó hoa rừng… mừng Tết thầy cô. Và con số cả nước có 16 nghìn giáo viên bỏ việc, bình quân cứ 100 nhà giáo thì một người ra khỏi ngành, như một nốt lặng của năm 2022…

Dù Nhà nước đã rất nỗ lực quan tâm, chăm lo cho đời sống của đội ngũ nhà giáo, nhưng do ngân sách còn eo hẹp nên đến nay vẫn còn nhiều người thầy chưa vẹn một chữ “An”, long đong với chuyện mưu sinh...

Tôi may mắn được sống khá thoải mái bằng nghề, được sống hết mình toàn tâm toàn ý với nghề. Nhưng không ít đồng nghiệp tôi quen biết đã không thể sống bằng nghề. Đó là những đồng nghiệp mà tôi rất mực trân quý. Bởi, dù vất vả mưu sinh, họ vẫn luôn khắc ghi sứ mệnh của giáo dục. Vẫn một lòng yêu nghề, trăn trở với từng bài dạy để mỗi giờ lên lớp đều đem lại cho học sinh những điều bổ ích. Mỗi khi nghĩ đến hình ảnh những thầy cô giáo ấy, tôi đều cảm động và khâm phục, lấy đó làm động lực để mỗi ngày càng nỗ lực hơn.

Nhưng tôi nghĩ, dù vô cùng tâm huyết với nghề mà phải tất bật mưu sinh, các thầy cô đâu còn nhiều thời gian, tâm trí, sức lực cho sứ mệnh của giáo dục? Vì vậy, để mỗi thầy cô giáo mãi yêu nghề, dốc hết sức mình tận tụy với nghề, miệt mài gieo hạt cho những mùa gặt bội thu tri thức, cần có sự quan tâm của các cấp chính quyền và những quyết sách thực sự là Quốc sách, thiết thực và khả thi dành cho giáo dục”, nhà giáo tiêu biểu năm 2022 Nguyễn Thị Liễu Hoàn (Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp-Quảng Bình) đã chia sẻ như thế.

Sự thẳng thắn của Bộ trưởng

Để mỗi thầy cô giáo mãi yêu nghề, dốc hết sức mình tận tụy với nghề, năm qua ngành Giáo dục đã có nhiều nỗ lực, kiên trì đấu tranh để nâng cao đời sống nhà giáo, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Trên nghị trường Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã thẳng thắn chia sẻ những khó khăn của đội ngũ nhà giáo và cho biết Bộ sẽ rà soát các văn bản, thể chế, chính sách liên quan. Trong đó, vấn đề tăng lương, nâng phụ cấp ưu đãi đặc biệt cho giáo viên mầm non và giáo viên tiểu học phải được thực hiện một cách cấp bách để đảm bảo đời sống giáo viên, theo tinh thần “có thực mới vực được đạo”.

Cuối tháng 12/2022, Bộ GD&ĐT đã có dự thảo Tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi nhà giáo. Điểm nhấn của tờ trình là đề xuất phụ cấp giáo viên mầm non tăng mức cao nhất, lên tới 100% (tùy đối tượng).

Có thể thấy, chính sách nhà giáo cần phải được luật hóa là quan điểm của nhiều “thuyền trưởng” ngành Giáo dục. Mới đây, tại dự thảo đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo, Bộ GD&ĐT đã đề xuất 5 nhóm chính sách chủ yếu nhằm phát triển đội ngũ, trong đó có chính sách đãi ngộ tôn vinh. Theo đó, giải pháp thực hiện chính sách là luật hóa các nội dung: Bổ sung quy định về tiền lương, phụ cấp; bổ sung quy định về chế độ hưu trí, khám chữa bệnh và bảo hiểm xã hội và bổ sung quy định về tiêu chí, danh hiệu thi đua, khen thưởng, tôn vinh đối với nhà giáo.

Cùng với sự nỗ lực của Bộ GD&ĐT, trong năm qua, các địa phương cũng đã quan tâm nhiều hơn đến việc chăm lo đời sống của thầy cô. Thực hiện Nghị định số 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non, trong năm 2022 nhiều địa phương đã ban hành nghị quyết, trong đó đặc biệt quan tâm chăm lo đời sống giáo viên các khu chế xuất, khu công nghiệp. Trước thềm Tết Nguyên đán, nhiều tỉnh thành như Bà Rịa- Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh… đã có chính sách động viên nhà giáo với mức thưởng Tết từ 1,8-3 triệu đồng, mức thưởng cao nhất mọi năm...

Kỳ vọng tốt đẹp cho đời sống thầy cô năm Quý Mão

Những chuyển động tích cực về chính sách nhà giáo trong năm Nhâm Dần đã và đang mở ra nhiều kỳ vọng tốt đẹp cho đời sống người thầy trong năm mới Quý Mão.

Theo đó, từ 1/7/2023, cùng với chính sách tăng lương cơ sở, 70% viên chức là nhà giáo cả nước sẽ được hưởng lợi. Chính phủ cũng đang xem xét tăng phụ cấp ưu đãi nhà giáo đang ở mức 35% và 50% sẽ được tăng lên 70%, giáo viên mầm non ở vùng điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hưởng mức 100%.

Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu và đề xuất cơ chế đặc thù đối với việc tuyển dụng giáo viên dạy các môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Hướng dẫn các địa phương xây dựng phương án tạo nguồn bổ sung giáo viên các cấp học, nhất là tăng cường đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học, giáo viên dạy các môn học mới thuộc Chương trình giáo dục phổ thông 2018...

Đón năm Quý Mão, nhiều chính sách tốt đẹp đang mở ra, nhưng khó khăn, thử thách với người thầy vẫn còn ở phía trước. Bởi, từ chính sách đến cuộc sống là một khoảng dài thời gian, toàn ngành lại đang trong quá trình triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, một chương trình cả xã hội đang kỳ vọng cũng như đòi hỏi vai trò, trách nhiệm người thầy rất lớn. Trong lúc chờ những “cú hích” từ chính sách vĩ mô, tình yêu, trách nhiệm với nghề của nhà giáo vẫn là điều căn cốt cho hành trình gieo chữ.

Phút đầu năm, nhà giáo Lê Thống Nhất, thầy tôi và bao thầy cô vẫn một lòng tâm nguyện: “Dòng đầu tiên chúng tôi viết “Yêu Người””.

Xin được kính chúc thầy tôi và quý nhà giáo trên khắp nẻo đường nghề một Xuân mới an vui, để yêu người, trồng người và cho những mùa gặt bội thu!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ