Đặc biệt, thầy cô có hoàn cảnh khó khăn nhận được sự hỗ trợ kịp thời của địa phương, ngành Giáo dục… Tết càng thêm trọn vẹn ý nghĩa.
Đón Tết trong “căn nhà mơ ước”
Năm 2022, dù còn khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh để lại nhưng công tác chăm lo đội ngũ nhà giáo được các địa phương, Công đoàn ngành Giáo dục quan tâm chu đáo.
Gia đình thầy giáo Lê Nhựt Nam, Trường THPT Thanh Bình 1 (huyện Thanh Bình, Đồng Tháp) sẽ đón Tết Nguyên đán năm 2023 trong căn nhà mới. Với niềm vui khôn xiết, thầy Nhật cho biết đây là “căn nhà mơ ước” của gia đình hơn 10 năm qua nhưng chưa có điều kiện triển khai. Chỉ tới khi chương trình “Mái ấm công đoàn” của Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Đồng Tháp trao tặng thì ước mơ ấy mới thành hiện thực.
Sau hơn 2 tháng xây dựng, ngôi nhà hoàn thành với diện tích gần 60m2, nền nhà bằng gạch men, tường xây gạch cốt thép, mái lợp tôn. Kinh phí xây dựng được hỗ trợ từ chương trình là 45 triệu đồng, phần còn lại gia đình thầy huy động thêm từ người thân, bạn bè, tích lũy cá nhân.
Có được ngôi nhà khang trang, kiên cố thật sự là niềm vui lớn, thắp lên niềm tin, hy vọng với ngành Giáo dục. Bản thân tôi, khi có được nơi an cư, mới ổn định cuộc sống và yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với sự nghiệp trồng người…”, thầy Nam chia sẻ.
Tại tỉnh Tiền Giang, chương trình “Mái ấm công đoàn” đã giúp đỡ nhiều nhà giáo, nhân viên trường học gắn bó lâu năm với nghề nhưng chưa có điều kiện xây dựng ngôi nhà cho bản thân, gia đình. Thầy Võ Trần Bình, giáo viên Trường THPT Thủ Khoa Huân (huyện Chợ Gạo, Tiền Giang), cô Phan Thị Oanh, nhân viên Trường THPT Vĩnh Kim (huyện Châu Thành, Tiền Giang) là ví dụ điển hình.
Cả hai đều “đơn chiếc”, thu nhập chính từ tiền lương nhưng ngoài nuôi con đang tuổi ăn học còn thêm cha mẹ già yếu, bệnh tật phải phụng dưỡng. Nhà trường, Công đoàn Giáo dục tỉnh đã nắm bắt khó khăn và triển khai xây tặng “Mái ấm công đoàn”. Với sự hỗ trợ ý nghĩa này cùng nỗ lực của gia đình, đồng nghiệp, 2 mái ấm đã được trao tặng kịp thời đến những người thầy xứng đáng.
“Mái ấm công đoàn” tặng thầy Võ Trần Bình có diện tích 70m2, nền xi măng, cột bê tông, mái lợp tôn trị giá 120 triệu đồng. Còn với cô Phan Thị Oanh nhận “Mái ấm công đoàn” với diện tích 60m2, nền xi măng, mái lợp tôn, vách gạch trị giá 90 triệu đồng. Mỗi gia đình còn được nhận thêm nhiều quà tặng có ý nghĩa từ Công đoàn Giáo dục…
Ông Lưu Nhơn Đức, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Tiền Giang cho biết: Mỗi “Mái ấm công đoàn” được hỗ trợ 43 triệu đồng. Trong đó 40 triệu đồng từ Quỹ “Mái ấm Công đoàn” của Liên đoàn Lao động tỉnh, 3 triệu đồng từ nguồn tương trợ ngành Giáo dục. Số tiền còn lại do các nhà hảo tâm, đồng nghiệp, bạn bè và gia đình đóng góp. Qua hoạt động “Mái ấm công đoàn” chúng tôi mong các thầy cô giáo, nhân viên khi “an cư” sẽ không ngừng nỗ lực vươn lên, tiếp tục đóng góp tâm sức của mình cho học trò, trường lớp, gia đình và xã hội.
Bàn giao “Mái ấm công đoàn” cho thầy Lê Nhựt Nam, giáo viên Trường THPT Thanh Bình 1 (Đồng Tháp). Ảnh: CTV |
Động viên ý nghĩa
Bước qua 2 năm dịch bệnh, hoạt động dạy học trở lại bình thường nên Tết Nguyên đán 2023 đến với đội ngũ nhà giáo, người lao động ấm áp, an lành hơn. Đặc biệt khi nhiều địa phương đã có cơ chế, chính sách hỗ trợ giáo viên đón Tết thì niềm vui ấy càng trọn vẹn.
Vui nhất là cán bộ, giáo viên, nhân viên các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 103/NQ-CP về chính sách hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Cô Phạm Minh Thư, nhóm trẻ Nắng Hồng (quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ) chia sẻ: “Dịch Covid-19 bùng phát, nhiều nhóm trẻ ngoài công lập gặp khó khăn vì phải tạm dừng hoạt động. Đây cũng thời điểm các cô giáo, bảo mẫu thất nghiệp, không có nguồn thu nhập. Do đó, việc hỗ trợ kịp thời các trường ngoài công lập theo Nghị quyết 103 của Chính phủ hết sức ý nghĩa, cần thiết. Điều đó đã giúp các trường ngoài công lập, nhóm trẻ phục hồi, đời sống nhà giáo, nhân viên ổn định…”.
Qua rà soát, tổng hợp của Sở GD&ĐT Cần Thơ, thành phố có 529 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập được hưởng chính sách theo quy định tại Mục II, Nghị quyết 103 của Chính phủ. Trong đó, có 99 người đã được hưởng chính sách của địa phương theo quy định tại Khoản 12, Mục II, Nghị quyết 68 của Chính phủ; còn 430 người chưa được hưởng chính sách của địa phương theo quy định tại Khoản 12 Mục II Nghị quyết 68 của Chính phủ…
Ông Nguyễn Hữu Nhân, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT Cần Thơ) thông tin thêm: “Hàng năm, Sở phối hợp Công đoàn ngành thống kê giáo viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn để tổ chức thăm hỏi, tặng quà Tết từ Quỹ hỗ trợ giáo viên vùng sâu, vùng xa. Các Phòng GD&ĐT rà soát, vận động mạnh thường quân hỗ trợ, không để thầy cô, học sinh thiếu thốn trong dịp Tết…”.
Công tác chăm lo cho đội ngũ nhà giáo dịp Tết cũng được tỉnh Tiền Giang hết sức quan tâm. Hằng năm, đến tháng 11, Công đoàn ngành Giáo dục đều tiến hành vận động Công đoàn cơ sở, các tổ chức xã hội quan tâm hỗ trợ, chăm lo cho nhà giáo có hoàn cảnh khó khăn, nhất là đội ngũ giáo viên ở các huyện vùng sâu, vùng xa.
Nhiều hoạt động chăm lo Tết nhà giáo đã được Công đoàn ngành thực hiện như: Hội diễn văn nghệ mừng Đảng, mừng Xuân; Công đoàn cơ sở vận động tặng quà cho giáo viên có hoàn cảnh khó khăn; Xét trợ cấp cho giáo viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… Các Phòng GD&ĐT, trường học cũng tích cực cho hoạt động này với tinh thần “Lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá rách hơn”.
“Nhiều thầy cô khó khăn trong cuộc sống, bệnh tật… vẫn hàng ngày bám trường lớp. Vì vậy, công tác chăm lo Tết cho cán bộ, giáo viên, nhân viên hoàn cảnh khó khăn luôn được quan tâm. Với sự quan tâm của ngành và toàn xã hội... ngành Giáo dục sẽ đón Tết trong ấm áp, trọn vẹn…”, bà Huỳnh Thị Phượng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Tiền Giang trao đổi.