Trong khi đó, Chỉ thị 04/CT-TTg ngày 11/2/2024 yêu cầu triển khai nội dung này trên toàn quốc từ năm học 2024 - 2025. Cần nhận diện khó khăn và đưa ra giải pháp thế nào để thực hiện nhiệm vụ này?
Kết quả bước đầu
Bến Tre là một trong những địa phương triển khai sớm và khá quyết liệt về học bạ điện tử. Hiện tỉnh đủ điều kiện để thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT về thí điểm học bạ số tiến đến triển khai hoàn toàn học bạ số kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia.
Chia sẻ thông tin này, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bùi Minh Nhựt cho biết thêm: Từ năm học 2021 - 2022, Sở GD&ĐT Bến Tre triển khai đến 100% nhà trường 3 loại sổ điện tử gồm: Học bạ điện tử, sổ điểm điện tử (sổ theo dõi kết quả học tập và rèn luyện), sổ đăng bộ điện tử (sổ này trường vẫn phải in ra ký trực tiếp, chưa ký số). Đồng thời khuyến nghị các trường thực hiện thêm nhiều loại sổ khác để phục vụ cho công tác quản lý.
Nhằm thúc đẩy trường THPT thực hiện chuyển đổi số, xây dựng trường học ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) theo bộ tiêu chí của Bộ GD&ĐT, đồng thời từng bước cung cấp học bạ số sau khi ra trường cho học sinh lớp 12, từ năm học 2022 - 2023, sở GD&ĐT triển khai chữ ký số cho các trường THPT. Sau đó, phòng GD&ĐT từng bước triển khai chữ ký số cho trường tiểu học, THCS với mô hình và yêu cầu tương tự như đã triển khai tại trường THPT.
Đến nay, 100% cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Bến Tre chuyển đổi các loại sổ điện tử trong nhà trường theo quy định và trang bị chữ ký số cho giáo viên để ký sổ điện tử. Qua đó, thực hiện học bạ điện tử, sổ điểm điện tử, mở rộng thêm các loại sổ điện tử khác trong nhà trường lưu trữ trên môi trường mạng.
Thông tin từ thầy Lê Văn Hòa - Giám đốc Trung tâm GDTX - Tin học, Ngoại ngữ tỉnh Quảng Trị, địa phương đã triển khai học bạ điện tử đồng bộ ở tất cả cấp học. Quá trình thực hiện cơ bản thuận lợi. Một số vấn đề vướng mắc được sở GD&ĐT phối hợp với nhà mạng để tập huấn, tháo gỡ kịp thời.
Trong các nhà trường, 100% giáo viên được trang bị chữ ký số, hệ thống phần mềm quản lý học sinh đã liên thông dữ liệu từ sổ điểm điện tử đến học bạ điện tử. Một số giáo viên lớn tuổi gặp khó khăn khi xử lý chữ ký số hoặc thực hiện nhận xét học sinh trên học bạ điện tử đều được trợ giúp để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Tại Hòa Bình, đến ngày 20/6/2024, các cơ sở giáo dục đều hoàn thành ký và phát hành học bạ số cho 100% học sinh từ lớp 1 đến lớp 4; 78,5% học sinh từ lớp 1 đến lớp 5; đảm bảo kết nối liên thông từ các cơ sở giáo dục đến phòng GD&ĐT và sở GD&ĐT.
Bà Đinh Thị Hường - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình cho biết: Thực tế triển khai cho thấy ứng dụng học bạ số mang lại nhiều lợi ích. Tuy nhiên còn khó khăn, vướng mắc bởi chưa có khung pháp lý về học bạ số khi liên thông với các tỉnh, thành phố để đáp ứng nhu cầu thực tế, đảm bảo đúng thể chế của pháp luật.
Cần đồng bộ, liên thông dữ liệu
Từ thực tế này, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình đề nghị Bộ GD&ĐT ban hành Quy chế về lập, quản lý, lưu trữ, sử dụng, kết nối, chia sẻ các hồ sơ điện tử của ngành, xây dựng quy định chuẩn hóa liên thông dữ liệu các phần mềm trong nhà trường, bảo mật thông tin học sinh và cơ sở dữ liệu khi được số hóa.
Cần quy định khung giá và nguồn chi phát hành học bạ số để các địa phương có cơ sở pháp lý trình Hội đồng nhân dân tỉnh. Cùng với đó, tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ chủ chốt, chuyên viên phụ trách cấp học, phụ trách CNTT của các sở GD&ĐT về khai thác, quản lý hồ sơ số, học bạ số…
Theo ông Nguyễn Minh Nhiên - Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học và Giáo dục thường xuyên (Sở GD&ĐT Bắc Ninh), giáo dục trung học và giáo dục thường xuyên Bắc Ninh vẫn thực hiện đồng bộ hai hình thức học bạ điện tử và học bạ giấy, nên triển khai chính thức không khó. Vấn đề lớn nhất hiện nay là việc liên thông hệ thống trong toàn quốc, đồng thời cần có quy định về lưu trữ học bạ như thế nào? Nếu dữ liệu trên hệ thống bị mất thì toàn bộ thông tin của học sinh cũng sẽ mất.
Một vấn đề cần được đặt ra là việc lưu trữ hồ sơ của mỗi học sinh. Trước đây, khi tốt nghiệp các em được trả 1 quyển học bạ (lưu suốt đời mà vẫn giữ được nguyên thông tin). Còn với học bạ điện tử, nhiều nơi, nhà trường in bằng máy thông thường, chất lượng bản in không tốt dẫn đến khó khăn cho lưu trữ sau này”, ông Nguyễn Minh Nhiên trao đổi.
Là địa phương triển khai học bạ điện tử hiệu quả, tuy nhiên, thực tiễn của Bến Tre cho thấy còn có khó khăn, vướng mắc. Theo đó, học bạ điện tử triển khai chưa đồng bộ nên việc chuyển đến, chuyển đi của học sinh ra ngoài tỉnh còn khó khăn. Thủ tục xác nhận nhập học vào đại học gặp khó khăn giữa cơ sở giáo dục có trang bị ký số và chưa trang bị ký số; hoặc các trường đại học, ngành liên quan chưa có quy định về nhận, sử dụng hồ sơ số về kết quả học tập rèn luyện của học sinh.
Việc triển khai ký số trên học bạ điện tử có liên quan sâu với hệ thống quản lý trường học. Tuy nhiên vẫn có địa phương triển khai phần mềm quản lý trường học này nhưng trang bị chữ ký số thì lại thuộc một phần mềm khác (do khác nhà cung cấp). Trong khi đó, các phần mềm chưa có quy định pháp lý để liên thông dữ liệu an toàn, nên việc triển khai còn bất cập, gây bất tiện cho giáo viên (quy trình ký số có bước thủ công liên thông dữ liệu), không đúng với tinh thần chuyển đổi số là phải tạo thuận lợi cho người dùng, mang lại hiệu quả tốt hơn.
Từ đó, Sở GD&ĐT Bến Tre kiến nghị Bộ GD&ĐT ban hành các quy định về lập, quản lý, lưu trữ, sử dụng, kết nối, chia sẻ các hồ sơ điện tử (có ký số và không ký số) của ngành; đồng thời, xây dựng quy định chuẩn hóa các việc trao đổi, cung cấp, liên thông dữ liệu giữa các phần mềm trang bị trong nhà trường.
Nhìn chung, triển khai học bạ điện tử là đúng xu thế, mang lại tiện lợi cho giáo viên và học sinh. Tôi chỉ có chút băn khoăn về tính bảo mật và khả năng lưu trữ lâu dài. Tôi cho rằng, vấn đề quan trọng là phối hợp giữa nhà trường và nhà cung cấp dịch vụ phần mềm. Thầy cô là người dùng, thấy phần nào chưa tiện, chưa hay thì phản ánh kịp thời để bên cung cấp dịch vụ điều chỉnh, nâng cấp. Một khi học bạ điện tử hoàn thiện thì thông tin giữa nhà trường với phụ huynh vừa kịp thời, vừa chính xác. - Thầy Lê Văn Hòa