Triển khai thí điểm học bạ số cần bám sát Đề án 06 của Chính phủ

GD&TĐ - Sáng 8/7, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo triển khai thí điểm học bạ số cấp Tiểu học.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo triển khai thí điểm học bạ số cấp Tiểu học sáng 8/7. Ảnh: Đình Tuệ.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo triển khai thí điểm học bạ số cấp Tiểu học sáng 8/7. Ảnh: Đình Tuệ.

Từng bước tháo gỡ khó khăn

TS Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học cho biết, đơn vị đang phối hợp với Cục Công nghệ thông tin sẽ tham mưu lãnh đạo Bộ xem xét ban hành văn bản quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, điều kiện triển khai Học bạ số và công bố phương án về hạ tầng kỹ thuật, triển khai hệ thống kết nối, chia sẻ dữ liệu về Học bạ số từ Sở GD&ĐT về Bộ GD&ĐT, thực hiện Cổng tra cứu Học bạ số.

Về thực trạng, dữ liệu hồ sơ về trường, lớp, nhân sự, học sinh của địa phương đã được cập nhật đầy đủ trên cơ sở dữ liệu của Bộ GD&ĐT tại địa chỉ http://csdl.moet.gov.vn.

Một số địa phương đã xây dựng được hệ thống Cơ sở dữ liệu ngành riêng của Sở GD&ĐT, tạo tiền đề phục vụ việc xây dựng cơ sở dữ liệu về học bạ số của các địa phương theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Có nơi trước đây đã triển khai kết xuất học bạ dạng PDF có tích hợp chữ ký số. Tuy nhiên, đây chưa phải là chuẩn dữ liệu học bạ mới (dạng file XML) theo tài liệu kỹ thuật đặc tả học bạ số thí điểm Tiểu học của Bộ GD&ĐT ban hành.

7.jpg
TS Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học chia sẻ góp ý tại cuộc họp. Ảnh: Đình Tuệ.

Các Sở GD&ĐT xây dựng cơ sở dữ liệu Học bạ số gốc tại địa phương đảm bảo đúng pháp lý về học bạ. Lưu trữ học bạ số tại các địa phương, song song với việc gửi dữ liệu Học bạ số về cơ sở dữ liệu Học bạ số Bộ GD&ĐT giảm tải áp lực lưu trữ, hỗ trợ tại Bộ GD&ĐT.

Theo TS Thái Văn Tài, qua quá trình giám sát và kiểm tra thực tiễn khi thực hiện thí điểm Học bạ số cho thấy, một bộ phận giáo viên lớn tuổi hạn chế về kĩ năng công nghệ nên gặp khó khăn trong thực hiện các thao tác trên phần mềm học bạ số, ký số trên điện thoại.

Thiết bị điện thoại của giáo viên đa phần là thế hệ cũ, không phù hợp để cài đặt ứng dụng ký số. Tại một số nơi, chất lượng thiết bị máy tính, hạ tầng công nghệ thông tin vừa yếu, vừa thiếu.

Đến thời điểm này, kinh phí để tổ chức thí điểm chưa được cấp; một số nơi có thể vận dụng các nguồn thì thời gian ngắn không kịp làm thủ tục đấu thầu. Đặc biệt là việc đầu tư cổng học bạ số tại Sở GD&ĐT phụ thuộc hoàn toàn vào cung cấp miễn phí của doanh nghiệp.

Vì các lý do khác nhau, việc thực hiện ký số, gửi nhận dữ liệu còn tiêu tốn nhiều thời gian. Ứng dụng ký số không tương thích trên tất cả các hệ điều hành của các loại điện thoại di động hiện nay. Một số học sinh không có mã định danh hoặc mã định danh trùng nhau. Việc rà soát và đề nghị phía công an xác minh, cấp hoặc cấp lại gặp nhiều khó khăn.

Những tín hiệu tích cực

9.jpg
TS Thái Văn Tài nêu bật một số kết quả bước đầu, thuận lợi, khó khăn trong thời gian qua khi triển khai thí điểm học bạ số cấp Tiểu học. Ảnh: Đình Tuệ.

Thời gian qua, Vụ Giáo dục Tiểu học đã tiến hành khảo sát, ghi nhận các kết quả đạt được và một số tồn tại, hạn chế, nguyên nhân về việc triển khai thí điểm Học bạ số tại địa phương gồm: Nam Định, Bắc Ninh, Bến Tre, Hậu Giang, Quảng Ngãi, Bắc Giang, Hòa Bình.

Nhiều địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số, Ban chỉ đạo thí điểm Học bạ số; ban hành kế hoạch chi tiết, phân công nhiệm vụ cụ thể và tích cực phối hợp với các cơ quan, tổ chức có khả năng cung ứng dịch vụ hạ tầng để sẵn sàng thực hiện Học bạ số đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Trong đó, TP. Hồ Chí Minh, TP Hà Nội và một số địa phương đã triển khai hội nghị tập huấn học bạ số trên diện rộng đến tất cả cán bộ quản lý và giáo viên.

Đến nay, có 53/63 tỉnh/thành đã phối hợp với các nhà cung cấp cổng Học bạ số, có các địa chỉ IP tĩnh, phân công cán bộ làm đầu mối liên hệ, thường trực xử lý về các vấn đề liên quan đến Học bạ số tại địa phương.

TS Thái Văn Tài nhấn mạnh, các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT đã xây dựng xong chuẩn đặc tả kỹ thuật về file Học bạ số, chuẩn kết nối dữ liệu và cơ sở dữ liệu lưu trữ Học bạ số; chuẩn bị xong về hạ tầng kỹ thuật phục vụ triển khai thí điểm Học bạ số, sẵn sàng tiếp nhận dữ liệu Học bạ từ các địa phương.

10.jpg
Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên Hoàng Đức Minh phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Đình Tuệ.

Kết quả triển khai thí điểm học bạ số cấp Tiểu học tính tới hết ngày 5/7 như sau:

Có tổng số 53/63 Sở GD&ĐT đã đăng ký và được cấp tài khoản kết nối, báo cáo học bạ số (thí điểm) về Kho học bạ số Bộ GD&ĐT (hệ thống thử nghiệm). Có tổng số 20 Sở GD&ĐT đã đăng ký và được duyệt chứng thư số dùng để gửi báo cáo học bạ số về Kho học bạ số Bộ GD&ĐT.

Có tổng số 18 Sở GD&ĐT đã thực hiện gửi báo cáo Học bạ số về Kho học bạ số Bộ GD&ĐT bao gồm 2.985 trường tiểu học (trong tổng số 14.661 trường tiểu học trên phạm vi toàn quốc) với 1.747.231 Học bạ số cấp tiểu học (trong tổng số 8.919.198 học bạ cấp tiểu học).

Đại diện Vụ Giáo dục Tiểu học đề xuất với lãnh đạo Bộ GD&ĐT thời gian tới cần tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả triển khai thí điểm Học bạ số cấp Tiểu học năm học 2023-2024 và tiếp tục triển khai chính thức Học bạ số vào các năm học tiếp theo.

Chỉ đạo các đơn vị chức năng nghiên cứu, đánh giá và thực hiện các biện pháp điều chỉnh (nếu có) để hoàn thiện mô hình triển khai thí điểm Học bạ số cấp tiểu học, làm cơ sở để sớm triển khai chính thức Học bạ số đồng bộ, thống nhất trên toàn quốc ở cấp học tiểu học nói riêng và bậc phổ thông nói chung.

Ban hành văn bản quy định tính pháp lý của Học bạ số, trong đó đặc biệt quan tâm đến hướng dẫn chuyển tiếp từ Học bạ giấy sang Học bạ số; quy định Giám đốc Sở GD&ĐT được ủy quyền cho cấp dưới ký thay hoặc thừa lệnh ký số học bạ trước khi chuyển về cơ sở dữ liệu Học bạ số Bộ GD&ĐT.

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đánh giá cao phối hợp giữa các đơn vị, vụ, cục thuộc Bộ GD&ĐT trong việc triển khai thí điểm học bạ số cấp Tiểu học thời gian qua. Đồng thời, Thứ trưởng nhấn mạnh tới mục tiêu, phương pháp triển khai thực hiện thí điểm học bạ số cần bám sát theo Đề án 06 của Chính phủ về chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Thời gian tới, các đơn vị cần tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo Bộ GD&ĐT để xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, đề xuất các giải pháp để tháo gỡ khó khăn khi thực hiện học bạ số.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ