Bộ GD&ĐT cho biết: Cùng với việc phát triển kinh tế - xã hội, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm chăm lo phát triển GD-ĐT, GD thế hệ trẻ, cụ thể:
Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT nêu rõ mục tiêu tổng quát của GD-ĐT là: “Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả”.
Quốc hội đã thông qua Luật GD 2019, quy định nhiệm vụ, quyền của người học, quy định trách nhiệm của nhà trường, gia đình và xã hội trong GD; quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong cơ sở GD, nhiệm vụ của người học; quy định rõ trách nhiệm của UBND các cấp trong kiểm tra việc chấp hành pháp luật về GD của cơ sở GD trên địa bàn.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, các đề án, chương trình về tăng cường GD đạo đức, lối sống, lý tưởng cách mạng cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng; về bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật, bảo đảm môi trường GD an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng, chống bạo lực học đường.
Để phòng ngừa, đẩy lùi tình trạng bạo lực học đường, vi phạm pháp luật trong HS phổ thông và bảo đảm an ninh, an toàn trường học, Bộ GD&ĐT đã và đang thực hiện các giải pháp:
Tham mưu để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, đề án, chỉ thị và các văn bản chỉ đạo điều hành khác nhằm bảo đảm môi trường GD an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và bạo lực học đường.
Đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp, hình thức GD đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, GD pháp luật cho HSSV. Ban hành Chương trình GDPT mới theo hướng tích hợp GD kỹ năng sống trong các môn học và hoạt động GD, đổi mới nội dung, phương pháp trong môn đạo đức, GD công dân, giảm tải nội dung, thời lượng các môn học chính khóa, tăng cường các hoạt động ngoại khóa, hoạt động GD trải nghiệm; tích hợp, lồng ghép nội dung phòng, chống bạo lực học đường vào nội dung một số môn học và hoạt động GD.
Chỉ đạo các cơ sở GD xây dựng trường học dân chủ, an toàn, lành mạnh, thân thiện; xây dựng và triển khai Bộ Quy tắc ứng xử trong cơ sở GD. Phát triển các câu lạc bộ phù hợp với năng khiếu, sở thích, điều kiện và lứa tuổi HS; tăng cường các hoạt động trải nghiệm, hoạt động thể thao, hoạt động xã hội.
Tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình trong quản lý GD HS, trong đó gia đình có vai trò hết sức quan trọng. Thường xuyên thông tin hai chiều giữa nhà trường, gia đình HS về hoạt động của nhà trường, tình hình học tập, rèn luyện, các dấu hiệu bất thường để phối hợp triển khai các biện pháp GD HS; nhà trường hỗ trợ, cung cấp cho cha mẹ HS kiến thức, kỹ năng trong việc đồng hành, GD giúp con tiến bộ.
Chỉ đạo, tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo về xây dựng và bảo đảm môi trường GD an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; phối hợp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.