Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên: Xây dựng chương trình quốc gia

GD&TĐ - Tại hội thảo “Thực trạng đạo đức lối sống của học sinh, sinh viên - Vấn đề và giải pháp” do Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức tại Hà Nội vừa qua, nhiều ý kiến đề nghị cần phải có chương trình quốc gia hoặc Nghị quyết chuyên đề về giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên...

GS Nguyễn Cương (ngoài cùng bên phải) tại Hội thảo “Thực trạng đạo đức lối sống của HS, SV – Vấn đề và giải pháp”.
GS Nguyễn Cương (ngoài cùng bên phải) tại Hội thảo “Thực trạng đạo đức lối sống của HS, SV – Vấn đề và giải pháp”.

Khủng hoảng về tâm lý lứa tuổi

GS.TS Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam cho rằng: Đạo đức lối sống của HS, SV đang là vấn đề nhức nhối, là mối lo ngại của toàn xã hội. Các vụ việc liên quan đến những hành vi vô đạo đức của giới trẻ đang gia tăng đáng kể với nhiều tình tiết hết sức nghiêm trọng.

Điển hình như tháng 10/2015, một nữ sinh lớp 10 tại Trường THPT Lê Viết Tạo (Thanh Hóa) bị vây đánh hội đồng. Tháng 9/2017, tại Trường THPT Tiên Lãng (Hải Phòng), một nhóm HS nữ lao vào đánh một bạn cùng trường. Tháng 3/2019, một nữ sinh lớp 9 ở Hưng Yên cũng đã bị 5 bạn nữ cùng lớp lột quần áo, đánh hội đồng. Rồi có biết bao nhiêu các vụ việc liên quan đến đạo đức, lối sống của giới trẻ được truyền tải trên các trang mạng xã hội.

Theo thống kê của Bộ Công an (năm 2018), mỗi năm có khoảng 2.000 vụ bạo lực liên quan đến vi phạm đạo đức, sát phạt lẫn nhau, trong đó hơn 53% số vụ xảy ra trong trường học. Điều đáng nói, nhiều vụ bạo lực diễn ra ngoài nhà trường nên ngành Giáo dục không nắm được.

Phân tích về nguyên nhân xảy ra bạo lực học đường, GS.TS Nguyễn Ngọc Phú cho rằng, đa số các vụ việc để lại hậu quả đau lòng, nguyên nhân là các em - đối tượng gây bạo hành - bị căng thẳng về tinh thần, tâm lý, niềm tin; Dẫn đến các em bị khủng hoảng, không kiềm chế được cảm xúc, rối loạn về hành vi.

Các khủng hoảng này bắt nguồn từ chính trong gia đình mình. Các em mang theo những bức xúc này vào trong trường, trong lớp của mình. Về phía xã hội, nhiều năm qua, chúng ta đã buông lỏng quản lý giáo dục đạo đức cho người dân nói chung, cho con trẻ nói riêng. Phim ảnh bạo lực, các hành vi vô văn hóa từ cuộc sống, từ đối nhân xử thế giữa người với người được phổ biến tràn lan trên mạng xã hội.

Những lỗ hổng

Nhà giáo Nguyễn Văn Hòa chia sẻ tại Hội thảo
 Nhà giáo Nguyễn Văn Hòa chia sẻ tại Hội thảo

4Chia sẻ về vấn đề này, nhà giáo Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch HĐQT Trường phổ thông liên cấp Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội), cho rằng chuyện giáo dục đạo đức như một tiếng chuông báo động trong việc thế hệ trẻ đã đi chệch con đường đào tạo con người mà chúng ta mong muốn.

Theo thầy Hòa, nguyên nhân đầu tiên là việc giáo dục đạo đức nhỏ lẻ, không được chú tâm, xem nhẹ, mà hiện nay các nhà trường đang lo lắng và tập trung nhất là chạy theo điểm số, chạy theo thi cử và giáo dục cả nước bị cuốn theo dòng thác thành tích. Mà đã tập trung vào giáo dục chạy theo thành tích - thi cử - điểm số thì việc giáo dục đạo đức nếu không coi là bị xem nhẹ thì cũng không phải là trọng tâm, thường xuyên, làm lấy lệ, hình thức không xuất phát từ mục tiêu giáo dục con người.

Thầy Nguyễn Văn Hòa cho rằng, nếu chúng ta không coi trọng khoa học tâm lý thì đã đánh mất đi giá trị cơ bản nhất của giáo dục. Việc giáo dục phải đi đúng tâm lý theo cách để các em tự giác thay đổi bản thân nhằm trở thành con người văn hóa, văn minh.

Ông Trần Quốc Toản, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, ở các nước phát triển, việc giáo dục đạo đức từ tiểu học được đặc biệt coi trọng chứ không phải lo học vấn cao siêu. Ở nước ta, dường như có một lỗ hổng từ cách tiếp cận cho đến phương thức tổ chức thực hiện việc giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh.

Cần ra Nghị quyết chuyên đề

Theo GS Nguyễn Cương, Hội Hóa học VN, GD đạo đức, lối sống cho HS phổ thông nói riêng và cho SV các trường ĐH, CĐ và HS các trường dạy nghề nói chung, là một vấn đề cấp bách và lâu dài của ngành GD.

Vấn đề này cần được sự quan tâm lớn, có chiến lược lâu dài, trong đó ngành GD giữ vai trò chủ công. Nếu làm tốt việc GD đạo đức, lối sống cho HS, SV thì sẽ góp phần hạn chế được nạn bạo lực học đường, bạo lực xã hội, tình trạng gian dối trong thi cử và cả tai nạn giao thông…

Giáo sư Nguyễn Cương đề nghị, Ban Chấp hành T.Ư Đảng cần ra nghị quyết chuyên đề về giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên. Nghị quyết này phải có tác dụng tương tự như Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, bởi có như vậy mới huy động được cả hệ thống chính trị, xã hội. Các biện pháp cục bộ thiếu tính tổng thể như lâu nay đã không đủ sức chuyển biến tình trạng bạo lực học đường, bạo lực trong xã hội, gian lận thi cử và nhiều tệ nạn xã hội nghiêm trọng khác trong giới trẻ.

Theo GS Nguyễn Cương, Nghị quyết mới của Trung ương Đảng và những biện pháp mới của Chính phủ, của Quốc hội, sau đó là của Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ,TB&XH, Bộ VH,TT&DL… sẽ huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của các Sở GD&ĐT, các trường phổ thông, các trường đại học, cao đẳng, các trường dạy nghề… tham gia tích cực vào hoạt động này.

GS Nguyễn Cương cũng đề nghị Chính phủ sớm ban hành Chỉ thị về GD đạo đức lối sống cho HS, SV để triển khai trong năm học mới như Thủ tướng đã phát biểu trong Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2018 - 2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019 - 2020 tổ chức ngày 6/8/2019. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ đặt hàng cho Bộ GD&ĐT, tham mưu cho Bộ TT&TT đẩy mạnh ứng dụng CNTT trên nền tảng hệ tri thức Việt số hóa để huy động GV đóng góp các bài giảng mẫu mực về GD đạo đức, GD công dân.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý - Giáo dục Hà Nội cho rằng, nhà trường hiện nay vẫn duy trì phương pháp GD quá lạc hậu, áp đặt, không dân chủ, không nhân văn với con người, gói gọn trong 4 bức tường, sách vở. Đề nghị cần phải có chương trình quốc gia về vấn đề này. Toàn xã hội chung tay nhưng không thể kêu gọi một cách chung chung mà phải đo được trách nhiệm giáo dục đạo đức của từng lực lượng trong xã hội, vai trò của nhà trường là chủ lực, vai trò của gia đình, các lực lượng khác là thế nào... phải cụ thể.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ