Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các ngành liên quan rà soát, đánh giá lại nhu cầu sử dụng lao động của nền kinh tế để có định hướng đào tạo ngành nghề phù hợp với nhu cầu thực tế, nhằm bảo đảm HSSV ra trường có công việc ổn định, tránh lãng phí nguồn lực xã hội.
Về nội dung này, Bộ GD&ĐT cho biết: Theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Giáo dục ĐH: “Bộ, cơ quan ngang Bộ có trách nhiệm nghiên cứu, dự báo nhu cầu nhân lực của ngành, lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý để hỗ trợ công tác xây dựng kế hoạch đào tạo, phối hợp với Bộ GD&ĐT thực hiện quản lý Nhà nước về giáo dục ĐH trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình”.
Thực hiện quy định của Luật, với những ngành trọng yếu (sư phạm, sức khỏe), Bộ GD&ĐT trực tiếp lấy ý kiến của UBND các tỉnh hoặc Bộ Y tế về nhu cầu nhân lực với ngành đào tạo. Với những ngành còn lại, Bộ GD&ĐT giao các cơ sở GD-ĐT chủ động xác định nhu cầu nhân lực thông qua các hoạt động sau:
Xin ý kiến Bộ chủ quản về nhu cầu nhân lực với ngành đào tạo. Khảo sát, xác định nhu cầu nhân lực theo trình độ và ngành/chuyên ngành đào tạo khi xây dựng chương trình đào tạo (Quy định tại Thông tư 07/2015/TT-BGDĐT ban hành quy định về khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp với mỗi trình độ đào tạo của giáo dục ĐH và quy trình xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình đào tạo trình độ ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ). Khảo sát tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp hàng năm, công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở để xã hội tham khảo và tham gia giám sát khi chọn trường, ngành cho con em theo học;
Để góp phần giảm tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp chưa tìm được việc làm, Bộ GD&ĐT đã và đang triển khai những hoạt động sau:
Tiếp tục thực hiện Quyết định số 68/2008/QĐ-BGDĐT quy định về công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm trong các cơ sở giáo dục ĐH và trung cấp chuyên nghiệp. Thúc đẩy việc nâng cao chất lượng đào tạo nhằm đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu của người sử dụng lao động thông qua việc hoàn thiện hành lang pháp lý, tăng quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục ĐH, đa dạng hóa các loại hình đào tạo, tăng cơ hội hợp tác giữa cơ sở giáo dục ĐH và doanh nghiệp… Triển khai một số nhiệm vụ nghiên cứu liên quan, thuộc Chương trình Khoa học Giáo dục Quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, như: “Nghiên cứu dự báo nhu cầu nguồn nhân lực làm cơ sở xây dựng chương trình đào tạo đến năm 2025”; “Nghiên cứu luận cứ, đề xuất mô hình, chính sách nâng cao hiệu quả hợp tác giữa ĐH và doanh nghiệp trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 ở Việt Nam”. Tổ chức triển khai thực hiện một số đề án như: “Hỗ trợ HSSV khởi nghiệp đến năm 2025”, “Nâng cao chất lượng giáo dục ĐH giai đoạn 2019 - 2025”, “Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục ĐH đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT giai đoạn 2019 - 2030”.
Tiếp thu ý kiến của cử tri, Bộ GD&ĐT tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, đánh giá lại nhu cầu sử dụng lao động của nền kinh tế để có định hướng đào tạo những ngành nghề phù hợp với nhu cầu thực tế từng địa phương cũng như cả nước, nhằm bảo đảm cho HSSV ra trường có công việc ổn định, tránh lãng phí nguồn lực xã hội.