Đánh giá khách quan về tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm
- Ông thấy gì qua những con số mà EVENT đã công bố, đặc biệt về tình hình việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp?
Kết quả khảo sát tình hình việc làm sinh viên tốt nghiệp trong vòng một năm của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân vào tháng 12/2017 cho thấy, tỷ lệ sinh viên có việc làm (theo quy định cách tính trong Công văn số 2919/BGDĐT-GDĐH ngày 10/7/2017 của Bộ GD&ĐT) đạt 95,42% (đã có việc làm là 89,44% và đang học nâng cao là 5,98%). Trong đó, một số ngành tỉ lệ sinh viên có việc làm đạt 100% như Hệ thống thông tin quản lý, Khoa học máy tính, Kinh tế tài nguyên...
Kết quả khảo sát năm 2018 đối với sinh viên tốt nghiệp trong vòng 1 năm đến tháng 11/2018 cho thấy tỷ lệ sinh viên có việc làm đạt 95,81%; trong đó đã có việc làm là 90,06% và tiếp tục học nâng cao là 5,21%. Một số ngành có tỷ lệ sinh viên có việc làm đạt 100% như: Hệ thống thông tin quản lý, Bất động sản, Toán ứng dụng trong kinh tế, Khoa học máy tính…
- Lâu nay truyền thông phản ánh nhiều về tình trạng sinh viên Việt Nam ra trường không tìm được việc làm; có ý kiến cho đó là một điểm yếu của giáo dục ĐH. Là người trong cuộc ông thấy sao?
Sinh viên ra trường không kiếm được việc làm thì có nhiều lý do, trong đó có lý do từ các trường ĐH. Nhưng nếu coi đó là điểm yếu của giáo dục ĐH thì không công bằng cho hệ thống giáo dục ĐH bởi vì mấy lý do:
Thứ nhất: Việc làm trên thị trường lao động thay đổi rất nhanh vì đó là thị trường, còn chương trình giáo dục trong trường ĐH thì không thể thay đổi nhanh như vậy.
PGS. TS. Lê Quang Cảnh |
Thứ 2, giáo dục chỉ có thể cung cấp những kiến thức chung, còn kiến thức cụ thể cho từng lĩnh vực hay yêu cầu của từng phân khúc thị trường lao động/doanh nghiệp phải do chính người lao động và doanh nghiệp trang bị.
Nói như vậy để thấy rằng, sinh viên không kiếm được việc làm chưa hẳn là điểm yếu của hệ thống giáo dục ĐH mà điểm yếu nằm ở công tác dự báo xu hướng thay đổi của thị trường lao động, định hướng và hướng nghiệp cho người học và đào tạo để định hướng thị trường lao động.
Theo Bản tin cập nhật thị trường lao động, số lượng lao động thất nghiệp có trình độ ĐH giảm liên tục trong năm vừa qua và còn chiếm 11,7% trong tổng số người thất nghiệp và chỉ chiếm khoảng 0,19% trong tổng số thất nghiệp là 2,17% ở Quý I-2019.
Theo kết quả khảo sát việc làm sinh viên thì ở Mỹ 10,71% sinh viên chưa có việc làm (khảo sát của Trường ĐH Cape Town năm 2019).
Ở Tây Ban Nha, kết quả khảo sát của Trường ĐH Valencia thì tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên khoảng 9,2%. Kết quả này không khác biệt đáng kể với kết quả khảo sát mà dự án EVENT thực hiện.
Cần nỗ lực nhiều bên để tăng tỷ lệ lao động ĐH có việc làm
- Việc thống kê, khảo sát với các trường còn gặp nhiều khó khăn, thiếu chính xác. Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân về nội dung này?
Từ năm 2017 đến nay, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân thực hiện đúng quy định về khảo sát tình hình việc làm sinh viên và công khai kết quả khảo sát theo quy định của Bộ GD&ĐT (nộp báo cáo về Bộ, nhập dữ liệu khảo sát lên hệ thống của Bộ và công khai kết quả trong mục Ba công khai trên trang web của trường).
Để làm được việc này và đạt kết quả tốt, nhà trường đã xây dựng và kết nối chặt chẽ với cựu sinh viên qua mạng lưới cựu sinh viên của trường.
Đặc biệt, thông tin trước cho tất cả sinh viên khi tốt nghiệp về việc nhà trường sẽ tiến hành liên hệ khảo sát tình hình việc làm của sinh viên để các cựu sinh viên sau khi tốt nghiệp vẫn giữ liên lạc với trường và sẵn sàng thông tin kịp thời.
Trường thực hiện khảo sát qua nhiều kênh: Email, mạng xã hội, gọi điện trực tiếp, liên hệ với các đầu mối lớp trưởng của các lớp… Kết quả khảo sát của nhà trường luôn bảo đảm tính khách quan và độ chính xác theo đúng quy định.
- Tăng tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm là mong muốn của mọi trường ĐH. Theo ông, đâu là những việc quan trọng phải làm để hiện thực hóa điều này?
Để đạt được mục tiêu đó thì cần có sự nỗ lực của nhiều bên; còn từ phía các trường ĐH, theo tôi thì có mấy việc cần triển khai:
Thứ nhất: Làm tốt công tác dự báo nhu cầu thị trường lao động, đặc biệt là các ngành mới nổi, làm cơ sở cho xây dựng các chương trình đào tạo.
Thứ hai: Nâng cao chất lượng việc xây dựng và thực hiện chương trình học. Điều này có nghĩa là chương trình tốt, giáo viên tốt, cơ sở vật chất tốt, quản trị chất lượng tốt.
Thứ 3: Xây dựng cầu nối sinh viên với doanh nghiệp/thị trường lao động thông qua nhiều hoạt động: Xây dựng trung tâm việc làm sinh viên, mang tiếng nói và yêu cầu của doanh nghiệp đến sinh viên, tăng cường thực tập tại doanh nghiệp/cơ quan thực tế.
Thứ 4: Xây dựng ngành, chương trình mang tính định hướng thị trường lao động. Đây thể hiện vai trò và trách nhiệm xã hội của trường ĐH định hướng nghiên cứu.
- Xin cảm ơn ông!