Hơn 8.600 hộ dân bị ảnh hưởng
Tỉnh Trà Vinh, địa phương nằm ven biển, năm nào cũng đối mặt với tình trạng xâm nhập mặn. Nhưng năm nay địa phương đang phải đối mặt với tình trạng xâm nhập mặn khắc nghiệt nhất. Theo thống kê của Sở NN&PTNT, từ tháng 12/2019 ranh giới mặn 4‰ phía sông Cổ Chiên có chiều dài ảnh hưởng trên 60km.
Tại cống Cái Hóp độ mặn cao nhất 8,7‰ (cùng kỳ thời gian năm 2018 là 0.0‰; cùng kỳ thời gian năm 2015 là 1,2‰). Phía sông Hậu, chiều dài ảnh hưởng trên 60km, tại Vàm Bông Bót độ mặn cao nhất 4,9‰ (cùng kỳ thời gian năm 2018 là 0,0‰; cùng kỳ thời gian năm 2015 là 0.0‰).
Theo nhận định của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, cuối tháng 1 và đến tháng 3/2020 khu vực lân cận cống Cái Hóp (phía sông Cổ Chiên) và cống Cần Chông (phía sông Hậu) ít còn khả năng lấy được nước ngọt. “Chúng tôi đã sạ lúa vụ Đông Xuân, lúa đang phát triển tốt nhưng rất lo lắng trước tình trạng xâm nhập mặn.
Hiện tại các cống ngăn mặn ngoài cửa sông đã đóng kín làm cho mực nước nội đồng thiếu hụt. Người dân phải dùng máy bơm hút nước tưới mát ruộng lúa. Còn nước sinh hoạt hằng ngày cũng bị ảnh hưởng vì nhiễm mặn”, ông Phạm Văn Út, ở xã Bình Phú, huyện Càng Long (Trà Vinh) cho biết.
Tỉnh Trà Vinh chỉ mới bước vào đầu mùa vụ Đông Xuân. Với diễn biến xâm nhập mặn trên, diện tích sản xuất lúa cảnh báo bị ảnh hưởng hơn 37 nghìn ha. Đặc biệt, số hộ xa khu dân cư không kéo tuyến ống được, có khả năng thiếu nước khi bị hạn hán, xâm nhập mặn là 8.662 hộ. Các hộ này chủ yếu thuộc huyện Càng Long, Châu Thành.
“Vùng sản xuất lúa bị ảnh hưởng nặng nhất là Trà Cú (9.500 ha), Cầu Ngang (5.000 ha), Duyên Hải (1.500 ha)… Hướng tới ngành chức năng vận động người dân chuyển sang trồng màu hoặc lịch thời vụ sẽ chậm lại…”, ông Lê Quang Răng, Quyền Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Trà Vinh cho biết.
Vĩnh Long: Độ mặn gây chết lúa, hoa màu
Tại Vĩnh Long, theo Đài Khí tượng Thủy văn, trong 38 năm qua, chưa năm nào phải chịu ảnh hưởng xâm nhập mặn như hiện nay. Theo quy luật nhiều năm, tỉnh Vĩnh Long chịu ảnh hưởng xâm nhập mặn từ tháng 2 đến tháng 5, cao điểm độ mặn thường xuất hiện trong tháng 3, tháng 4. Nhưng những năm gần đây quy luật này đã biến đổi, mặn xâm nhập sớm hơn và độ mặn cao hơn. Chưa có năm nào trong tháng 12 mà xâm nhập mặn lại diễn biến phức tạp, khó lường như năm nay.
Cụ thể, độ mặn trên sông Cổ Chiên tại Vũng Liêm đo được từ 5,8 - 8,2‰, đặc biệt tại vàm Mang Thít (giáp 2 huyện Vũng Liêm và Mang Thít) độ mặn xấp xỉ 5,8‰, vượt đỉnh mặn cao nhất 2016 là 0,3‰. Trên sông Hậu tại vàm Tân Dinh (Tích Thiện - Trà Ôn) độ mặn 6,3‰, vượt đỉnh mặn 2016 là 1,4‰. Đây là ngưỡng độ mặn gây chết lúa và hoa màu nếu để nước tràn vào nội đồng.
Hiện nước mặn có nồng độ hơn 2‰ đã xuất hiện tại TP Mỹ Tho (Tiền Giang), cách cửa Tiểu (sông Cửu Long đổ ra biển Đông) hơn 60km. Do xâm nhập mặn sớm hơn cùng kỳ các năm trước gần 2 tháng nên tỉnh phải tập trung ứng phó để bảo vệ hơn 24.000 ha lúa, hàng nghìn ha vườn cây thanh long ở vùng ngọt hóa Gò Công (huyện Gò Công Tây, Chợ Gạo, Gò Công Đông và Thị xã Gò Công). Huyện Chợ Lách (Bến Tre) cũng ghi nhận nước mặn tiến sâu vào sông cách biển hơn 60km…
Nhiều hộ dân chuyển đổi sang nuôi, trồng thủy sản nước mặn ứng phó với hạn, mặn |
Theo dõi, dự báo để giảm thiệt hại
Theo Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh - Nguyên Chánh Văn phòng Công tác biến đổi khí hậu TP Cần Thơ: “Từ dữ liệu ghi nhận được, dự báo đầu năm 2020 ở ĐBSCL sẽ có mùa khô hạn khá nặng nề. Thực tế cho thấy, tháng 11 và 12/2019 nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng, diễn ra sớm hơn 1,5 - 2 tháng so với bình thường.
Xâm nhập mặn cao điểm có thể lên đến 4‰, sâu vào 70km. Như vậy, Cần Thơ và Vĩnh Long sẽ bị mặn xâm nhập. Xâm nhập mặn sẽ diễn ra vào tháng 1, 2, 3 năm 2020; trong đó cao điểm vào tháng 3 và dự báo gây ảnh hưởng nặng nề hơn so với năm 2016”.
Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh dẫn nguồn báo cáo của Trung ương cho thấy: Đợt xâm nhập mặn lịch sử vào năm 2016, ở ĐBSCL có khoảng 160 nghìn ha lúa và nhiều ha cây trồng bị ảnh hưởng. Có 800 nghìn người thiếu nước ngọt. Tổng thiệt hại hơn 7.900 tỷ đồng…
Điều đáng lưu ý là xâm nhập mặn ở ĐBSCL từ xưa giờ vẫn có, tuy nhiên không khắc nghiệt như những năm gần đây. Nguyên nhân là do lượng nước ở đầu nguồn bị giảm đi, trong khi thủy triều dâng cao. “Mực nước biển dâng cao và lượng nước từ thượng nguồn đổ về ít là nguyên nhân chính gây nên tình trạng xâm nhập mặn”, Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh nhấn mạnh.
Về giải pháp, theo Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh, trước hết cần chủ động bảo vệ nguồn nước. Bà con nông dân cần theo dõi dự báo của cơ quan chức năng, có phương án ứng phó với tình trạng hạn, mặn. Có thể sản xuất cây, con như thế nào cần ít nước; tưới tiêu khoa học, phù hợp để sử dụng nguồn nước hiệu quả nhất.
Nhằm hạn chế thiệt hại lúa và hoa màu, ngành nông nghiệp các địa phương ở ĐBSCL đã cho đóng tất cả các cống ngăn mặn. Tiếp tục theo dõi độ mặn xâm nhập tại các cửa sông để cập nhật thông báo kịp thời đến các địa phương, người dân chủ động ứng phó.
Ngành Nông nghiệp khuyến cáo người dân dự trữ nước ngọt và tưới nước tiết kiệm cho cây trồng. Lưu ý phát huy tối đa các túi chứa nước ngọt, tận dụng hệ thống ao, hồ, kênh rạch trữ nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất...