ĐBSCL đối mặt với nguy cơ hạn hán và xâm nhập mặn sâu như thế nào?

GD&TĐ - Tổng lượng nước về ĐBSCL theo tính toán ước khoảng 26 tỉ m3, nếu so với trung bình nhiều năm còn thiếu khoảng 3,4 tỉ m3. Dự báo xâm nhập mặn đi sâu vào đất liền hơn so với hai năm 2018 và 2019 cũng như trung bình nhiều năm.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, mùa khô 2020, tổng lượng dòng chảy trên các trạm thượng nguồn sông Mê Công về khu vực đồng bằng sông Cửu Long hiện ở mức thiếu hụt so với trung bình năm ngoái 50%, thậm chí có thời điểm 60%, đặc biệt là vùng trung và hạ lưu sông nhiều điểm đã xuống thấp lịch sử, so với cùng kỳ. ĐBSCL đối mặt với nguy cơ hạn hán và xâm nhập mặn sâu.

Dự báo, tháng 1/2020 lượng mưa khu vực ĐBSCL và sông Mê Công sẽ thiếu khoảng 20-30% so với trung bình nhiều năm. Từ tháng 12/2019 – 2/2020 thiếu hụt khoảng 25- 35%. Các tháng tiếp theo từ 10-30%.

Tổng lượng nước về ĐBSCL theo tính toán ước khoảng 26 tỉ m3, nếu so với trung bình nhiều năm còn thiếu khoảng 3,4 tỉ m3.

Theo ông Vũ Đức Long, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, tại trạm Chinsen của Thái Lan, nguồn nước đổ về lưu vực sông Mê Công hiện đang thiếu hụt khoảng 50%. Còn ở điểm Kracheh Campuchia cũng đang thiếu hụt khá nhiều. Biển Hồ ở Campuchia cũng thiếu hụt nhiều so với trung bình mọi năm.

Hiện độ mặn 4 phần nghìn đã xâm nhập vào tỉnh Bến Tre, tình trạng này xảy ra khá sớm so với mọi năm, đã đi sâu vào khu vực đất liền. Dự báo xâm nhập mặn đi sâu vào đất liền hơn so với hai năm 2018 và 2019 cũng như trung bình nhiều năm.

Mực nước sông Mê Công tại Phnom Penh hiện đo được là 3,34m, thấp hơn trung bình mọi năm là gần 2m. Biển Hồ ở Campuchia là nơi điều phối hơn 40% cho ĐBSCL của Việt Nam thì mức nước đã xuống thấp hơn cùng kì năm 2015, nguyên nhân dẫn đến khô hạn lịch sử mùa khô năm 2016.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.