Tương lai nào cho đồng bằng sông Cửu Long

GD&TĐ - Những ngày đầu tháng 10, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) liên tục đối mặt với tình trạng ngập úng do triều cường. Nước tràn vào nhà cửa, ruộng vườn và làm ngập nặng các đô thị ven sông. Theo dự báo của các chuyên gia trong và ngoài nước, ĐBSCL đang “chìm” dần, dự báo mấy chục năm tới có nguy cơ phải di dân, đòi hỏi các phương án ứng phó.

Sạt lở đang lấn sâu vào nhà dân ở tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: T. Bùi
Sạt lở đang lấn sâu vào nhà dân ở tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: T. Bùi

Chìm dần trong nước

Mới đây, thông tin được các nhà khoa học Hà Lan công bố khiến nhiều người phải giật mình: “ĐBSCL chỉ còn cách mực nước biển 0,8m”. Thông tin này cũng đồng nghĩa với nguy cơ 12 triệu dân nơi đây sẽ phải di cư trong 50 năm tới.

Theo dữ liệu mới nhất về tốc độ chìm vừa được công bố trên Tạp chí Khoa học Nature Communications ngày 28/8 bởi nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Utrecht (Hà Lan), dẫn đầu bởi nhà địa chất Philip Minderhoud, sau quá trình nghiên cứu và đo đạc trên thực địa, học giả Minderhoud và các cộng sự phát hiện khu vực hạ nguồn sông Mêkông - tức ĐBSCL - thực tế chỉ còn cao hơn mực nước biển trung bình 0,8m, chênh lệch gần 2m so với các dữ liệu vệ tinh thường được trích dẫn (2,6m). Với tốc độ chìm hiện nay, nước biển sẽ nhấn chìm khu vực trong 57 năm tới.

Viễn cảnh đồng bằng “chìm” đang hiện hữu trước mắt, tiêu biểu là tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển ngày càng nghiêm trọng. Nhiều địa phương đã ban bố tình trạng khẩn cấp về sạt lở. Theo thống kê, toàn vùng hiện có 564 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 834km. Sạt lở và sụt lún đất ở ĐBSCL cũng diễn ra ngày càng nghiêm trọng và lan ra trên diện rộng. Độ lún trung bình ở khu vực khoảng 2cm/năm, nơi có độ lún lớn nhất là bán đảo Cà Mau.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện - Chuyên gia độc lập hệ sinh thái ĐBSCL, từ năm 2005 trở lại đây, ĐBSCL sạt lở xảy ra nhiều hơn bồi lắng. Một trong những nguyên nhân chính vì thiếu hụt bùn, cát do các đập thủy điện chắn phía trên thượng nguồn sông Mêkông và hoạt động khai thác cát, khiến cho tình trạng sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển diễn ra phức tạp trong thời gian qua...

Đồng tình với quan điểm này, theo PGS.TS Lê Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ): “Những năm gần đây, nước lũ về thấp, thậm chí không về, nên phù sa ít đi hoặc không có. Khi dòng nước bị thiếu phù sa sẽ nhẹ hơn, bị dư thừa năng lượng dẫn tới chảy mạnh hơn, khoa học gọi là “nước đói”, có khuynh hướng ăn vào bờ và đáy sông để tự bù đắp, tự cân bằng động lực. Khi khai thác cát làm cho đáy sông sâu hơn, bờ sông sẽ sụp đổ”.

Tìm cách ứng phó

Tình trạng sạt lở, sụt lún ở ĐBSCL ngày càng nghiêm trọng xuất phát từ “thiên tai” và “nhân tai”. Trong đó, nhân tai là nhân tố chủ yếu. Đó là hoạt động đắp đập ngăn nước làm thủy điện của các quốc gia thượng nguồn sông Mêkông. Tình trạng khai thác cát, nước ngầm quá mức. Đặc biệt là hệ lụy khi đắp đê bao ngăn nước làm nông nghiệp vụ 3, lấn lấp sông, hồ, kênh, rạch xây dựng nhà cửa. Tình trạng phá rừng, nhất là rừng phòng hộ ngày càng nghiêm trọng… Tất cả các yếu tố trên góp phần làm cho ĐBSCL “chìm” nhanh hơn.

Giải pháp được các nhà khoa học và chuyên gia môi trường khuyến cáo, ĐBSCL muốn phát triển bền vững phải chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn; Có giải pháp ứng phó hiệu quả với thiên tai như bão, lũ, hạn hán, xâm nhập mặn, với các tình huống bất lợi nhất do biến đổi khí hậu và phát triển thượng nguồn sông Mêkông; Xác định biến đổi khí hậu và nước biển dâng là xu thế tất yếu, phải sống chung và thích nghi, phải biến thách thức thành cơ hội…

Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng ĐBSCL phải được coi là cấp thiết vì đặc điểm dễ bị tổn thương của vùng và người dân. Việc đầu tư cho các biện pháp ứng phó có thể bằng cả giải pháp công trình và giải pháp phi công trình. Các biện pháp phi công trình tổng quan cần được ưu tiên chú trọng để tăng cường khả năng chống chịu và hồi phục với biến đổi khí hậu cho vùng nông thôn và hệ thống sản xuất nông nghiệp.

Các tiếp cận khác là “thích nghi và chuyển đổi dần theo thời gian trong bối cảnh có nhiều yếu tố bất định”. Theo đó, trong sản xuất nông nghiệp và thủy sản, cần theo trình tự ưu tiên: Tìm các giải pháp khoa học - kỹ thuật sản xuất và hệ thống canh tác thích nghi; Kết hợp giải pháp công trình nhỏ để ít đầu tư và quản lý linh hoạt; Chuyển đổi mục đích sử dụng đất phù hợp và đầu tư công trình lớn hơn để quản lý rủi ro.

PGS.TS Lê Anh Tuấn khuyến nghị: Các nhà quản lý vĩ mô cần sớm nhận thức các nguy cơ, thay đổi bất lợi, đặc biệt về nguồn nước ở ĐBSCL và phải có những đối sách hợp lý cho vấn đề. Trong canh tác nông nghiệp, việc giảm diện tích lúa cần xem xét, trong canh tác hoa màu, tưới tiết kiệm nước sẽ là giải pháp giúp nông dân giảm chi phí sản xuất và phù hợp với sự suy kiệt nguồn nước. Bên cạnh đó, cần thường xuyên củng cố hệ thống kênh mương nhằm gia tăng hiệu quả sử dụng nước, xây dựng và khai thác các nguồn năng lượng tái tạo (gió, Mặt trời, sinh khối, dòng chảy) nhằm phục vụ sản xuất và sinh hoạt.

Các địa phương nên phối hợp với nhà khoa học để tìm ra các biện pháp thích nghi hợp lý cho cộng đồng. Việc tăng cường hợp tác khoa học với các tổ chức trong và ngoài nước cũng cần đẩy mạnh để có những chia sẻ thông tin và kiến thức nhằm ứng phó hợp lý nhất cho vấn đề nóng về biến đổi khí hậu. PGS.TS Lê Anh Tuấn 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.