Đồng bằng sông Cửu Long: Giải 'bài toán' liên kết tiêu thụ lúa gạo

GD&TĐ - Bấy lâu nay, người nông dân sản xuất lúa gạo ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chủ yếu bán thông qua 'cò lúa' môi giới cho thương lái.

Nông dân Đồng Tháp thu hoạch lúa Đông Xuân.
Nông dân Đồng Tháp thu hoạch lúa Đông Xuân.

Bấy lâu nay, người nông dân sản xuất lúa gạo ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chủ yếu bán thông qua “cò lúa” môi giới cho thương lái. Cách tiêu thụ nông sản này làm phát sinh nhiều vấn đề tiềm ẩn, như nguy cơ “bẻ kèo”, tình trạng ép giá khi đến vụ mùa.

Tồn tại trong liên kết tiêu thụ

Những năm qua, cũng như bao hộ dân khác trong khu vực, ông Võ Thanh Hùng (58 tuổi, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang) vẫn bán lúa trên mảnh ruộng gia đình thông qua “cò lúa” (môi giới địa phương - PV) cho các thương lái.

Ông Hùng cho hay, ruộng lúa gia đình ông có khi bán ngay sát ngày thu hoạch, có lúc bán trước cả lúc xuống giống, vì “cò lúa” dẫn thương lái đến ra giá mua, mình thấy giá hợp lý thì “nhận tiền cọc”.

Nếu không làm vậy, đến khi lúa chín không ai thu mua thì càng bị ép giá. “Việc bán lúa qua môi giới cho thương lái gặp không ít rủi ro khi câu chuyện bẻ kèo, ép giá thường xuyên diễn ra. “Cò lúa” cũng có lúc bỏ của chạy lấy người khi lúa gạo giảm giá sâu”, ông Hùng nói.

Thông tin về thực trạng này tại địa phương, ông Võ Quốc Trung, chuyên viên Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng cho biết: Trong chuỗi liên kết tiêu thụ lúa gạo, thương lái là bên cung cấp thông tin nhu cầu về chủng loại giống lúa, sản lượng cần và giá thu mua lúa tươi tương thích với từng thời điểm thông qua môi giới địa phương.

Các thỏa thuận được xác lập ngay sau khảo sát và thương lái “đặt cọc” bằng tiền để xây dựng thỏa ước và tạo niềm tin cho nông dân (bên nhận cọc bán lúa). Môi giới giữ vai trò kết nối thương lái với nông dân; đồng thời thỏa thuận chủ máy dịch vụ điều tiết lịch thu hoạch, cắt lúa, chuyên chở lúa đến địa điểm đã thỏa thuận giao nhận với thương lái.

Theo khảo sát của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng, nông dân tại địa phương bán lúa tươi thông qua 3 kênh thông tin tiêu thụ phổ biến. Trong đó, sản lượng tiêu thụ thông qua hợp tác xã (HTX) rất hạn chế, ước đạt khoảng 5 - 7% diện tích sản xuất.

Chủ yếu người nông dân thông qua môi giới trung gian để tiếp cận giao dịch với thương lái hoặc nông dân liên hệ trực tiếp với thương lái. “Chúng tôi chưa ghi nhận trường hợp nông dân ở Sóc Trăng liên hệ trực tiếp với doanh nghiệp.

Bởi vì sản lượng của nông dân chưa đáp ứng theo quy mô, số lượng mà doanh nghiệp cần. Sự tham gia của HTX tỷ lệ còn rất khiêm tốn”, ông Trung cho biết.

Theo ông Trung, thương lái là “cầu nối” và là một mắt xích không thể thiếu trong giai đoạn hiện nay. Nếu không có thương lái thì không biết 2,1 triệu tấn lúa của Sóc Trăng sẽ phải tiêu thụ bằng con đường nào, kênh nào.

Thương lái có sự linh hoạt trong quyết định về giá thỏa thuận thu mua. Thương lái tự quyết và chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh doanh của mình, không bị lệ thuộc sự quyết định của tập thể hay cơ chế giá như công ty, doanh nghiệp...

Chính vì thế, sự thương thảo về giá với nông dân trở nên nhanh chóng, việc mua bán thuận lợi hơn. Thương lái cũng chia sẻ áp lực về nguồn vốn lưu động với doanh nghiệp trong hoạt động thu mua lúa vào những khi thu hoạch cao điểm, ông Trung chia sẻ.

Liên kết sản xuất lúa gạo cần lời giải cho 'bài toán' tiêu thụ.

Liên kết sản xuất lúa gạo cần lời giải cho 'bài toán' tiêu thụ.

Hiến kế liên kết chia sẻ lợi ích

Theo các chuyên gia, hiện ĐBSCL có khoảng 1.300 HTX sản xuất lúa gạo nhưng quy mô rất nhỏ, chỉ có hơn 100 HTX có quy mô từ 200 – 1.000 thành viên; số còn lại trung bình mỗi HTX chỉ trên dưới khoảng 75 thành viên. Để nâng cao giá trị ngành hàng lúa gạo rất cần sự liên kết, các hộ nông dân sản xuất đơn lẻ cần vào HTX.

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho rằng: Thực trạng mua bán lúa gạo thời gian vừa qua chưa có những chuỗi hoặc liên kết theo chuỗi một cách bài bản, đúng nghĩa, nhằm chia sẻ rủi ro, dẫn dắt quy trình sản xuất, tiêu thụ lúa gạo một cách bài bản. Các HTX tham gia rất thụ động. Số lượng doanh nghiệp theo đuổi phương thức từ đầu đến bao tiêu chế biến chiếm rất nhỏ. Đa phần liên kết theo hướng mua - bán.

Theo ông Thịnh, muốn cho liên kết trong chuỗi giá trị lúa gạo chặt chẽ thì bắt buộc phải chia sẻ lợi ích từ đầu vụ. Khuyến khích liên kết giữa doanh nghiệp, HTX và nông dân từ khâu sản xuất - thu hoạch - bảo quản - chế biến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, phù hợp yêu cầu thị trường để có giá bán cao và giảm chi phí sản xuất cho nông dân, hạn chế “bẻ kèo”.

Thương lái được các chuyên gia nhận định đóng vai trò kết nối trong liên kết tiêu thụ lúa gạo.

Thương lái được các chuyên gia nhận định đóng vai trò kết nối trong liên kết tiêu thụ lúa gạo.

“Cần khuyến khích liên kết chặt chẽ, bắt buộc chia sẻ lợi ích từ ngay lúc bắt đầu vụ sản xuất. Giá lúa là do thị trường quyết định nhưng chuỗi liên kết chia sẻ cần làm thế nào để nông dân giảm được chi phí, hưởng lợi được môi trường sản xuất tốt, bảo vệ được chất lượng đất đai”, ông Thịnh chia sẻ.

Đồng quan điểm về vấn đề liên kết trong tiêu thụ lúa gạo, TS Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho rằng sẽ có lợi ích nhiều chiều khi đưa thương lái vào chuỗi lúa gạo bền vững.

Thương lái cần có “giấy chứng nhận hành nghề”, được đăng ký hành nghề, để giúp phân biệt thương lái tốt và thương lái chưa tốt; cần được xem là đối tác đồng hành với nông dân, HTX và doanh nghiệp.

“Khuyến khích tập hợp thương lái vào các nhóm, các câu lạc bộ trên cơ sở tự nguyện, để cùng trao đổi kinh nghiệm, tiếp cận các nội dung tập huấn, hướng dẫn về kỹ thuật trong bảo quản, vận chuyển, chế biến, bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Từ đó, giảm tình trạng bẻ kèo, nói không với những hành vi thiếu lành mạnh như mua bán nông sản kém chất lượng hay trục lợi, cấu kết, gây chia rẽ, tác động tiêu cực đến giá cả. Cần xây dựng “Sàn giao dịch bán trước” lúa để kết nối người mua - bán”, TS Minh Hải đề xuất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.