Hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long: Hiến kế giải 'bài toán' khó

GD&TĐ - Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang đối mặt với nhiều thách thức về nguồn nước.

Nguồn nước được xem là vấn đề 'sống còn' của sản xuất nông nghiệp ĐBSCL.
Nguồn nước được xem là vấn đề 'sống còn' của sản xuất nông nghiệp ĐBSCL.

Biến đổi khí hậu, khai thác nước ngầm… khiến cho mặn xâm nhập sâu và có xu hướng ngày càng bất thường, khốc liệt hơn.

Nhiều thách thức nguồn nước

Những tháng đầu năm 2024, tại nhiều địa phương ở ĐBSCL tình trạng mặn xâm nhập sâu vào nội đồng, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất nông nghiệp của người dân. Đỉnh điểm của hạn mặn đã khiến cho hơn 50.000 hộ dân ở các tỉnh ven biển thiếu nước phục vụ nhu cầu cấp thiết trong đời sống.

Không chỉ mùa khô năm nay, ngay từ mùa khô năm 2015 - 2016, năm 2019 - 2020, các nhà khoa học đã lên tiếng về vấn đề cần giải quyết “bài toán” an ninh nguồn nước của vùng ĐBSCL.

Theo ông Nguyễn Hồng Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT), nguồn nước mặt ở ĐBSCL phụ thuộc vào thượng nguồn sông Mê Kông, chiếm 94% tổng lượng nước. Vì vậy, các hoạt động khai thác phía thượng nguồn lưu vực sông Mê Kông đã và đang là nguy cơ trực tiếp làm suy giảm nguồn nước chảy vào Việt Nam.

Theo ông Hiếu, qua các phân tích cho thấy, tác động của biến đổi khí hậu đã khiến tổng lượng mưa trong giai đoạn 2010 - 2023 suy giảm từ 5 - 10%. Đồng thời, các quốc gia ở thượng nguồn cũng gia tăng sử dụng nguồn nước nên dòng chảy về ĐBSCL có xu hướng giảm. Chính vấn đề tác động của biến đổi khí hậu và việc khai thác nước ở thượng nguồn đã dẫn đến mặn xuất hiện ở ĐBSCL trong những năm vừa qua đến sớm và mạnh hơn so với trước đây.

Nhu cầu sử dụng nước ngày càng gia tăng khi dân số vùng ĐBSCL dự báo tăng lên đến khoảng 30 triệu người vào năm 2050. Tình trạng đô thị hóa và công nghiệp hóa sẽ ngày càng phát triển làm tăng nhu cầu về nước sạch, dự báo sẽ là áp lực lớn đối với nguồn nước của vùng.

Đồng quan điểm trên, PGS.TS Lê Anh Tuấn, giảng viên Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ cho biết, hiện vùng ĐBSCL đang đối mặt với 7 thách thức về nguồn nước. Đó là: Biến đổi khí hậu, nước biển dâng; đập thủy điện ở thượng nguồn; chuyển nước sông Mê Kông; suy giảm môi trường nước; thay đổi sử dụng đất và mâu thuẫn dùng nước; hiệu quả sử dụng nước thấp và khai thác tài nguyên nước quá mức.

Đỉnh điểm hạn mặn năm nay có hơn 50.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt.

Đỉnh điểm hạn mặn năm nay có hơn 50.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt.

Nhà khoa học “hiến kế”

Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, vùng ĐBSCL đang lãng phí nguồn nước khi tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười - nơi từng được biết đến là vùng trữ nước nhưng nay lượng nước đã giảm đi trầm trọng.

Để đảm bảo an ninh nguồn nước, PGS.TS Tuấn cho rằng: Giải pháp hiện nay là phải phục hồi khả năng hấp thụ và trữ nước ở các vùng trũng; sử dụng tiết kiệm nước; hạn chế khai thác nước ngầm; xây dựng nhà máy xử lý nước mặn thành nước ngọt và xây dựng những công trình hồ chứa nước lũ.

“Chúng ta cần nghĩ tới những giải pháp thuận thiên để cho phù hợp với điều kiện hiện tại. Nên nhớ rằng, an ninh nguồn nước là quan trọng nhất, từ an ninh nguồn nước chúng ta mới xây dựng được an ninh môi trường, tức là những hệ sinh thái môi trường dựa vào nguồn nước để phát triển, từ cái này chúng ta mới có được an ninh lương thực”, PGS.TS Tuấn nhấn mạnh.

Quan tâm về vấn đề “sống còn” của vùng, TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia nghiên cứu về biến đổi khí hậu cho biết thêm: Hiện, các nghiên cứu đang tập trung vào lượng nước của ĐBSCL từ sông Mê Kông đổ về hay lượng nước ngầm mà chưa tính toán đến lượng nước mưa ở vùng ĐBSCL.

PGS.TS Lê Anh Tuấn 'hiến kế' việc bảo đảm an ninh nguồn nước ĐBSCL.

PGS.TS Lê Anh Tuấn 'hiến kế' việc bảo đảm an ninh nguồn nước ĐBSCL.

Theo nghiên cứu, lượng mưa thấp nhất ở vùng ĐBSCL mỗi năm vào khoảng 1.600mm và những nơi cao nhất lên đến 2.400mm. Lượng nước mưa này có ý nghĩa quan trọng để sử dụng cho vùng ĐBSCL nhưng chưa được đưa vào kế hoạch, quy hoạch để sử dụng.

Theo TS Nguyễn Ngọc Huy, ĐBSCL hiện giữ nước trên kênh và hòa tất cả các loại nước với nhau, thậm chí nước thải cũng về kênh; nước mưa hay nước sông cũng về kênh và đều không sử dụng được do ô nhiễm hoặc nhiễm mặn. Cho nên cần phải có “bài toán” rạch ròi để chống lãng phí nguồn nước cho vùng ĐBSCL.

“Cần phải phân biệt nguồn nước sử dụng sinh hoạt và nước cho thủy lợi để có những đề xuất phù hợp, hiệu quả trong sử dụng nước ở ĐBSCL. Chúng ta đầu tư hệ thống quản lý sử dụng nước vào giai đoạn này, có thể chi phí cho giải pháp rất lớn. Nhưng với tầm nhìn đầu tư để sử dụng 100 năm thì tôi tin đó không phải là một cái giá đắt, mà là một cái giá phù hợp”, TS Nguyễn Ngọc Huy nêu quan điểm.

Theo nhận định của các nhà khoa học, tình hình xâm nhập mặn ở ĐBSCL ngày càng tác động sâu hơn và thời gian lâu hơn. Giải pháp quy hoạch thủy lợi cần sử dụng nguồn tài nguyên nước theo hướng thuận thiên.

Điều này có nghĩa là người dân và chính quyền vùng ĐBSCL cần phải coi trọng tất cả nguồn tài nguyên từ nước ngọt, nước lợ, nước mặn. Việc phát triển ĐBSCL cần theo hướng thích nghi có kiểm soát, chủ động tạo ra chế độ nước hợp lý trên nền chế độ tự nhiên, làm giảm mức độ rủi ro.

“Hệ thống công trình thủy lợi ở ĐBSCL tương đối dày đặc, ổn định. Các công trình trữ nước trong hệ thống kênh rạch khả năng đạt có thể từ 2,5 - 3 tỷ m3, trữ nước trong mương vườn, trữ nước trên ruộng… Các công trình thủy lợi nội đồng chúng ta đang chuẩn bị thực hiện đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa và hình thành các ô thủy lợi hoàn thiện để chủ động cấp nước, tiêu nước, trữ nước, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa trong sản xuất cũng như hạ tầng về kinh tế, xã hội nói chung”. PGS.TS Nguyễn Phú Quỳnh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.