Đón Tết xa quê: Muôn nỗi niềm của người lao động

GD&TĐ - Tết sum vầy nhưng vì an toàn trong giai đoạn dịch bệnh căng thẳng nhiều người lao động xa quê đã quyết định ở lại thành phố không về quê ăn Tết. Theo đó, họ giành thời gian nghỉ Tết để làm thêm.

Chị Lê Thị Thúy - công nhân công ty may mặc ở Bình Dương. Ảnh NVCC.
Chị Lê Thị Thúy - công nhân công ty may mặc ở Bình Dương. Ảnh NVCC.

Quyết định ở lại thành phố ăn Tết

Là người quê gốc ở Hà Tĩnh, đây là năm thứ 11 chị Lê Thị Thúy xa quê  vào miền Nam lập nghiệp. Năm nào cũng vậy, cứ thời điểm đầu tháng 12 âm lịch chị lại rục rịch chuẩn bị tinh thần để về quê đón Tết cùng gia đình. Để có vé xe về Hà Tĩnh, chị đã phải "săn vé" rất sớm. Tuy nhiên, năm nay, gia đình chị Thúy và nhiều đồng nghiệp khác của mình quyết định ở lại Bình Dương để ăn Tết.

Chia sẻ về quyết định ở lại thành phố ăn Tết chị Thúy nói: “Do dịch đang diễn biến phức tạp đi lại khó khăn, đồng thời về quê để an toàn cho người nhà cũng như hàng xóm, láng giềng mình cũng phải chủ động khai báo y tế, cách ly ít nhất 7 ngày. Tuy nhiên, năm nay thời gian nghỉ không được dài cộng 2 ngày đi đường và 7 ngày cách ly đã mất gần 10 ngày cho nên vợ chồng mình quyết định năm nay ở lại ăn Tết”.

Một lý do nữa khiến chị Thúy quyết định ở lại chính là hiện nay công ty chị khá nhiều việc. Trước đó do ảnh hưởng của đại dịch thời gian ngừng sản xuất của công ty đã khá dài, bởi vậy sau khi hoạt động sản xuất trở lại công việc nhiều hơn.

Nhiều đồng nghiệp của chị Thúy cũng quyết định ở lại thành phố đón Tết. Ảnh NVCC.
Nhiều đồng nghiệp của chị Thúy cũng quyết định ở lại thành phố đón Tết. Ảnh NVCC.

“Để các đơn hàng được xuất đi kịp tiến độ giao hàng, mỗi người, mỗi bộ phận trong công ty đều nỗ lực cố gắng, không ngại tăng ca, nhiều người xung phong ở lại làm Tết cho nên mình cũng đồng lòng.

Bên cạnh đó, sau đại dịch có nhiều việc làm để phục hồi kinh tế là điều đáng mừng. Tết năm nay không về thì năm sau và nhiều năm nữa mình về cũng không sao. Mỗi người nên hi sinh một chút để cùng đất nước khôi phục kinh tế trong gia đoạn khó khăn”, chị Thúy cho hay.

Anh Nguyễn Đức Thảo (làm công nhân ở TP. Hồ Chí Minh) năm nay cũng không về quê ăn Tết.

“Năm nay dịch giã khó khăn, thời gian từ tháng 6 đến tháng 9 công ty mình phải đóng cửa do số ca mắc Covid-19 khá nhiều, thời gian đó gần như không có thu nhập số tiền tích trữ của trước đó mấy tháng dịch không có việc làm đã tiêu hết. Đồng thời, trước đó vợ mình sinh ngay khi thành phố cho xe chạy lại, mình đã đưa vợ và con về quê nên lần này mình quyết định ở lại để làm thêm đợt Tết lương cao hơn, có thêm một khoản thu nhập cao sau Tết cũng mừng”, anh Thảo chia sẻ.

Còn theo bạn Trần Thị Hải Lý (quê ở Quảng Bình) làm công nhân ở Bình Dương cho hay: “Ngoài những lý do giá vé xe tàu cao, về quê có thể phải cách ly, tình hình dịch bệnh căng thẳng, một lý do khiến mình quyết định ở lại không về quê ăn Tết chính là công ty khuyến khích công nhân ở lại vì thời gian này dịch bệnh đang tăng”.

Theo đó, khi quyết định ở lại Lý sẽ vẫn tiếp tục làm thêm tại công ty nhằm kiếm thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống.

Giờ nghỉ giải lao của chị Thúy và đồng nghiệp. Ảnh NVCC.
Giờ nghỉ giải lao của chị Thúy và đồng nghiệp. Ảnh NVCC.

Chắt chiu...cho Tết ấm

Khi quyết định ở lại thành phố không về quê đón Tết, nhiều gia đình đã lên kế hoạch chi tiêu cho mình để xa nhà nhưng Tết vẫn đủ đầy.

Theo như chia sẻ của chị Thúy: “Khi đưa ra quyết định ở lại thành phố đón Tết, như bao gia đình khác chị Thúy cũng cố gắng chắt chiu, dành dụm để có thể sắm được một cái tết ấm cúng. Mọi năm, không ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, công việc thuận lợi theo đó thu nhập cũng khá giả nên Tết mình có thể chi tiêu hào phóng hơn, mua sắm nhiều hơn thì năm nay mình bớt lại, mua những thứ cần thiết để dùng thôi. Mặc dù dịch bệnh nhưng gia đình, mọi người bình an là hạnh phúc là vui lắm rồi.

Mình xác định đón Tết an toàn trong giai đoạn dịch bệnh bởi vậy gia đình cũng sẽ hạn chế đi lại cũng như tụ tập bạn bè. Dẫu đón Tết xa nhà nhưng chỉ cần nghĩ đến gia đình, bố mẹ ở quê khỏe mạnh vượt qua đại dịch là điều mừng nhất".

Không chỉ chị Thúy mà nhiều người đón lao động đón Tết xa quê chia sẻ năm nay sẽ là cái Tết vô cùng đặc biệt đối với gia đình họ. Bởi họ vừa trải qua làn sóng của đại dịch, Tết chính là cơ hội để họ cùng nhìn lại những khó khăn, thách thức của năm qua và biết quý trọng những gì đang có.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vua chúa Việt ăn Tết thế nào?

Vua chúa Việt ăn Tết thế nào?

GD&TĐ - Độc giả tò mò muốn biết thời xưa, vua chúa nước Việt ăn, chơi Tết thế nào có thể tìm hiểu trong cuốn “Tết chốn vàng son” của tác giả Lê Tiên Long.