Đón sinh viên trở lại trường: Cần “liều vắc-xin” để an toàn

GD&TĐ - Cùng với việc đề xuất đưa sinh viên vào đối tượng được ưu tiên tiêm chủng, các cơ sở GD đại học đã chủ động xây dựng kịch bản mở cửa trường học, sẵn sàng đón các em trở lại học trực tiếp trong tình hình mới.

Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho sinh viên tham gia chống dịch tại TPHCM.
Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho sinh viên tham gia chống dịch tại TPHCM.

Sốt sắng tiêm phòng cho sinh viên

TS Lê Trường Tùng – Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH FPT - cho biết: Thống kê sơ bộ cho thấy, có khoảng 40% trong tổng số 30 nghìn sinh viên của trường đã tiêm vắc-xin phòng chống Covid-19, chủ yếu mới tiêm mũi 1.

“Chúng tôi đã đề nghị một số địa phương đưa sinh viên vào danh sách ưu tiên được tiêm vắc-xin phòng, chống Covid-19. Khi sinh viên được tiêm phòng đầy đủ, sẽ thuận lợi cho thầy – trò trở lại trường học tập” - TS Lê Trường Tùng nhấn mạnh, đồng thời cho biết: Nhiều địa phương thực hiện chính sách này. Đơn cử như tỉnh Bình Định, TP Đà Lạt (Lâm Đồng)...

Cụ thể, UBND TP Đà Lạt đã chỉ đạo phòng ban chức năng lập danh sách để tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng và trung cấp nhằm đảm bảo an toàn cho các đối tượng này khi bước vào năm học 2021 - 2022. Theo đó, UBND thành phố giao UBND các phường, xã khẩn trương thông báo rộng rãi đến người dân; lập danh sách thí sinh vừa trúng tuyển các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và sinh viên trên địa bàn thành phố và các tỉnh khác để triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19.

Theo thống kê sơ bộ của Học viện Tài chính (Hà Nội), hiện toàn bộ cán bộ, viên chức, người lao động của học viện đã tiêm phòng. Do sinh viên đến từ nhiều tỉnh khác nhau nên chưa có số liệu thống kê chính xác. Tuy nhiên, tất cả sinh viên nội trú và sinh viên đang sinh sống ở Hà Nội đều được nhà trường hướng dẫn liên hệ với địa phương để được tiêm chủng. Đến nay, ước tính có khoảng 1.000 sinh viên, học viên tiêm ít nhất một mũi.

Tính đến thời điểm này, khoảng 11.000 sinh viên của Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh đã tiêm mũi 1, trên 1.000 sinh viên được tiêm mũi 2. Tuy nhiên, theo Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Hoàn, toàn trường có hơn 22.000 sinh viên; trong số đó có khoảng 11.000 em đang ở quê thuộc nhiều địa phương khác nhau, nên vẫn chưa được tiếp cận với

vắc-xin. Nhà trường đang cố gắng tìm nguồn vắc-xin để có thể tiêm cho khoảng 15.000 sinh viên của trường. Khi có nguồn vắc-xin, nhà trường sẽ liên hệ để các địa phương tạo điều kiện cho sinh viên trở về TP Hồ Chí Minh tiêm chủng.

Điểm tiêm vắc-xin cho sinh viên tại Trường ĐH Y Dược TPHCM. Ảnh: CT
Điểm tiêm vắc-xin cho sinh viên tại Trường ĐH Y Dược TPHCM. Ảnh: CT

Chủ động các phương án

Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh đã xây dựng phương án: Nếu sau ngày 15/10, toàn bộ sinh viên của trường được tiêm chủng, dự kiến tháng 11 sẽ mở cửa đón sinh viên trở lại học tập trung. Nếu số lượng sinh viên chưa được tiêm vẫn nhiều như hiện nay, nhà trường tiếp tục thực hiện đào tạo trực tuyến.

Đề xuất các địa phương tạo điều kiện cho sinh viên sớm được tiêm vắc-xin, ThS Trịnh Hữu Chung - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Gia Định (TP Hồ Chí Minh) – chia sẻ: Nhà trường đang tính đến phương án được trở lại hoạt động sẽ đón sinh viên đã tiêm vắc-xin đến trường trước, những em chưa đủ điều kiện sẽ tiếp tục học online như hiện nay.

“Dù có nhiều phương án, kịch bản nhưng quan trọng vẫn phụ thuộc vào chính sách của TP Hồ Chí Minh, tiến độ tiêm vắc-xin của các tỉnh. Chúng tôi cố gắng đưa ra phương án hài hòa nhất, tối ưu nhất cho sinh viên và sẽ không quá chậm trễ nếu được phép mở cửa trường học” - ThS Trịnh Hữu Chung khẳng định.

Cho rằng, số lượng sinh viên cả nước không quá lớn, với khoảng 2 triệu em, TS Lê Trường Tùng mong muốn: Nhà nước, các địa phương sớm đưa sinh viên thuộc diện đối tượng được ưu tiên tiêm chủng. Giải quyết được vấn đề này thì các cơ sở giáo dục đại học sẽ sớm được mở cửa trở lại, thầy – trò yên tâm đến lớp dạy – học.

Tuy nhiên, việc này còn phụ thuộc vào chỉ đạo của địa phương. Nếu địa phương vẫn chưa lập danh sách sinh viên vào đối tượng ưu tiên rất khó để các trường mở cửa trở lại trong tháng 10 hoặc tháng 11, vì nhiều em không thể di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác do chính sách của một số địa phương.

Trao đổi về kịch bản đón sinh viên trở lại trường, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH FPT nhấn mạnh: Trong tháng 10, sinh viên vẫn học trực tuyến. Tuy nhiên, nhà trường đang tính đến phương án: Những sinh viên đã được tiêm

vắc-xin phòng, chống Covid-19, đủ điều kiện đến trường sẽ trở lại trường học trực tiếp. Số còn lại sẽ tiếp tục học online hoặc chờ đến học kỳ kế tiếp, hoặc kết hợp song song. Ngoài ra, còn có phương án khác là: Ngoài những sinh viên đã được tiêm chủng, các sinh viên khác nếu muốn trở lại trường học tập trung phải thực hiện xét nghiệm Covid-19 thường xuyên (có thể 1 lần/tuần). “Kịch bản là vậy, nhưng vẫn phải phụ thuộc vào thực tế của các địa phương. Biện pháp tốt nhất vẫn là tiêm phòng cho sinh viên” - TS Lê Trường Tùng nhắc lại.

“Chúng tôi vẫn cập nhật, thống kế số liệu hàng ngày việc sinh viên được tiêm phòng vắc-xin phòng, chống Covid-19. Nhà trường tạm lấy mốc ngày 15/10 làm cơ sở để tính toán các phương án tiếp theo, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tiễn của TP Hồ Chí Minh nói riêng và các địa phương có sinh viên của trường lưu trú nói chung”. - PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

TikTok 'lâm nạn' ở Mỹ

GD&TĐ - Lần thứ hai trong không đầy 4 năm, ứng dụng TikTok bị đưa vào vòng ngắm của chính quyền Mỹ.
Hiện nay, tình hình an ninh mạng tại Việt Nam đang trở nên phức tạp hơn thể hiện qua số lượng đáng báo động là 13.900 vụ tấn công mạng được ghi nhận vào năm 2023.

'Giải mã' mục tiêu của mã độc Ransomware

GD&TĐ - Ransomware là một loại virus được mã hóa có nguy cơ gây tổn thương hệ thống mạng toàn cầu; cứ 11 giây, một tổ chức là mục tiêu của mã độc Ransomware.