Dồn lực đầu tư cơ sở vật chất trường học tại Đồng bằng sông Cửu Long

GD&TĐ - Trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, nhiều tỉnh ĐBSCL vẫn dành nguồn lực lớn đầu tư cơ sở vật chất, phục vụ cho sự nghiệp giáo dục.

Trường lớp khang trang tạo động lực để học sinh Trường THCS Hộ Phòng (thị xã Giá Rai, Bạc Liêu) nỗ lực hơn trong học tập.
Trường lớp khang trang tạo động lực để học sinh Trường THCS Hộ Phòng (thị xã Giá Rai, Bạc Liêu) nỗ lực hơn trong học tập.

Trường mới vùng Đất Mũi

Nằm ở tận cùng cực Nam Tổ quốc, Trường THPT Ngọc Hiển (Ngọc Hiển, Cà Mau) được đầu tư xây mới 100%, vừa hoàn thành kịp đón năm học mới. Trường được xây dựng trên tổng diện tích hơn 12.000m2, bao gồm dãy phòng học (12 phòng); phòng chức năng (12 phòng); khu hành chính (9 phòng); khu nhà vệ sinh, giữ xe, khuôn viên hàng rào... Tổng kinh phí xây dựng hơn 35 tỷ từ nguồn ngân sách Nhà nước.

Thầy Lâm Quốc Toản - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm học vừa qua, do trong quá trình xây dựng nên đơn vị phải mượn phòng học của các trường lân cận phục vụ giảng dạy. Việc này khiến dạy và học gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến thành tích học tập, thi cử của học sinh cuối năm. Năm nay, trường được xây dựng khang trang, giáo viên, học sinh ai cũng cảm thấy phấn khởi, vui mừng.

“Phải nói là rất vui, ai bước vào trường cũng nở nụ cười hạnh phúc. Trường mới khang trang, cơ sở vật chất được đầu tư đảm bảo. Đây chính là động lực lớn để thầy trò nhà trường phấn đấu đạt các mục tiêu đề ra trong năm học mới”, Hiệu trưởng nhà trường phấn khởi nói.

Tương tự, Trường THCS An Xuyên 1 (TP Cà Mau, Cà Mau) cũng được đầu tư nâng cấp nhiều hạng mục công trình với quy mô lớn. Theo thầy Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Tâm, trường được đầu tư xây mới đưa vào hoạt động thêm 17 phòng học và phòng chức năng, nâng tổng số lên 30 phòng. Ngoài ra, trường còn được quan tâm đầu tư xây dựng cổng rào kiên cố, nâng cấp sân trường và một số hạng mục khác.

Dẫn phóng viên tham quan từng phòng chức năng, thầy Tâm cho hay, đến nay trang thiết bị phòng máy tính, tin học, mỹ thuật... do cấp trên đầu tư, gần như trường đã nhận về đầy đủ. Các trang thiết bị được đánh giá là hiện đại, đáp ứng yêu cầu đổi mới theo Chương trình GDPT 2018.

“Trước đây nhà trường không đủ phòng học, phòng chức năng hầu như không có, rất khó khăn trong dạy và học. Nay cơ ngơi của trường đã khác, tập thể nhà trường rất phấn khởi. Năm học mới, trường có hơn 500 học sinh, 14 lớp, cán bộ, giáo viên, nhân viên hơn 30 người. Chúng tôi đã chuẩn bị tốt các điều kiện để trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 trong năm nay”, thầy Tâm hào hứng chia sẻ.

Ông Tạ Thanh Vũ - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau cho biết: Bằng nhiều nguồn kinh phí khác nhau, tỉnh đã đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng trong năm học mới 157 phòng học các cấp; sửa chữa, nâng cấp 210 phòng học với tổng kinh phí hơn 197 tỷ đồng. Trong quá trình thực hiện, ngành ưu tiên đầu tư xây dựng các trường trên địa bàn xã xây dựng nông thôn mới, vùng đồng bào dân tộc và xây dựng trường tiến tới công nhận đạt chuẩn quốc gia.

don luc dau tu co so vat chat (1).jpg
Trường Mẫu giáo Sơn Ca 2 (thị xã Giá Rai, Bạc Liêu) xây dựng mới với kinh phí gần 38 tỷ đồng.

Nhân đôi niềm vui

Tại tỉnh Bạc Liêu, nhiều ngôi trường cũng được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa, tạo diện mạo khang trang, sạch đẹp kịp chào đón năm học mới. Trường Mẫu giáo Sơn Ca 2 (thị xã Giá Rai) là một trong những ngôi trường được đầu tư xây mới hoàn toàn. Ngôi trường gồm nhiều hạng mục như dãy phòng học, phòng chức năng, khu hiệu bộ, thư viện, nhà bếp, nhà vệ sinh... với tổng kinh phí gần 38 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách Nhà nước.

Với quy mô đầu tư như trên, trường trở thành một trong những điểm trường mẫu giáo khang trang bậc nhất tỉnh Bạc Liêu và đủ điều kiện để tiến tới công nhận đạt chuẩn quốc gia. Năm học này, trường đón hơn 280 trẻ chia làm 12 lớp. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường hiện có 28 người, cơ bản đáp ứng nhiệm vụ giảng dạy.

“Trường được xây dựng mới khang trang kịp đưa vào năm học mới nên niềm vui nhân đôi. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên ai cũng phấn khởi, có tinh thần làm việc tốt hơn. Cán bộ, giáo viên nhà trường đã chủ động trang trí trường, lớp học, vệ sinh đồ dùng dạy học đón trẻ vào học.

Về phía phụ huynh, khi đưa con đến học trong ngôi trường khang trang, sạch đẹp cũng vui vẻ, an tâm hơn. Nhà trường sẽ nỗ lực, phối hợp chặt chẽ cùng phụ huynh học sinh để hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dạy, giáo dục trẻ tốt nhất”, cô Thạch Thị Diệu - Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Sơn Ca 2 thể hiện quyết tâm.

Cũng nằm trên địa bàn thị xã Giá Rai, dù không được xây dựng mới hoàn toàn nhưng Trường THCS Hộ Phòng được đầu tư, sửa chữa, nâng cấp nhiều hạng mục, hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm học mới này, tạo diện mạo khang trang. Cụ thể, trường được đầu tư dãy phòng chức năng theo đúng chuẩn quy định của Bộ GD&ĐT, nâng cấp sân trường, sơn lại các dãy phòng học cũ.

Hiệu trưởng nhà trường Lưu Văn Hoài khẳng định: “Với việc được đầu tư cơ sở vật chất khang trang như hiện nay, đặc biệt các phòng chức năng với đầy đủ dụng cụ, đồ dùng dạy học sẽ tạo điều kiện thuận lợi để trường hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ đề ra trong năm học 2024 - 2025, giữ vững thành tích là một trong những lá cờ đầu khối THCS tại tỉnh Bạc Liêu. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để trường tiến tới công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 trong năm nay”.

“Đón năm học 2024 - 2025, các địa phương trong tỉnh đã đầu tư xây dựng mới trên 150 phòng học, 115 phòng bộ môn, 33 nhà vệ sinh với tổng kinh phí trên 245,7 tỷ đồng. Ngoài ra, các địa phương cũng thực hiện cải tạo, sửa chữa trên 500 phòng học, sơn tường, sửa chữa bàn ghế học sinh, sửa chữa hệ thống điện phòng học... với tổng kinh phí gần 67,9 tỷ đồng”, ông Dương Hồng Tân - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bạc Liêu thông tin.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.