Thay đổi diện mạo
Đảng và Nhà nước luôn nhất quán quan điểm phát triển giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục đào tạo là đầu tư cho phát triển. Chính vì vậy, cấp ủy, chính quyền, Phòng GD&ĐT huyện Phú Lương (Thái Nguyên) đã tích cực, chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiều chủ trương, mục tiêu đổi mới giáo dục.
Phòng GD&ĐT huyện đã tham mưu cho UBND huyện, xây dựng nhiều đề án, chính sách phát triển cơ sở vật chất trường lớp học mang lại hiệu quả thiết thực.
Từ việc thực hiện các chủ trương, chính sách, nhiều trường học đã được đầu tư các hạng mục phòng, lớp học, nhà đa năng, trang thiết bị dạy và học... theo hướng khang trang, hiện đại.
Năm học 2023-2024, trường THCS Cổ Lũng vừa được đầu tư xây dựng nhà đa năng và hạng mục phụ trợ, trị giá khoảng 3 tỷ đồng. Cùng niềm vui đó, trường Mầm non Vô Tranh cũng đang trong quá trình hoàn thiện nhà lớp học mới 3 tầng 9 phòng và hạng mục phụ trợ, trị giá 9,5 tỷ đồng.
Công trình nhà đa năng và hạng mục phụ trợ tại trường THCS Cổ Lũng (Phú Lương, Thái Nguyên). |
Với sự quan tâm của các cấp chính quyền, ngành giáo dục, diện mạo trường THCS Phấn Mễ I ngày càng khởi sắc. Cô Nguyễn Thị Ninh Bình, Hiệu trưởng trường THCS Phấn Mễ I cho biết: Nhiều năm qua, việc dạy và học của thầy, trò nhà trường gặp không ít khó khăn do phòng học xuống cấp, khuôn viên nhà trường hẹp chưa đảm bảo điều kiện cho việc học chương trình GDPT 2018...
Tuy nhiên, được sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của chính quyền địa phương và phòng GD&ĐT huyện, những khó khăn, vướng mắc dần được tháo gỡ. Năm 2023, Nhà trường được HĐND huyện Phú Lương phê duyệt xây dựng 01 nhà 2 tầng 10 phòng học, khởi công trong năm 2023. Trong đó có các phòng học và phòng bộ môn đáp ứng tốt trường đạt chuẩn Quốc gia. Theo kế hoạch nhà trường đón Chuẩn Quốc gia và kiểm định chất lượng vào tháng 6/2024.
Đến nay, cơ sở vật chất và trang thiết bị tối thiểu để đạt chuẩn Quốc gia lần 2 đã đủ. Đây là niềm vui và cũng là mong đợi của cán bộ, giáo viên, học sinh nhà trường trong nhiều năm qua.
Tạo đà cho giáo dục vươn cao
Bên cạnh nắm bắt nhu cầu của các trường, việc phân bổ kinh phí đầu tư cũng được huyện Phú Lương dựa trên kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia và chương trình đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của địa phương hàng năm; phát huy hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho ngành giáo dục, đảm bảo đúng trọng tâm, trọng điểm.
UBND huyện đã tập trung chỉ đạo các phòng, ban, ngành, đoàn thể, các xã/thị trấn triển khai thực hiện các giải pháp dành phần lớn nguồn lực cho đầu tư cơ sở vật chất các trường học, qua đó vừa đẩy mạnh việc xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lí giáo dục, vừa huy động mọi nguồn lực, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục đào tạo của địa phương”. – Ông Nguyễn Hoàng Mác, Chủ tịch UBND huyện Phú Lương.
Theo đó, năm 2024, huyện đã dành gần 85 tỷ đồng (năm 2023 là gần 55 tỷ với 19 công trình) để tập trung xây dựng 18 công trình trường học trọng điểm từ cấp Mầm non đến THCS, góp phần cải thiện môi trường giáo dục theo Chương trình GDPT 2018 và hoàn thiện các tiêu chí trường chuẩn quốc gia.
Các công trình giáo dục được đầu tư xây dựng mới cũng làm thay đổi diện mạo hạ tầng văn hóa - xã hội của các địa phương. |
Được đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, các nhà trường thuận lợi hơn trong triển khai dạy học, tổ chức hoạt động giáo dục. Đến nay, toàn huyện Phú Lương đã có 50/53 trường đạt chuẩn quốc gia (đạt tỷ lệ trên 94,3%).
Tiếp tục hành trình làm mới vùng nông thôn, huyện Phú Lương đang tập trung dành nguồn lực đầu tư cho giáo dục, đồng thời, đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học. Qua đó, nhằm tập trung phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Kiểm tra đánh giá chất lượng các cấp học, nâng cao chất lượng giáo dục. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển giáo dục đào tạo, đặc biệt là chuyển đổi số. - Ông Nguyễn Đức Dũng, Trưởng phòng Giáo dục huyện Phú Lương nhấn mạnh.