Đòn hội đồng nhằm vào Hồng Kông

Đòn hội đồng nhằm vào Hồng Kông

Đặc biệt, Mỹ và châu Âu có tiếng nói chung về việc phản đối Trung Quốc thông qua luật an ninh Hồng Kông và dần hình thành một liên minh trong vấn đề này.

Trước đó hôm 30/6, quan hệ quốc tế dậy sóng khi Bắc Kinh áp luật an ninh Hồng Kông, trong đó hình sự hóa các loại tội phạm an ninh quốc gia và cho phép Trung Quốc lần đầu lập cơ quan bảo vệ an ninh tại đặc khu để giám sát việc thực thi đạo luật này. Trung Quốc khẳng định luật mới vẫn bảo đảm quyền tự trị của người Hồng Kông cũng như lợi ích của các nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, Mỹ và các nước châu Âu lên án gay gắt đạo luật trên và coi đây là hành động hủy hoại quyền tự chủ và tự do của Hồng Kông, đi ngược nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ". Do đó, họ cảnh báo sẽ trừng phạt Bắc Kinh và các biện pháp cụ thể đang dần được công bố dồn dập như một "đòn hội đồng".

Mới nhất là hôm 14/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành Đạo luật tự trị Hồng Kông, trong đó trừng phạt các ngân hàng làm ăn với các quan chức và tổ chức của Trung Quốc và Hồng Kông có liên quan đến luật an ninh mới của Bắc Kinh. Cùng ngày ông Trump còn ký sắc lệnh tước những ưu đãi thương mại của Hồng Kông và đặc khu này sẽ "được đối xử giống như Trung Quốc đại lục, không có đặc quyền và không xuất khẩu công nghệ nhạy cảm".

Ngay trước đó một ngày, giới chức Liên minh châu Âu (EU) cũng tuyên bố đang chuẩn bị các biện pháp chống lại Trung Quốc để đáp trả luật an ninh Hồng Kông, nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với xã hội dân sự và tự trị của đặc khu kinh tế này. Các biện pháp của EU nhiều khả năng không bao gồm trừng phạt kinh tế nhưng có việc xem xét lại thỏa thuận dẫn độ với Hồng Kông và cấm xuất khẩu phần mềm hoặc thiết bị được sử dụng để đối phó với làn sóng biểu tình.

Đây là động thái mới nhất của EU sau khi Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen hồi tháng trước cảnh báo Bắc Kinh sẽ phải hứng chịu "những hậu quả rất tiêu cực" vì luật an ninh Hồng Kông. Một thành viên vừa rời EU là Anh cũng phản đối Trung Quốc vì có mối liên kết lịch sử với Hồng Kông. Thủ tướng Boris Johnson cáo buộc đây là "sự vi phạm nghiêm trọng Tuyên bố Trung - Anh" và cho phép người Hồng Kông đến Anh nộp đơn xin nhập tịch.

Trên cấp độ doanh nghiệp và tư nhân cũng bắt đầu có những phản ứng cụ thể liên quan đến luật an ninh Hồng Kông. Báo New York Times của Mỹ đang cho rút bộ phận vận hành tin điện tử khỏi đặc khu này và chuyển sang Seoul , Hàn Quốc do gặp phải những thách thức an ninh về giấy phép làm việc.

Trước các phản ứng dồn dập của quốc tế, Trung Quốc vẫn giữ nguyên lập trường phản đối các nước can thiệp vào công việc nội bộ của nước mình. Đặc biệt, Bắc Kinh tuyên bố sẽ trả đũa các cá nhân và tổ chức của Mỹ vì thông qua Đạo luật tự trị Hồng Kông. Phản ứng này của Bắc Kinh là điều dễ dự đoán, nhưng nó càng cho thấy mối căng thẳng giữa nước này với phương Tây sẽ không thể xoa dịu trong tương lai gần sau hàng loạt các bất đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ