Đến từ Trường Kinh Doanh Edinburgh, ĐH Heriot-Watt (Vương quốc Anh), PGS.TS Trần Yến nhấn mạnh, mô hình 3 nhà: Nhà trường - Nhà nước - Nhà doanh nghiệp được coi là đòn bẩy quan trọng để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thương mại hóa công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học. Ngoài ra, các trường cần chứng minh về giá trị và nguồn lực của mình
Trước đây, những sáng chế trong trường đại học ít khi được coi trọng, thậm chí mất cơ hội được đề cử giải Nobel, Gavin Leonard chuyên gia đến từ nước Anh chia sẻ và cho biết, hiện vấn đề này được xã hội quan tâm hơn rất nhiều.
Ông Gavin Leonard viện dẫn, thập niên 80 của thế kỷ trước, ở Mỹ chỉ có 2 trung tâm chuyển giao công nghệ. Sau 10 năm có đến 200 trung tâm và con số hiện nay là 1000.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc công bố phát minh, cấp bằng sáng chế cho các dự án sinh viên nếu muốn thương mại hóa công nghệ đó trong tương lai, nhưng ông Gavin Leonard cho rằng, việc này còn gặp nhiều khó khăn.
Đâu đó có tình trạng trường đại học chưa hiểu rõ quy trình cấp bằng sáng chế; các doanh nghiệp chưa cảm thấy sáng chế có giá trị thương mại, dễ thất bại; quy trình của các trường đại học vẫn còn cồng kềnh; thậm chí nhà khoa học, nhà nghiên cứu cũng chưa nắm rõ hết các quy định.
Từ thực tiễn nêu trên, ông Gavin Leonard cho rằng, việc thành lập các trung tâm chuyển giao công nghệ có vai trò rất lớn nhằm đưa các phát minh ra thị trường, kết nối nhà khoa học với doanh nghiệp và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Từ trái qua phải PGS.TS Nguyễn Bình Minh, PGS.TS Trần Yến, ông Phạm Tuấn Hiệp, ông Gavin Leonard chia sẻ tại hội thảo. |
Đặt vấn đề, ai là khách hàng của chúng ta? PGS.TS Nguyễn Bình Minh - Giám đốc Trung tâm Công nghệ và Kinh tế số (ĐH Bách khoa Hà Nội) trả lời, đó là những người sử dụng sản phẩm.
Điều này tạo ra sự thay đổi về tư duy trong ý tưởng, cách làm. “Cái bán được mới có thể gọi là sản phẩm” - PGS.TS Nguyễn Bình Minh nói và nhìn nhận, việc tìm kiếm được khách hàng không chỉ giúp sản phẩm có doanh số, mà còn giúp những người nghiên cứu nhìn thấy tính khả thi của sản phẩm.
Đề cập đến 6 yếu tố bảo đảm thành công cho trung tâm đổi mới của đại học, ông Phạm Tuấn Hiệp - Giám đốc Quỹ đầu tư BK Fund nêu: Thứ nhất, cam kết dài hạn của lãnh đạo nhà trường trong thực hiện sứ mệnh.
Thứ hai, số lượng và chất lượng nghiên cứu của cả nhà trường
Thứ ba, chính sách rõ ràng cho tác giả đối với kết quả nghiên cứu: về sở hữu, tự chủ, chia sẻ lợi nhuận và hỗ trợ phát triển.
Thứ tư, nhà trường đầu tư tài chính và cơ sở vật chất cho trung tâm đổi mới trong giai đoạn ban đầu
Thứ năm, tăng tự chủ cho trung tâm đổi mới để chủ động kết nối, hợp tác, đầu tư.
Thứ sáu, nhân sự phù hợp gắn bó với trung tâm đổi mới.
Các khách mời, chuyên gia, diễn giả và giảng viên tham gia hội thảo. Ảnh: Trần Trang. |
Ngày 28/5, Hội thảo với chủ đề “Thương mại hóa công nghệ đại học: Con đường và thách thức” đã diễn ra tại Không gian Sáng tạo số HUST Digital Hub của ĐH Bách khoa Hà Nội. Tại đây, các diễn giả đã trao đổi về cách đổi mới sáng tạo trong môi trường đại học và làm sao để đưa các sáng chế của nhà khoa học vào thực tiễn.
Ngoài các chuyên gia, diễn giả nêu trên, hội thảo có sự tham dự của ông Nguyễn Văn Cừ - Phó Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT, đại diện lãnh đạo, giảng viên của Đại học Bách khoa Hà Nội cùng đông đảo sinh viên quan tâm đến lĩnh vực đổi mới sáng tạo.