Nguyễn Thị Kim Ngân và Simon Nelson dự định đạp xe qua 11 quốc gia với quãng đường hơn 15.000 km nhằm kêu gọi cộng đồng chung tay chống lại tình trạng nóng lên toàn cầu.
Từ trung tuần tháng 2, Nguyễn Thị Kim Ngân và Simon Nelson đã bắt đầu hành trình, điểm xuất phát là TP HCM, đích đến được xách định là thành phố Paris, nơi sẽ diễn ra Hội nghị Biến đổi Khí hậu Liên Hiệp Quốc (COP21) vào tháng 12 năm nay. Chuyến đạp xe xuyên quốc gia này dự tính kéo dài 9 tháng, đi qua 11 nước với quãng đường hơn 15.000 km.
Simon và Kim Ngân đều là tình nguyện viên nhiệt huyết của phong trào 350 Việt Nam với sứ mệnh kêu gọi cộng đồng chung tay chống lại biến đổi khí hậu. Hai người cho biết mục đích của chuyến đi là kêu gọi nâng cao nhận thức của cộng đồng về biến đổi khí hậu.
Qua đó truyền cảm hứng cho mọi người có hành động cụ thể ngăn chặn thảm họa này. Hiện tại, đôi bạn trẻ đã vượt qua quãng đường hơn 2.000 km, có mặt tại Hà Nội và dự định ở lại đây trong vòng một tuần để phổ biến thông điệp của mình đến với người dân thủ đô.
Nói về lý do chọn Việt Nam để bắt đầu chuyến hành trình của mình, Simon cho biết Việt Nam là một trong những quốc gia gánh chịu nặng nề bởi thảm họa biến đổi khí hậu.
Trong suốt hành trình dọc mảnh đất hình chữ S, anh chứng kiến nhiều hậu quả nặng nề của biến đổi khí hậu: mùa màng cây trái ở đồng bằng sông Cửu Long bị tổn hại do nước mặn xâm nhập, bờ biển dọc miền Trung bị xói mòn, thiên tai, bão lụt ngày càng gia tăng…
"Nếu không có hành động mạnh mẽ để dừng lại sự ấm lên toàn cầu thì đất nước các bạn sẽ phải đối mặt với một tương lai rất ảm đạm", Simon nói trong buổi giao lưu với các sinh viên tại Hà Nội.
Bên cạnh đó, các tình nguyện viên của phong trào 350 Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn vận động gây quỹ nhằm giúp đỡ cộng đồng dân cư Việt Nam đang gánh chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu.
Tháng 12 năm nay, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ tập trung tại Paris để bàn luận về cách để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu. Đây là thời điểm quan trọng trong hành trình lịch sử nhân loại nhằm tìm ra giải pháp bảo vệ hành tinh chúng ta đang sống.
Các nhà nghiên cứu cảnh báo, nếu con người không có hành động mạnh mẽ và cụ thể ngay lập tức để ngăn chặn tình trạng ấm lên toàn cầu, nhân loại sẽ phải đối mặt với một tương lai vô cùng tồi tệ. Hội nghị sắp tới được đánh giá là "cơ hội cuối cùng" để các nhà lãnh đạo tìm ra một giải pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn thảm họa nóng lên toàn cầu.
"Hy vọng qua nhiều câu chuyện sinh động về những con người phải gánh chịu hậu quả nặng nề do biến đổi khí hậu, chúng tôi có thể truyền cảm hứng để mọi người trên toàn thế giới có hành động thiết thực nhằm ngăn chặn thảm họa này”, Kim Ngân 27 tuổi, cựu sinh viên khoa Ngữ văn Anh, Đại học KHXH&NV TP HCM, nói.
Trên suốt hành trình, đôi bạn trẻ ghi nhận lại những bức ảnh đẹp về thiên nhiên, đất nước, con người Việt Nam với lời nhắn: "Bạn hãy tôi cùng cảm nhận và giang rộng tay bảo vệ thiên nhiên tươi đẹp".
Theo các nhà khoa học, 350 ppm là giới hạn an toàn của nồng độ carbon dioxide (CO2) trong bầu khí quyển. Tình trạng ấm lên ở Bắc Cực cùng các tác động khí hậu thời gian gần đây khiến CO2 trong khí quyển vượt quá giới hạn an toàn cho phép, hiện ở mức 402 ppm.
Nếu không nhanh chóng cắt giảm lượng CO2 về dưới 350 ppm trong thế kỷ này, sẽ vượt qua điểm tới hạn khí hậu. Theo đó, con người sẽ phải đối mặt với nguy cơ khí hậu biến đổi bất thường, băng tan chảy, các tầng đất đóng băng vĩnh cửu sẽ giải phóng một lượng rất lớn khí metan độc hại mà chúng đang "giam giữ" hàng triệu năm nay.
Thực trạng nước biển ngày càng dâng cao và xâm thực cũng là vấn đề cần được quan tâm. Ngoài cặp Simon và Kim Ngân, còn rất nhiều bạn trẻ khác đang trong chuyến hành trình đạp xe từ khắp các quốc gia đổ về Paris trong thời gian hội nghị Biến đổi Khí hậu Liên Hợp Quốc diễn ra. Tất cả đều nhằm mục đích thức tỉnh nhân loại, đặc biệt là các nhà chức trách, cam kết hành động ngay để cứu lấy trái đất.