Hiện nay, hoạt động này ngày càng được các nhà trường quan tâm, tổ chức thực sự vì mong muốn lắng nghe người học.
Chỉ ra việc làm chưa tốt
Ngày 19/10, Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Cần Thơ) tổ chức buổi gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo nhà trường, Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên, Ban đại diện cha mẹ học sinh với hơn 150 học sinh đến từ 35 tập thể lớp.
Theo thầy Hiệu trưởng Trịnh Nguyễn Thi Bằng, đây là hoạt động được tổ chức thường niên, 1 hoặc 2 lần/năm học. Học sinh đã quen với hoạt động này nên các em mạnh dạn chia sẻ suy nghĩ, mong muốn đến thấy cô, nhà trường. Bên cạnh đánh giá những vấn đề nhà trường đã làm tốt, các em thẳng thắn chỉ ra việc làm chưa tốt và những hoạt động cần điều chỉnh, thay đổi hoặc tổ chức trong thời gian tới.
“Những vấn đề học sinh thường tập trung quan tâm, thắc mắc liên quan đến cơ sở vật chất nhà trường; một số vi phạm nội quy của học sinh; ứng xử của học sinh và giáo viên… Qua thực tế triển khai, có thể thấy đây là hoạt động thực sự cần thiết, giúp học sinh hiểu rõ tình hình, hoạt động của trường và nhà trường nắm rõ tình hình, tâm tư, nguyện vọng của các em.
Bên cạnh thực hiện dân chủ trong nhà trường, hoạt động đối thoại học đường còn góp phần phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, như tính chủ động, trách nhiệm,... Đây cũng là một trong những cơ sở để nhà trường điều chỉnh hoạt động chưa phù hợp; tổ chức hoạt động đáp ứng nguyện vọng của học sinh, cha mẹ”, thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng chia sẻ.
Theo cô Trần Thị Thanh Vân - Hiệu trưởng Trường THCS Đền Lừ (Hoàng Mai, Hà Nội), thực tế cho thấy, học sinh ở các cấp học có tâm tư, nỗi niềm riêng, nhất là áp lực từ việc học tập, thi cử, phương pháp giảng dạy, giáo dục cũng như sự công tâm của thầy cô… Nếu không được đối thoại, được lắng nghe, sẻ chia kịp thời, các em sẽ bị ức chế, phản đối ngầm, nhiều khi dẫn đến phát sinh suy nghĩ tiêu cực.
Qua hoạt động đối thoại, trao đổi, chuyện trò với học sinh, tổ chức các diễn đàn để học trò được trực tiếp nói lên suy nghĩ của mình, nhà trường sẽ nắm bắt được tâm tư, tình cảm, diễn biến của học sinh để có sự thay đổi và định hướng, giáo dục phù hợp.
Tháng 1/2024, Trường THCS Đền Lừ tổ chức thành công buổi đối thoại học đường với chủ đề “Vì một môi trường học tập hạnh phúc”. Tại đây, học sinh đã thẳng thắn nói lên tâm tư, nguyện vọng về nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động hướng nghiệp, hoạt động ngoại khóa, rèn luyện kỹ năng mềm, tổ chức kiểm tra định kỳ, một số vấn đề về cơ sở vật chất nhà trường… Các thầy cô lắng nghe và lần lượt giải đáp, trả lời những nguyện vọng, mối quan tâm của học sinh.
“Từ năm học 2024 - 2025, nhà trường thường xuyên tổ chức các buổi đối thoại, diễn đàn để học sinh được nói lên suy nghĩ, thực hiện quyền được tham gia, bày tỏ ý kiến, chia sẻ, quan tâm, thấu cảm, tôn trọng. Từ đó, thầy cô và cha mẹ học sinh biết, hiểu và có thể đáp ứng những yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của các em. Qua đây, nhà trường có kế hoạch phù hợp trong nâng cao chất lượng dạy và học”, cô Trần Thị Thanh Vân thông tin.
Làm sao để tránh hình thức?
Năm học 2024 - 2025, Sở GD&ĐT Bắc Giang yêu cầu các trường THCS, TH&THCS tổ chức được ít nhất 1 hoạt động “Đối thoại học đường”. Tùy theo điều kiện và nhu cầu thực tế của từng nhà trường, có thể tổ chức nhiều hơn, tuy nhiên không để ảnh hưởng tới thời gian và chất lượng hoạt động giáo dục chính khóa. Việc tổ chức hoạt động “Đối thoại học đường” hoàn thành xong trước ngày 31/3/2025.
Chia sẻ điều này, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Văn Thêm cho biết, chương trình đối thoại do các nhà trường chủ động xây dựng; linh hoạt lựa chọn hình thức phù hợp để tổ chức như hội nghị, tọa đàm, sân khấu hóa…
Nhà trường cũng có thể linh hoạt lồng ghép các hoạt động khác để buổi đối thoại thêm sôi nổi, thu hút đông đảo học sinh quan tâm. Tuy nhiên, một số nội dung cơ bản phải bảo đảm, trong đó có việc thực hiện khảo sát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của học sinh (do Liên đội phối hợp với giáo viên chủ nhiệm các lớp thực hiện) để báo cáo tại buổi đối thoại; đại diện học sinh phát biểu, đóng góp ý kiến về những vấn đề các em quan tâm; ý kiến của đại diện phụ huynh (nếu có).
Những ý kiến, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người học trong buổi đối thoại phải được hiệu trưởng, phó hiệu trưởng cùng các tổ chức, đoàn thể trong và ngoài nhà trường quan tâm, trả lời, đáp ứng một cách thỏa đáng.
“Hoạt động “Đối thoại học đường” phải được tổ chức trên tinh thần thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức, qua loa, đối phó. Việc tổ chức hoạt động phải được chuẩn bị chu đáo, nghiêm túc, thu hút sự tham gia của học sinh. Tổ chức tốt hoạt động này sẽ góp phần xây dựng và triển khai đa dạng mô hình bảo vệ trẻ em trong trường học, để trẻ em được bảo vệ, bày tỏ ý kiến của mình.
Đồng thời, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác quản lý, phát huy tính dân chủ trong nhà trường; giúp nhà trường kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, suy nghĩ và những vấn đề học sinh quan tâm; từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục”, ông Nguyễn Văn Thêm lưu ý.
Để có thể tổ chức hoạt động đối thoại học đường thực sự dân chủ, cởi mở, giúp giải đáp, giải quyết các nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người học, thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng cho rằng, trong khâu tổ chức chỉ nên có lãnh đạo trường, không có mặt giáo viên. Chủ tọa gợi mở vấn đề; lắng nghe và tôn trọng ý kiến học sinh; giải đáp vấn đề trên góc nhìn của học sinh; không bác bỏ ý kiến dù chưa đúng của các em; đặc biệt, cần giải quyết ngay các vấn đề sau buổi đối thoại...
Việc khảo sát ý kiến học sinh trước khi tổ chức cũng cần thiết, để nhà trường nắm được tâm tư, nguyện vọng của các em; từ đó trao đổi, giải pháp tại buổi đối thoại hiệu quả hơn. Trường THPT Trần Đại Nghĩa, trước buổi đối thoại với học sinh ngày 19/10 vừa qua, Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên đã khảo sát ý kiến của hơn 1.300 học sinh toàn trường bằng 2 hình thức: Phát phiếu lấy ý kiến trực tiếp và trực tuyến bằng biểu mẫu Google form từ ngày 2/10 đến ngày 18/10.
Cũng nêu giải pháp, cô Trần Thị Thanh Vân lưu ý đầu tiên đến việc cần tuyên truyền, thông tin đến phụ huynh, học sinh hiểu rõ chủ đề, mục đích cuộc đối thoại mang tính xây dựng, hướng đến môi trường học đường tốt đẹp hơn. Cùng đó, có thể xác định một số nội dung để phụ huynh và người học đóng góp nhiều ý kiến. Cách thức tổ chức buổi đối thoại phải tạo không khí thân thiện, gần gũi, tích cực.
“Tổ chức đối thoại với học sinh là cần thiết; nhưng việc này dễ hình thức nếu không tạo được niềm tin để các em mạnh dạn phát biểu, không giải quyết được vấn đề sau đối thoại. Yếu tố quyết định vẫn là người đứng đầu nhà trường”. - Thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng