Đổi thay Pò Hèn

GD&TĐ - Nắng sớm trải dài trên lưng núi, từng tốp học sinh hối hả trên đường đến trường. Đoạn đường qua cổng Trường Tiểu học & THCS Hải Sơn đang được nâng cấp, mở rộng. Không còn cảnh đường đất sình lầy mà trước đây cứ nghĩ đến là các thầy cô được phân công lên Hải Sơn dạy kinh hãi: Bùn bám chặt lấy chân, lương có mà không biết tiêu gì, chợ đi một ngày ăn cả tuần, cá khô là thực phẩm hàng ngày…

Giờ lên lớp của học sinh tiểu học Trường TH&THCS Hải Sơn
Giờ lên lớp của học sinh tiểu học Trường TH&THCS Hải Sơn

Niềm vui đến trường

Đó là những ngày này của 20 năm về trước, còn giờ mọi thứ đã khác trước nhiều. Những thầy cô giáo được phân công lên dạy ở Hải Sơn đã không còn vất vả như trước, đường sá giao thương thuận lợi, nên không còn cảnh có lương mà chẳng có gì để mua.

Thầy Lê Trung Thành – Hiệu trưởng Trường Tiểu học & THCS Hải Sơn, tâm sự: “Cho dù điều kiện đi lại, ăn ở tốt hơn trước nhiều thì Hải Sơn vẫn là một xã miền núi biên giới, giáo viên lên dạy trên này trừ là người địa phương còn thì đều là “đi nghĩa vụ”. Tuy nhiên, chúng tôi xác định mỗi nhà giáo phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, tâm huyết với nghề, yêu thương học sinh, tích cực cải tiến phương pháp dạy học, xứng đáng là tấm gương tự học và sáng tạo để học sinh noi theo”.

Đặc thù người dân trên địa bàn chủ yếu là dân tái định cư (chuyển từ lòng hồ Tràng Vinh ra) và dân đi xây dựng kinh tế mới (từ các tỉnh Hưng Yên, Nam Định; huyện Tiên Yên, Bình Liêu đến). Thu nhập chủ yếu từ sản xuất nông - lâm nghiệp và làm dịch vụ bốc xếp hàng hóa, số hộ nghèo còn 8 hộ (trong đó có 5 hộ nhận bảo trợ), chiếm 2,42%, hộ cận nghèo còn 10 hộ, chiếm 3,03%.

Kinh tế phát triển nên người dân cũng có điều kiện nhiều hơn trong việc lo cho con em ăn học. Cùng với đó, việc các cấp chính quyền đặc biệt quan tâm nên chất lượng giáo dục ở Hải Sơn ngày một được nâng cao. Trường đã đạt chuẩn quốc gia – đây là niềm vui lớn khích lệ không chỉ các thầy cô giáo mà cả các em học sinh phấn đấu dạy - học tốt hơn nữa.

Trường Tiểu học & THCS Hải Sơn có 2 điểm trường cách nhau 8 km (điểm trường chính và điểm trường Thán Phún Xã). Trường hiện có 14 lớp (tiểu học 10 lớp, THCS 4 lớp) với 283 học sinh, số học sinh dân tộc thiểu số 264 em (chiếm 93,29%).

Cơ sở vật chất theo tiêu chuẩn của trường chuẩn quốc gia, có đủ các phòng học để tổ chức học 2 buổi/ngày, đủ phòng học bộ môn, thiết bị thí nghiệm, thư viện, đầy đủ trang thiết bị phục vụ công tác hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, tổ chức các hoạt động trong và ngoài giờ lên lớp. Với cả thầy cô giáo và học sinh, mỗi ngày đến trường đang thực sự là một ngày vui.

Mỗi ngày đến trường với cả thầy và trò thực sự là một ngày vui
  • Mỗi ngày đến trường với cả thầy và trò thực sự là một ngày vui

Nỗ lực vượt khó

Tiết cuối thu, những vạt nắng sớm vàng trải dài, trên đường đi những tốp học sinh đang hối hả đến trường. Điểm trường chính đặt tại thôn Pò Hèn, lưng tựa vào dãy Núi Pa Nai, phía Bắc có khu thượng nguồn dòng sông Ka Long, nhìn sang bên kia biên giới nước bạn là thôn Thán Sản, trấn Na Lương (khu Phòng Thành, Quảng Tây, Trung Quốc).

Ngay cạnh trường là Đài Tưởng niệm Liệt sĩ Pò Hèn (nơi ghi lại sự kiện 17/2/1979). Với 24 cán bộ quản lí, giáo viên và nhân viên, 100% cán bộ quản lí, giáo viên, nhân viên đạt chuẩn trình độ đào tạo (trong đó trên chuẩn 60,12%), đảm bảo cơ cấu bộ môn theo quy định. Vượt lên gian khó của một ngôi trường vùng cao biên ải, các thầy cô đang ngày đêm bám trường, cùng học sinh nỗ lực dạy thật tốt và học thật tốt.

Trường vừa mới sáp nhập, vẫn còn điểm trường Thán Phún Xã cách điểm chính 8km. Theo quy định hiện hành, số lượng cán bộ quản lí, giáo viên, nhân viên giảm nhưng vẫn phải đảm bảo thực hiện nhiệm vụ, công việc theo quy định. Hiện nay, điểm trường này đang gặp rất nhiều khó khăn trong công tác điều hành, quản lí, triển khai các hoạt động giáo dục (đặc biệt là các hoạt động liên quan đến giáo dục khối tiểu học) và nhóm vị trí công việc hỗ trợ, phục vụ (thư viện, thiết bị, thí nghiệm, công nghệ thông tin, kế toán, thủ quỹ, văn thư, y tế...). 

Thầy Hiệu trưởng Lê Trung Thành tâm sự: “Trường có nhiều học sinh dân tộc thiểu số, cho dù nhận thức của người dân tốt hơn trước nhiều nhưng vẫn còn hạn chế. Cũng vất vả lắm chúng tôi mới tiếp tục duy trì và giữ vững kết quả phổ cập giáo dục THCS đạt mức độ 2, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, xoá mù chữ đạt mức độ 2 trong năm 2018 này.

Cũng như đạt các chỉ tiêu về giáo dục trong chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương, trong đó tỉ lệ học sinh tiếp tục theo học sau khi tốt nghiệp THCS năm 2018: 31/37 = 83,70% (theo quy định chỉ cần đạt 70%).

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận chất lượng giáo dục của nhà trường còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế và chưa thực sự bền vững, chất lượng giáo dục đại trà, mũi nhọn còn thấp so với mặt bằng chung của thành phố, tỷ lệ chuyên cần chưa cao, học sinh thường xuyên nghỉ học không lí do, tiềm ẩn nguy cơ học sinh bỏ học giữa chừng”.

Địa bàn xã tương đối rộng, dân cư thưa thớt, đường sá đi lại khó khăn, chủ yếu phải vượt đồi, xa trung tâm trường; khí hậu khắc nghiệt, mùa đông thì giá buốt, mưa phùn, mùa hè thì nắng, mưa, sấm chớp thất thường. Nhiều hộ gia đình chưa quan tâm trong việc giáo dục con cái, phó mặc cho nhà trường, không đầu tư hỗ trợ mua sắm đồ dùng, dụng cụ học tập cho con em mình, không có trách nhiệm nhắc nhở, khuyên bảo khi các em nghỉ học.

Giáo viên THCS phải dạy nhiều môn, chuẩn bị nhiều tiết dạy nên việc đầu tư chưa thực sự hiệu quả, chưa phát huy hiệu quả các trang thiết bị, đồ dùng dạy học tại trường, giáo viên đặc biệt khó khăn trong việc xây dựng kế hoạch dạy học theo chủ đề và đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo định hướng phát triển năng lực của học sinh.

Dạy xa nhà, hoàn cảnh phải đi về trong ngày (mỗi ngày đi từ 80km đến 100 km-2 lượt). Vượt qua tất cả những khó khăn đó, có thế mới thấy nỗ lực của thầy, trò Trường TH&THCS Hải Sơn lớn nhường nào.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ảnh: TT

Giữ bình yên trên cao nguyên M’Nông

GD&TĐ - Bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024, người dân trên cao nguyên M’Nông (Đắk Nông) đang hân hoan phấn khởi vì sản phẩm được giá.