Đổi thay Pò Hèn

GD&TĐ - Đỉnh Pò Hèn gắn với những câu chuyện về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc năm 1979 đã đi vào lịch sử. Cái ngày 17/2/1979 đã lùi xa, trên nền doanh trại cũ của đồn Pò Hèn xưa một đài tưởng niệm đã được dựng lên giữa miền biên viễn.  

Nhiều hoạt động tình nguyện hỗ trợ cho trẻ em nghèo xã Hải Sơn
Nhiều hoạt động tình nguyện hỗ trợ cho trẻ em nghèo xã Hải Sơn

Pò Hèn – Hải Sơn đang là điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới, trong những đổi thay hàng ngày ở Pò Hèn thì vai trò của trung tâm học tập cộng đồng trong việc giúp người dân cần gì học nấy là rất lớn.

Đổi thay theo năm tháng

Pò Hèn thuộc xã miền núi biên giới Hải Sơn, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh - địa danh gắn liền với cuộc chiến tranh biên giới năm 1979. Lịch sử đã qua đi, Pò Hèn giờ đây đang hồi sinh mạnh mẽ. Lối mở Pò Hèn (Móng Cái, Việt Nam) băng qua dòng Ka Long nối với Thán Sản (Phòng Thành, Trung Quốc) có ý nghĩa rất lớn, thúc đẩy giao lưu văn hóa - giáo dục và kinh tế giữa 2 nước.

Thôn Pò Hèn và thôn Thán Sản, Phòng Thành (Trung Quốc) đã kết nghĩa được hơn 3 năm. Giờ đây, người dân hai bên biên giới đã tổ chức các hoạt động thăm hỏi, giao lưu văn hóa, cùng bảo ban nhau giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường sinh thái dọc tuyến sông biên giới, cùng chung tay giúp nhau khắc phục hậu quả thiên tai, phòng chống lụt bão, cứu hộ, cứu nạn và phòng chống dịch bệnh xảy ra trên khu vực biên giới.

Ông Vũ Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Hải Sơn, vui vẻ cho biết: “Hải Sơn đang thay đổi từng ngày, đường xá giao thông được mở mang, trường lớp khang trang, rộng rãi. Xã tập trung xây dựng nông thôn mới, chỉnh trang nhà ở, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp, với mục đích thu hút khách du lịch đến thăm quan bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan. 9 tháng đầu năm 2018 này ước tính đã có trên 1.200 lượt khách đến thăm.

Chúng tôi đang tích cực phong trào xây dựng nông thôn mới, cùng với ngân sách của Nhà nước, xã đã chủ động quan tâm kêu gọi xã hội hóa từ các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm hỗ trợ tiền mặt, vật liệu, nhân lực giúp dân chỉnh trang nhà ở, nhà vệ sinh, nhà bếp, di chuyển chuồng trại ra xa nơi ở... Các thôn kiểu mẫu Lục Chắn, xóm Họ Đặng thôn Pò Hèn, và ngày vệ sinh môi trường thứ 6 hàng tuần đã thu hút đông đảo đoàn viên, hội viên, học sinh và nhân dân tham gia”.

Là một trong những người lên lập nghiệp trên đỉnh Pò Hèn sau chiến tranh biên giới, chị Nguyễn Thu Hằng, quê ở tỉnh Hưng Yên, nhớ lại: “Năm 2002, tuổi 22 tôi lên xây dựng kinh tế mới, xã Hải Sơn và đỉnh Pò Hèn khi đó còn hoang sơ, dấu tích của chiến tranh còn nhiều, đường xá đi lại khó khăn, rừng rú hoang vu, toàn người dân tộc.

Nhóm Hưng Yên tôi có 10 người đi thì 8 người về do không chịu được khổ. Còn giờ khác nhiều rồi; như anh thấy đường xá giao thông thuận tiện, đời sống người dân ngày một được nâng cao. Tôi làm công tác y tế thôn bản, chồng làm kinh doanh tự do, đủ trang trải cuộc sống cho gia đình. Cháu bé đã học lớp 9 Trường Tiểu học & THCS Hải Sơn, còn cháu lớn đang du học đại học ở Trung Quốc. Các cháu đều học giỏi, đặc biệt cháu đang du học ở Trung Quốc, bảo rất vui vì được thầy cô và các bạn yêu quý”.

Giờ ngoại khóa Lịch sử bên Đài tưởng niệm liệt sĩ Pò Hèn
  • Giờ ngoại khóa Lịch sử bên Đài tưởng niệm liệt sĩ Pò Hèn

Nỗ lực xây dựng xã hội học tập

Nhấn mạnh ý nghĩa của việc nâng cao nhận thức của người dân, Phó Chủ tịch xã, kiêm Giám đốc TTHTCĐ, Phùn Văn Huy, người dân tộc Dao, gốc Pò Hèn, Hải Sơn, cho rằng: Quan điểm xây dựng XHHT là nền tảng căn bản để phát triển. Ở Hải Sơn TTHTCĐ đã phát huy tích cực các hoạt động, thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng, trang bị kiến thức mới về pháp luật - y tế - văn hóa, điều này tác động lớn đến việc đẩy mạnh giáo dục, giúp nâng cao nhận thức cho người dân.

Từ việc giúp người dân “cần gì học nấy”, triển khai kịp thời các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình 135, đến đầu năm 2018, số hộ nghèo trên địa bàn xã còn 8 hộ (chiếm 2,4%), cận nghèo còn 10 hộ (chiếm 3%). Xã cũng đặc biệt quan tâm công tác đào tạo lao động, giải quyết việc làm, đến nay số lao động qua đào tạo là 360/878 người (đạt 41%), trong đó số lao động có việc làm thường xuyên là 835/878 người đạt 95%.

Là xã vùng cao, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Hải Sơn cách trung tâm thành phố Móng Cái 37 km về phía Tây Bắc, có vị trí trọng yếu, chiến lược về quốc phòng an ninh, phía Bắc giáp thôn Thán Sản, trấn Na Lương, khu Phòng Thành (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc). Địa hình chủ yếu là đồi núi, có độ dốc cao, cơ sở hạ tầng giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn, dân cư thưa thớt. Xã có 3 thôn (Pò Hèn, Lục Chắn và Thán Phún Xã) dân số có 330 hộ, với 1.570 nhân khẩu (tính đến ngày 30/10/2017), gồm người Kinh, Dao, Sán Chỉ (dân tộc thiểu số chiếm 86,8%).

Việc quan tâm xây dựng XHHT càng trở nên ý nghĩa hơn, trên nền tảng xây dựng nông thôn mới, bằng việc huy động các nguồn lực xã hội, chỉ 9 tháng đầu năm (tính đến ngày 10/9/2018), nhờ công tác XHH, Hải Sơn đã huy động được 394 triệu đồng cho việc xây dựng xong đường điện chiếu sáng tại thôn Thán Phún Xã với tổng chiều dài 700m, chỉnh trang sửa chữa nhà học điểm trường Mầm non Lục Chắn, xây dựng nhà vui chơi cho trẻ em thôn Lục Chắn.

Trồng cây ven đường trục chính, ngõ xóm thôn Pò Hèn và trụ sở các cơ quan, trường học. Tiếp tục chỉnh trang xóm họ Đặng, tạo cảnh quan sạch đẹp phục vụ du lịch hỗ trợ xây điểm dừng chân cho du khách, di dời chuồng trại, tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp. Đặc biệt, đã huy động được 5 hộ dân xóm Đồi Tây, thôn Pò Hèn tự nguyện hiến 5.550m2 đất nông nghiệp và trên 1.000 công lao động để xây dựng các công trình phúc lợi, bảo vệ môi trường.

Là một trong những người sinh ra và lớn lên trên đỉnh Pò Hèn, chỉ Lý Mán Lẩu, người dân tộc Sán Chỉ, tâm sự: “Qua các buổi học sinh hoạt tại TTHTCĐ, thực sự chúng tôi đã được “cần gì, học nấy”. Bà con đã có thêm kiến thức mới để trồng quế, trồng hồi, chăn nuôi gia súc gia cầm.

Nhiều chương trình bồi dưỡng ngắn hạn hết sức hữu ích, giúp cho người dân cập nhật kiến thức, bảo vệ sức khỏe gia đình, bản thân, nâng cao trình độ hiểu biết hơn về đời sống xã hội, từ đó đã vận dụng không chỉ để giảm nghèo, mà còn làm giàu và phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng cuộc sống”.

Đặc biệt đổi với người dân tộc ở vùng biên viễn, việc thêm hiểu biết về pháp luật, đã giúp người dân hiểu và làm theo pháp luật, cùng chung tay xây dựng bản làng văn hóa. Hải Sơn - Pò Hèn đang đổi thay từng ngày, hướng đến một xã hội học tập, nơi mà người dân cần gì học nấy, học mọi lúc mọi nơi khi có nhu cầu.

Bài 2: Nắng sớm sân trường

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ