Triển khai SGK lớp 1 tại Ninh Bình: Chủ động bắt nhịp yêu cầu

GD&TĐ - Gần 1 tháng triển khai Chương trình GDPT, SGK lớp 1 tại Ninh  Bình đã ghi nhận những tín hiệu tích cực trong dạy và học. Dù còn những khó khăn nhất định phải vượt qua, song giáo viên (GV) và học sinh (HS) đã bắt nhịp với đổi mới.

Cô và trò lớp 1A Trường Tiểu học Ninh Thắng (xã Ninh Thắng, huyện Hoa Lư, Ninh Bình) trong giờ luyện viết. Ảnh: NTCC
Cô và trò lớp 1A Trường Tiểu học Ninh Thắng (xã Ninh Thắng, huyện Hoa Lư, Ninh Bình) trong giờ luyện viết. Ảnh: NTCC

Cô Trần Thị Hợi – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khánh Nhạc B (xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh, Ninh Bình) cho biết: Năm học 2020 - 2021 trường có 131 HS lớp 1 chia thành 4 lớp. GV và HS dạy học theo Chương trình SGK lớp 1 mới với nhiều thuận lợi bởi SGK và các trang thiết bị đồ dùng dạy học, phần mềm hướng dẫn dạy học được trang bị đầy đủ. 

Cùng đó, GV được tập huấn dạy học SGK lớp 1 kỹ càng nên nắm chắc quy trình dạy học. Môn Tiếng Việt dù được đánh giá khó hơn song quá trình triển khai không khó khăn, vướng mắc. Mặt khác, nhà trường xác định đây là  năm đầu tiên triển khai thay sách vô cùng quan trọng nên đã ưu tiên bố trí  những GV có kinh nghiệm, chuyên môn vững vàng đứng lớp. 

Bà Phạm Thị Tuất – Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT Ninh Bình cũng cho biết: Trước khi triển khai Chương trình GDPT mới, ngành GD-ĐT Ninh Bình thực hiện theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT về công tác tuyên truyền tới phụ huynh, HS, nhà trường, GV về những đổi mới trong chương trình; tổ chức khảo sát, lấy ý kiến phụ huynh, nhà trường trong chọn SGK; tập huấn cho GV, cán bộ quản lý giáo dục về tổ chức thực hiện dạy và học theo Chương trình SGK mới. 

Từ thực tế Trường Tiểu học Khánh Nhạc B, cô Trần Thị Hợi chia sẻ: Khó khăn trước hết là đòi hỏi thiết bị dạy học phải hiện đại, mới thì triển khai đạt hiệu quả. Do đó, các trường phải ưu tiên, đầu tư nhiều hơn. Năm học này, nhà trường không có tuần HS làm quen với chương trình mà bước vào giảng dạy ngay nên chưa đạt hiệu quả mong muốn. GV dạy lớp 1 phải đầu tư thời gian để xây dựng, thiết kế từng bài giảng kỹ càng. Mỗi bài giảng phải soạn và dạy thử để tổ dự giờ đánh giá, nhận xét… sau đó rút kinh nghiệm và triển khai vận dụng cho các lớp tùy theo trình độ, điều kiện, đối tượng lớp. 

Cô Đỗ Thị Mỹ - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ninh Thắng (xã Ninh Thắng, huyện Hoa Lư, Ninh Bình) lại cho rằng: Thời gian để làm quen chưa nhiều nên việc cập nhật cái mới chưa đủ để xóa bỏ hoàn toàn thói quen, phương pháp dạy học đã ăn sâu nhiều năm trong GV. Quá trình dạy học, GV vẫn còn những ảnh hưởng phương pháp, cách thức cũ. Cùng đó, HS chuyển từ mầm non lên tiểu học chưa quen với việc chuyển từ chơi sang học… đòi hỏi GV mất nhiều thời gian hơn cho việc ổn định nền nếp, cách học.

Theo bà Phạm Thị Tuất, thời gian tới sẽ tích cực kiểm tra nắm tình hình, triển khai, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng (đặc biệt đi sâu vào sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học)… để Chương trình GDPT mới và SGK lớp 1 đạt hiệu quả cao nhất, giúp GV có tâm thế vững vàng, mỗi tiết dạy phải mang tới hứng thú, HS tiếp thu bài một cách thoải mái nhất... 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thực phẩm đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển não bộ ở trẻ. Ảnh minh họa: INT

Thực phẩm ảnh hưởng tới trí nhớ

GD&TĐ - Chế độ ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ và chiên rán, nhiều đường làm giảm khả năng học tập và trí nhớ, cũng như tăng nguy cơ viêm nhiễm.