Đời sống người dân vùng cao đổi thay nhờ xóa mù chữ

GD&TĐ - Nhờ những lớp xóa mù chữ mà người dân vùng cao ở huyện Võ Nhai (Thái Nguyên) từng bước xóa đói giảm nghèo, giúp phát triển kinh tế.

Đời sống người dân vùng cao đổi thay nhờ xóa mù chữ.
Đời sống người dân vùng cao đổi thay nhờ xóa mù chữ.

Tổ chức và duy trì lớp học xoá mù chữ tại các huyện vùng cao

Mù chữ gây ra nhiều hệ lụy, tác động xấu đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội. Bên cạnh đó, không biết chữ còn khiến người dân không tiếp thu được các kiến thức khoa học kỹ thuật mới khiến năng suất lao động, năng suất trồng trọt, chăn nuôi không cao… dẫn đến đói nghèo luôn tiềm ẩn. Từ thực tế đó, những năm qua, việc tổ chức và duy trì lớp học xóa mù chữ tại các huyện vùng cao của tỉnh Thái Nguyên là nhiệm vụ quan trọng, với mục tiêu nâng cao dân trí, xóa đói giảm nghèo, phát triển văn hóa, xã hội.

Trong 5 năm trở lại đây, tỉnh Thái Nguyên duy trì tỷ lệ trẻ đến 14 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt 99,48%; tỷ lệ huy động người khuyết tật có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục đạt 99,13%; 100% số xã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, nâng cao chất lượng và tỷ lệ các tiêu chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học; 100% đơn vị cấp xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS từ mức độ 2 trở lên...

Tại huyện miền núi Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên, những năm qua, bên cạnh việc tích cực triển khai các dự án giúp nhân dân địa phương xóa đói, giảm nghèo, huyện còn mở các lớp xóa mù chữ và tái mù chữ cho bà con nhân dân, góp phần nâng cao dân trí xoá đói giảm nghèo.

Trò chuyện với bà Phạm Thị Vân (SN: 1956) xóm Xuất Tác, xã Phương Giao, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên, bà Vân cho biết dù năm nay đã gần 70 tuổi nhưng bà Vân vẫn chưa thành thạo tiếng Việt, việc tính toán đối với bà hoàn toàn nhờ bà con xóm giềng hỗ trợ. Vừa qua huyện Võ Nhai đã mở lớp “xoá mù chữ” mức 1, 2 cho người dân. Nhận được thông tin tuyên truyền từ địa phương, bà Vân đã quyết tâm vượt khó, tham gia lớp học với mong muốn sau khi hoàn thành lớp học xóa mù chữ này, bà có thể đọc viết thành thạo, nắm được thông tin từ trên báo đài.

Bà Vân cho biết, từ khi biết chữ, làm cái gì cũng thuận lợi, bán con gà, hạt ngô, củ sắn cho người ta cũng biết tính toán, không bị nhầm như trước nữa. Mỗi lần đi làm giấy tờ không còn phải điểm chỉ nữa mà được ký tên của mình.

“Học được cái chữ, biết tiếng phổ thông, mình hiểu được cán bộ về tuyên truyền, hướng dẫn trồng trọt, chăn nuôi để làm theo, hiệu quả lắm”, bà Vân chia sẻ.

Cũng giống như bà Vân, việc cầm bút viết chữ đối với bà Lý Thị Tư khó khăn hơn nhiều so với việc làm thuê làm mướn, hay làm ruộng. Bởi tuổi đã gần 70, mắt đã kém, chân cũng đã chậm, nhưng được sự quan tâm, động viên từ chính quyền địa phương, thôn xóm và gia đình, bà Tư đã tham gia lớp "xóa mù chữ" do phòng GD&ĐT huyện Võ Nhai tổ chức.

Bà Tư chia sẻ: Gia đình thuộc hộ nghèo, thu nhập rất thấp, lại không biết đọc biết viết nên cuộc sống lại càng khó khăn hơn. Nếu biết đọc, biết viết, tôi sẽ tự tính toán, đọc tin tức cũng như có thể dạy con học, tự tin khi tham gia các hoạt động của làng xã. Quan trọng hơn, nếu biết chữ, biết số, tôi sẽ biết cách tính toán để mua bán, sắp xếp lo cho cuộc sống của bản thân và gia đình.

Bà con người DTTS được tặng đèn pin khi tham gia lớp học xoá mù chữ.

Bà con người DTTS được tặng đèn pin khi tham gia lớp học xoá mù chữ.

Từng bước nâng cao dân trí xóa đói giảm nghèo

Bà Phan Thị Phương, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên cho biết: Thực hiện công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ trên địa bàn huyện Võ Nhai, phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã phối hợp rà soát, thống kê, lập danh sách những người mù chữ ở trên địa bàn và tuyên truyền tới từng gia đình để động viên học viên, tạo điều kiện tốt nhất để họ tham gia lớp học thường xuyên và có hiệu quả.

Đến nay, toàn huyện đã chức được 16 lớp học với 315 học viên tham gia thường xuyên. Nhiều lớp học huy động được thêm cả những người đã học xong cấp tiểu học, nhưng do không thường xuyên viết, làm các phép toán... tự nguyện tham gia ôn luyện lại. Điều đó góp phần tích cực củng cố chất lượng xoá mù chữ bền vững.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên khẳng định: Xác định công tác xoá mù chữ là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm tạo nền tảng dân trí vững chắc để phát triển nguồn nhân lực, nhiều năm qua, các địa phương đã luôn quan tâm, chú trọng tới công tác phổ cập giáo dục, xoá mù chữ. Với quan điểm ở đâu có người dân thì ở đó có giáo dục, các lớp xoá mù chữ được triển khai và thực hiện ở các khu dân cư, gắn với các trường tiểu học tại địa bàn.

Hầu hết các lớp học được tổ chức vào buổi tối hoặc ngày cuối tuần. Còn đối với người học và địa điểm lớp học thì được địa phương, nơi có người học đứng ra tổ chức, quản lý... Hoạt động tổ chức lớp học chủ yếu tại các điểm nhà văn hoá và trên tinh thần tự giác, tự nguyện từ phía người học. Như vậy, các tổ chức chính trị, xã hội, trưởng thôn, xóm... có vai trò rất quan trọng trong việc vận động người học đến lớp và duy trì hoạt động học tập.

Với sự quan tâm đầu tư của tỉnh, quy mô giáo dục ngày càng phát triển cả chiều sâu và bao phủ toàn diện. Đến nay, toàn tỉnh Thái Nguyên chỉ còn 1.200 người trong độ tuổi từ 15-60 mù chữ mức độ 1 (chưa hoàn thành chương trình học lớp 3); số người mù chữ mức độ 2 (chưa hoàn thành chương trình học lớp 5) là 1.938 người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ