“Tuần sinh hoạt công dân học sinh, sinh viên” hay “Tuần sinh hoạt công dân đầu khóa” là những buổi sinh hoạt bắt buộc đối với tân sinh viên để có hiểu biết tổng quan về nhà trường, phương hướng nhiệm vụ năm học và nắm bắt các thông tin thiết yếu khác. Các nội dung về bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội cũng được nhiều trường triển khai. Ngoài ra, sinh viên còn được phổ biến quy chế học tập, sinh hoạt, chế độ, chính sách chăm sóc sức khỏe...
Tuy rất hữu ích nhưng phần lớn nội dung trên được chọn lọc và trích dẫn từ các văn bản hành chính khô khan, khiến không ít tân sinh viên cảm thấy ngán ngẩm. Liệu có cách nào truyền tải những nội dung đó mềm mại và sinh động hơn để mang lại ấn tượng, niềm vui và sự hứng khởi cho những bạn trẻ lần đầu tiên bước chân vào giảng đường đại học?
Mới đây, Trường ĐH Quốc tế, ĐHQG TPHCM đã trả lời câu hỏi đó khi phối hợp Hội đồng Anh tại Việt Nam tổ chức khai mạc khóa tập huấn mang tên “Công dân tích cực”. Chương trình được lồng ghép vào tuần Sinh hoạt công dân đầu khóa có chủ đề “Bản sắc và văn hóa”.
Dưới sự hướng dẫn của các điều phối viên, tân sinh viên được chia thành nhóm nhỏ để tham gia các hoạt động trải nghiệm mang tên: Globingo, Dòng sông học tập, Tôi và bản sắc của tôi, Hai lời nói thật - một lời nói dối, Tảng băng chìm…
Ở trò chơi “Tôi và bản sắc của tôi”, sinh viên được phát một tờ giấy trắng với yêu cầu vẽ vào đó một hình thể hiện bản thân và một trái tim. Tiếp theo, viết 5 điều bản thân quan tâm nhất vào 5 sticker rồi dán vào tờ giấy theo thứ tự ưu tiên. Khi hoàn thành, sinh viên đặt tờ giấy của mình vào giữa vòng tròn rồi cùng nhau đi quanh, đọc từng tờ giấy để “tiếp thị” bản thân và hiểu các bạn của mình.
Một điều phối viên hỏi: “Các em thấy các tờ giấy đó có điểm gì giống nhau không?”.
Đa số sinh viên bảo “không”, nhưng một bạn tinh nghịch nói: “Dạ có, các tờ giấy đều có hình trái tim”.
Điều phối viên và cả lớp cười òa: “Đúng rồi, vì chị yêu cầu vẽ hình trái tim mà. Vậy các em thấy các hình trái tim đó có giống nhau không?”.
Vẫn bạn sinh viên lúc nãy nói: “Dạ không, có bạn vẽ to, có bạn vẽ nhỏ xíu”.
- Đúng vậy, vậy các bạn có đoán được từ khóa qua trò chơi này là gì không?
- Đó là sự khác biệt! Một sinh viên trả lời. Chị điều phối viên và nhiều bạn khác mỉm cười, gật đầu đồng ý.
Cũng trò chơi đó, ở căn phòng khác, sinh viên được xem kỹ điều quan tâm của bạn mình và đứng lên chia sẻ. Một sinh viên tên Thảo nói: “Lúc đi quanh các tờ giấy, em thấy nhiều bạn chọn gia đình, công việc, bạn bè, thậm chí là “crush” là điều quan tâm nhất của mình. Nhưng em ấn tượng với một bạn ghi là “sức khỏe”. Em không ghi “sức khỏe” vào tờ giấy của mình nhưng nghĩ lại đúng là sức khỏe rất quan trọng, nếu không có sức khỏe thì mình không học nổi và cũng không làm việc gì được”.
Tiếp mạch chia sẻ, bạn Nhật cho biết: “Em viết 4 điều đầu rất đơn giản, nhưng đến điều thứ 5 - khi không còn sự lựa chọn thì em phân vân giữa “thành công” và “tiền bạc”. Có “thành công” mới có “tiền” hay có “tiền” rồi mới “thành công”? Cuối cùng em quyết định chọn “thành công””.
Cứ thế, qua mỗi trò chơi, các tân sinh viên Trường ĐH Quốc tế được nói về mình, nghe về bạn, hiểu hơn về cá tính mỗi người để dung hòa, tôn trọng nhau.
Phạm Minh Duy - sinh viên năm I Khoa Kỹ thuật Hệ thống Công nghiệp, chia sẻ: “Em rất thích các buổi học này, nó rất bổ ích. Sáng giờ em học được rất nhiều không chỉ từ nội dung bài học mà còn từ hai bạn ngồi cạnh em và cách tổ chức lớp học. Sau này, khi tổ chức chương trình em cũng sẽ bố trí người đứng trong điều phối, người đứng ngoài quan sát và có một người hướng dẫn, tư vấn như vậy”.
Sau lễ khai giảng, Viện Đào tạo Quốc tế, ĐHQG TPHCM cũng đã tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Hội nhập môi trường học tập quốc tế trong thời đại công nghiệp 4.0”. Bằng kiến thức và kinh nghiệm thực tế của mình, PGS.TS Vũ Hải Quân - Phó Giám đốc ĐHQG TPHCM, Viện trưởng Viện IEI, chia sẻ với sinh viên về tầm nhìn, mục đích và giá trị cốt lõi mà mỗi người cần đặt ra cho bản thân.
Nhiều sinh viên ghi chép những phân tích của ông để hiểu vì sao việc học chuyên ngành, học ngoại ngữ là rất quan trọng, tinh thần khởi nghiệp là gì, tinh thần học tập suốt đời là như thế nào? Phó Giám đốc ĐHQG TPHCM khẳng định: “Trí tuệ có khả năng thay đổi. Đôi khi xuất phát điểm của các em không bằng các bạn khác, nhưng nếu các em chịu cố gắng tư duy và nỗ lực thì các em có thể vượt qua các bạn và vượt qua chính bản thân mình”.
Có thể nói, việc tìm tòi những chuyên đề hay, sáng tạo môi trường giao lưu thân thiện như Trường ĐH Quốc tế, Viện Đào tạo Quốc tế và nhiều trường khác của ĐHQG TPHCM đã làm cho “Tuần sinh hoạt công dân đầu khóa” thực sự là tuần lễ gắn kết và sẻ chia…