Đổi mới tư duy dự giờ

GD&TĐ - Dự giờ là hoạt động quen thuộc trong nhà trường.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Trước đây, hai từ này với không ít giáo viên là nỗi ám ảnh, bởi dự giờ đi liền với đánh giá, xếp loại giáo viên xem dạy có đúng chuẩn kiến thức, kỹ năng, có “cháy” giáo án?... Nhìn cách trang hoàng lớp học, trang phục thầy - trò là có thể đoán một tiết dự giờ bởi sự chuẩn bị kỹ càng.

Áp lực của người dạy đến từ nỗi lo bị xếp loại thấp, sự “giám sát” của đông đảo đội ngũ dự giờ và cả các ý kiến nhận xét sau giờ học… Giờ dạy minh họa thường mang tính trình diễn nên khó có được kết quả thực chất.

Hiện nay, trong Điều lệ Trường tiểu học, trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học không quy định nhiệm vụ dự giờ của giáo viên. Quy định về hồ sơ đối với giáo viên tiểu học có “sổ ghi chép sinh hoạt chuyên môn, dự giờ”, nhưng giáo viên trung học không còn sổ này.

Dù không được “gọi tên” trực tiếp trong Điều lệ, nhưng trên thực tế dự giờ vẫn là hoạt động không thể thiếu trong sinh hoạt chuyên môn mỗi nhà trường. Có điều, cùng với sự đổi mới sinh hoạt chuyên môn thì mục đích, việc chuẩn bị bài và dạy minh họa, phương pháp, cách thức dự giờ… cũng có thay đổi.

Trong đó, điểm mới căn bản, hoạt động dự giờ không còn được dùng để làm tiêu chí đánh giá thi đua, soi xét giáo viên. Đối tượng quan sát trong giờ dạy chuyển từ giáo viên sang học sinh.

Việc góp ý giờ dạy cũng chuyển từ đánh giá xem giáo viên dạy thế nào sang học sinh học ra sao, mức độ tham gia vào tiết học thế nào, có hứng thú hay không, gặp khó khăn gì trong học tập, kết quả học có cải thiện?... Từ đó cùng tìm ra nguyên nhân, trao đổi giải pháp để tạo cơ hội cho mọi học sinh tham gia quá trình học tập, nâng cao chất lượng dạy học.

Hoạt động dự giờ, thăm lớp diễn ra qua các hình thức khá phong phú, như: Đổi mới sinh hoạt chuyên môn, sinh hoạt cụm chuyên môn; phát động phong trào hội học, hội giảng nhân những ngày lễ lớn; thi giáo viên giỏi cấp trường... Điều này góp phần tạo động lực cho giáo viên tìm tòi, nghiên cứu, xây dựng kế hoạch bài dạy, đổi mới phương pháp, sử dụng kỹ thuật dạy học tích cực.

Nhiều cán bộ quản lý, giáo viên cùng chung nhận định dự giờ cần thiết phải duy trì trong nhà trường, nếu không thực hiện nghiêm túc sẽ mất đi cơ hội tốt để giáo viên phát triển chuyên môn. Trong đó, sự đổi mới tư duy của người hiệu trưởng vô cùng quan trọng. Lãnh đạo nhà trường phải giữ vai trò chủ động trong tạo niềm tin cho giáo viên về những thay đổi tích cực của họ trong các buổi dự giờ, mối quan hệ với đồng nghiệp và cán bộ quản lý.

Tạo cơ hội cho giáo viên phát triển năng lực chuyên môn, tính sáng tạo; làm sao qua việc dạy và dự giờ, mỗi giáo viên tự rút ra bài học kinh nghiệm để giảng dạy tốt hơn. Không đánh giá xếp loại giờ dạy của giáo viên theo các tiêu chí, quy trình đã được thống nhất, quy định…

Thay đổi thói quen, hành vi là một quá trình và cần thời gian, do đó, không phải không có những trường còn tư duy cũ trong triển khai dự giờ, thăm lớp. Công tác tập huấn, chỉ đạo đổi mới sinh hoạt chuyên môn của các cấp quản lý bởi vậy cần được quan tâm hơn nữa để hoạt động dự giờ thực sự phát huy thế mạnh, giúp giáo viên phát triển chuyên môn từng ngày. Đây chính là yếu tố quyết định chất lượng dạy học, đặc biệt trong bối cảnh đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ