Với sự đổi mới và sáng tạo hiệu quả, thành công, ngành Giáo dục đào tạo Lào Cai đã nâng cao được chất lượng giáo dục, phát huy nguồn lực tinh thần, vật chất trong toàn ngành, góp phần vào đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo.
Báo GD&TĐ đã phỏng vấn ông Đặng Xuân Yên, Chủ tịch Công đoàn giáo dục Lào Cai xung quanh vấn đề đổi mới sáng tạo giáo dục tại Lào Cai.
Thưa ông, Lào Cai là một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn nhưng giáo dục được biết tới như một điểm sáng trong bức tranh giáo dục toàn quốc. Bước vào hưởng ứng phong trào Đổi mới sáng tạo trong việc dạy và học, ngành Giáo dục Lào Cai đã có những mô hình nào tiêu biểu?
Thời gian qua ngành Giáo dục Lào Cai có thực hiện chỉ đạo mô hình Nhà trường gắn với thực tiễn địa phương. Ví như ở Sa Pa chúng tôi có mô hình trường học du lịch sáng tạo.
Ở đó nhân dân địa phương cũng chính là phụ huynh hướng dẫn cho học trò làm những mặt hàng từ sản phẩm của địa phương như: thuốc tắm, thổ cẩm. Học trò giới thiệu sản phẩm với khách du lịch. Hoặc nhiều trường chọn mô hình xây dựng trường học nông trại, ứng dụng khoa học kĩ thuật, tổ chức cho học sinh trồng rau và chăn nuôi. Cụ thể tại Trường Tiểu học Bản Sen huyện Mường Khương, học sinh được cho cá ăn, cho chim bồ câu, dê ăn, tổ chức các tiết học phù hợp với nội dung.
Đến nay từ mô hình đã phát triển thành phong trào trồng rau xanh mạnh mẽ trên toàn tỉnh. Hay tại huyện Si Ma Cai đã tiến tới xây dựng vườn rau kiên cố. Nhà trường xây tường rào cẩn thận, dùng cột tốt làm thành vườn rau. Học sinh với sáng tạo là dùng những vỏ bao xi măng cho đất vào đó, trồng những khóm gừng hoặc củ cải, củ bắp xếp ở xung quanh trường. Mỗi học sinh chăm 1 cây cải bắp, chăm 1 khóm gừng… không chỉ tạo niềm vui sự thi đua cho các em, mà còn gắn với thực tiễn đời sống của nhân dân địa phương.
Một mô hình khác cũng đáng kể tới là mô hình trường học vườn đào. Ở đây các thầy cô và học sinh mang đào về trồng ở trường, đến mùa xuân đào nở sẽ tạo ra khung cảnh trường lớp đẹp đẽ, thân thiện và gắn với thực hiện đổi mới theo phát động của Bộ GD&ĐT.
Mang đặc thù của giáo dục vùng cao: Đường xá đi lại khó khăn, địa hình đồi núi chiếm diện tích lớn, các điểm trường cách xa nhau thưa thớt, việc nắm bắt kiến thức của học sinh còn hạn chế… Vậy các phong trào được triển khai ra sao để có thể mang lại hiệu quả thiết thực nhất?
Xuất phát từ một đặc điểm quan trọng của trường vùng cao là số lượng giáo viên đông trên khu vực rộng, nên chúng tôi phát động phong trào Phòng giúp phòng, trường giúp trường, các trường vùng thấp và các trường vùng cao đến với nhau cùng dự hội thảo chuyên đề. Khác với kiểm tra chuyên môn, các trường, giáo viên các trường… đến với nhau để giúp đỡ nhau nên hầu hết ai cũng cởi mở, sẵn sàng chia sẻ khó khăn vướng mắc.
Có thể thấy, phong trào này đã mang lại mục tiêu kép: người được giúp đỡ về chuyên môn, kinh nghiệm, cách thức tổ chức hoạt động tập thể, xây dựng cảnh quan trường lớp. Còn với người giúp đỡ lại được nâng cao ý thức trách nhiệm của mình khi được chứng kiến sự khó khăn của đồng nghiệp.
Ví dụ trường THCS Ngô Văn Sở của thành phố Lào Cai lên giúp đỡ trường Tả Gia Khâu của Mường Khương. Khi lên tới nơi, được tận mắt chứng kiến các đồng nghiệp, học sinh thiếu nước khi quay trở về đã vận động gửi téc đựng nước bằng inox lên cho đồng nghiệp và học sinh sử dụng. Những phong trào này đã nâng lên mức độ thầy giúp thầy, thầy giúp trò, trò giúp trò, phụ huynh giúp phụ huynh.
Sáng tạo đổi mới trong ngành Giáo dục Lào Cai còn được thể hiện qua nhiều hoạt động thiết thực khác. Chẳng hạn, với việc ôn thi cho học sinh tham gia kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, chúng tôi đang có trên 70 lượt giáo viên vùng thấp xung phong lên dạy ôn tập cho học sinh vùng cao hàng tháng.
Đã có một số thầy giáo tình nguyện từ thành phố Lào Cai lên tận Mường Khương, Sa Pa dạy học 3 năm liền. Trước đây khi chưa hưởng ứng phong trào đổi mới sáng tạo của ngành Giáo dục thì các nhà trường vẫn có sự giúp đỡ lẫn nhau nhưng chỉ dừng lại ở mặt vật chất. Từ lúc tham gia vào phong trào đổi mới sáng tạo của ngành Giáo dục, và lấy chuyên môn làm nòng cốt thì kết quả giáo dục đã vượt lên ngoài mong đợi…
Từ kinh nghiệm đổi mới sáng tạo ngành Giáo dục Lào Cai, theo ông muốn đổi mới sáng tạo trong việc dạy và học ở vùng cao cần những yếu tố căn bản nào? Ông có thể chia sẻ một vài kinh nghiệm của giáo dục Lào Cai với các địa phương vùng cao khác có thể áp dụng?
Ngay từ cơ quan quản lý Sở GD&ĐT đã nhìn thấy đổi mới ở vùng cao là rất khó khăn vì vậy chúng tôi rất kiên trì, bằng những việc làm cụ thể, để trường học gắn với cuộc sống thực tiễn của nhân dân. Cùng đó, các thầy cô phải nỗ nực đổi mới phương pháp dạy học, giảm tải để phù hợp cho các em nắm được chuẩn kiến thức. Mặt khác, áp dụng nhiều cách làm sáng tạo vì học sinh. Ví dụ như mô hình thư viện thân thiện có thể ở ngay trong lớp học, có thể ở sân trường, và ngay cả khi ra chơi các em cũng được tiếp cận với Thư viện.
Hoặc là những ví dụ giúp các em học tập tốt hơn. Hay tại trường phổ thông số 4 huyện Văn Bàn có phong trào 50 xe đạp cho học sinh xa trường, nghĩa là có xe đạp cho các em cách trường từ 5-10km được mượn. Số xe đó cuối năm lại tiếp tục được sửa chữa cho các em khác mượn. Đến nay số lượng đầu xe dành cho học sinh được mượn để tới trường đã lên tới con số hơn 100 xe.
Như vậy sự đổi mới trong giáo dục đã tác động đến từng người, tạo điều kiện cho nhiều học sinh được học tập tốt hơn. Trong quá trình đổi mới có sự tham gia rất mạnh mẽ của phụ huynh, nhiều trường phụ huynh còn đến học với con em mình để hiểu quá trình đổi mới như thế nào, tạo ra sự đồng thuận chia sẻ.
Ngành Giáo dục đào tạo Lào Cai có quan điểm: phải đổi mới mới có hiệu quả bởi sự đổi mới khá gần gũi và cần thiết với học trò, giáo viên và các nhà trường. Cũng từ sự đổi mới mà chúng tôi đã thực hiện chương trình trường học mới một cách linh hoạt và không phủ nhận phương pháp giáo dục truyền thống. Tôi nghĩ rằng ở vùng cao cần có sự đổi mới toàn diện. Dần dần từng bước sẽ giúp giáo viên và học sinh có sự đổi mới cụ thể.
Giai đoạn tới ngành Giáo dục đào tạo Lào Cai vẫn tập trung tăng cường tuyên truyền để tiếp tục tạo ra sự đồng thuận và quyết tâm đổi mới. Mặt khác sẽ tổ chức cho học sinh theo hướng tự nghiên cứu, để học sinh có cách học hiệu quả dưới sự hướng dẫn của thầy cô giáo, và cùng đó huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với ngành Giáo dục.
Có thể nói các phong trào đổi mới sáng tạo trong giáo dục như: “Phòng giúp phòng, trường giúp trường”… được khởi phát từ Lào Cai là hướng đi đúng, có sức lan tỏa mạnh mẽ. Đây có thể là kinh nghiệm để giáo dục các địa phương vùng cao khác có thể tham khảo, triển khai nhân rộng.
Xin cảm ơn ông!