Đổi mới phương thức bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục

GD&TĐ - Trước yêu cầu đổi mới toàn diện của GD-ĐT thì phương thức bồi dưỡng cán bộ quản lý cũng phải đổi mới để phù hợp với điều kiện thực tiễn và khắc phục những hạn chế của công tác bồi dưỡng trong thời gian qua để nâng cao hiệu quả công tác bồi dưỡng.

Vận dụng triệt để ưu thế của công nghệ thông tin vào công tác bồi dưỡng Ảnh: Minh Phong
Vận dụng triệt để ưu thế của công nghệ thông tin vào công tác bồi dưỡng Ảnh: Minh Phong

TS Hoàng Thị Hạnh - Giám đốc Trung tâm Nghiệp vụ sư phạm (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2) nhấn mạnh điều này trong bài tham luận của mình tại Hội thảo Chuẩn hiệu trưởng và phát triển chương trình, tài liệu, bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông.

Công tác bồi dưỡng vẫn còn những hạn chế

Theo TS Hoàng Thị Hạnh, công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý trong thời gian qua vẫn còn những hạn chế. Cụ thể: Nội dung bồi dưỡng mang tính đồng loạt, chỉ xuất phát từ nhu cầu của công tác quản lý, chưa thực sự xuất phát từ nhu cầu của học viên nên chưa phát huy được hứng thú, tích cực của học viên.

Hình thức bồi dưỡng chủ yếu là bồi dưỡng tập trung, trực tiếp, theo bậc thang (Giảng viên bồi dưỡng cho cán bộ cốt cán cấp tỉnh, cốt cán cấp tỉnh bồi dưỡng cho cốt cán cấp huyện hoặc đại trà cho giáo viên và cán bộ quản lý ở địa phương...).

Hình thức bồi dưỡng qua nhiều tầng bậc dẫn đến nội dung bồi dưỡng bị rơi rụng, “Tam sao thất bản”. Việc tập trung số lượng lớn người học tại một địa điểm với lượng thời gian nhất định nên khó đảm bảo chất lượng, nhiều khi còn mang tính hình thức.

Phương pháp bồi dưỡng chưa coi trọng việc tự học, tự nghiên cứu của học viên; việc kiểm tra, đánh giá kết quả bồi dưỡng chưa được quan tâm; việc động viên, hỗ trợ học viên có kết quả bồi dưỡng tốt cũng chưa được chú ý nên người học có tâm lý ỷ lại, thụ động, tiếp thu nội dung bồi dưỡng một chiều. Mặc dù Khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin phát triển nhưng sự vận dụng điều này trong công tác bồi dưỡng chưa được quan tâm đúng mức.

Phương thức bồi dưỡng cán bộ quản lý cũng phải đổi mới để phù hợp với điều kiện mới. Ảnh: Minh Phong
Phương thức bồi dưỡng cán bộ quản lý cũng phải đổi mới để phù hợp với điều kiện mới. Ảnh: Minh Phong

Đổi mới phương thức bồi dưỡng

Đề cập đến vấn đề làm thế nào để đổi mới phương thức bồi dưỡng? TS Hoàng Thị Hạnh - cho rằng, cần tiếp tục tuyên truyền, quán triệt về ý thức và trách nhiệm của mỗi cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đối với việc thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng để không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên, năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ quản lý trong môi trường phát triển liên tục và bền vững của cả hệ thống và mỗi cơ sở giáo dục.

Đồng thời đổi mới công tác bồi dưỡng theo hướng chú trọng quá trình tự học, tự bồi dưỡng tại chỗ, bồi dưỡng qua công việc hàng ngày của cán bộ quản lý cơ sở giáo dục. Cần xây dựng mỗi nhà trường, mỗi tổ chuyên môn trở thành một đơn vị học tập, biết học hỏi theo phương châm “học thày không tày học bạn”, nhà giáo là những người gương mẫu về học tập suốt đời, góp phần xây dựng xã hội học tập.

Cùng với đó, cần xây dựng, cập nhật nội dung bồi dưỡng phục vụ yêu cầu bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng theo các yêu cầu của đổi mới giáo dục để nâng cao phẩm chất và năng lực cho cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, bồi dưỡng đáp ứng tiêu chuẩn từng chức danh nghề nghiệp.

Mặt khác, vận dụng triệt để ưu thế của công nghệ thông tin vào công tác bồi dưỡng. Tận dụng website “Trường học kết nối” và các cổng thông tin điện tử khác có chức năng tổ chức bồi dưỡng để triển khai thực hiện các hoạt động bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên và cán bộ quản lý.

Kết hợp bồi dưỡng qua mạng internet với bồi dưỡng tập trung để trong cùng một thời điểm có thể bồi dưỡng cho một số lượng lớn người học, đặc biệt, người học được trực tiếp tương tác, trao đổi, thảo luận đặt ra những vấn đề vướng mắc với giảng viên thông qua hệ thống đường truyền internet.

"Việc sử dụng phương thức bồi dưỡng tập trung chỉ dành cho những vấn đề mới, khó, những nội dung yêu cầu về thực hành phương pháp, kỹ thuật dạy học. Xây dựng hệ thống tài liệu bồi dưỡng dưới dạng: Tài liệu bản in, bài giảng bản word, bài giảng PowerPoint, video clip, đĩa VCD, cẩm nang hỏi đáp...

Tài liệu này vừa được in, phát (theo phương thức tập trung) vừa đưa lên mạng internet (theo phương thức trực tuyến). Tăng cường các hình thức bồi dưỡng thông qua các hoạt động sinh hoạt tổ chuyên môn như: nghiên cứu bài học, nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng..." - TS Hoàng Thị Hạnh trao đổi.

TS Hoàng Thị Hạnh cũng đề xuất, cần xây dựng nhân lực phục vụ công tác bồi dưỡng gồm: đội ngũ tác giả biên soạn tài liệu, học liệu bồi dưỡng; Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục cốt cán/tư vấn của địa phương và tập huấn cho đội ngũ này trở thành đầu mối trong việc tổ chức, hướng dẫn trong các hoạt động bồi dưỡng ở cơ sở; Xây dựng đội ngũ kỹ thuật viên có năng lực công nghệ thông tin tại các cơ sở giáo dục và đào tạo để có thể hỗ trợ học viên trong quá trình bồi dưỡng.

Phát huy vai trò của hệ thống trung tâm giáo dục thường xuyên trong công tác kết nối người dạy với người học để tổ chức các lớp học bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý.

Ngoài ra, cần nâng cấp đường truyền, bổ sung trang thiết bị phục vụ cho hoạt động in ấn tài liệu, sản xuất học liệu, bồi dưỡng trực tuyến, tạo diễn đàn, website bồi dưỡng qua mạng internet.

"Cần hoàn thiện các chế tài quy định đối với công tác bồi dưỡng đội ngũ, trong đó quy định cụ thể về mối quan hệ, trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ của cơ sở đào tạo giáo viên, của cơ sở giáo dục phổ thông, của giáo viên học bồi dưỡng; quy định về cách thức kiểm tra, đánh giá hiệu quả bồi dưỡng; quy định về khen thưởng, kỷ luật, động viên, khuyến khích kịp thời những cá nhân tích cực tham gia công tác bồi dưỡng" - TS Hoàng Thị Hạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ