Cần sự tận tâm, linh hoạt của người thầy

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, học sinh vùng khó cần được nghe tiếng Anh từ giáo viên và được có cơ hội giao tiếp bằng tiếng Anh trên lớp với tất cả sự linh hoạt, tận tâm, sinh động của người giáo viên tiếng Anh. Theo đó, nhiều giáo viên, chuyên gia đề xuất giải pháp nhằm nâng cao chất cho dạy - học tiếng Anh vùng khó.

Giáo viên tiếng Anh phải có khả năng điều chỉnh tiếng Anh trên lớp sao cho dễ hiểu. Ảnh minh họa/internet
Giáo viên tiếng Anh phải có khả năng điều chỉnh tiếng Anh trên lớp sao cho dễ hiểu. Ảnh minh họa/internet

Nhiều điều giáo viên cần có...

Sau mỗi tiết sinh hoạt chuyên môn, chúng tôi ngồi lại cùng nhau góp ý, trao đổi những kinh nghiệm và rút ra cách dạy chung. Từ đó, tự tin khai thác bài cùng loại hình cho lần dạy sau. Những khó khăn ban đầu dần được tháo gỡ. Chúng tôi đã định hướng được những điểm chung trong chương trình và cho từng bài cụ thể, từng phần cụ thể.
Thầy Nguyễn Hữu Đức

Theo TS. Hà Văn Sinh - giảng viên chính, Khoa Ngoại Ngữ - Trường đại học Bà Rịa – Vũng Tàu: Để học sinh vùng khó không phải dùng tiếng Việt như một thứ ngôn ngữ trung gian có thể tiếp thu tiếng Anh, giáo viên tiếng Anh cần là những người sử dụng tiếng Anh giỏi trong cuộc sống, trong giao tiếp với người nước ngoài, đặc biệt sử dụng tiếng Anh lớp học có hiệu quả.

Việc này đòi hỏi giáo viên tiếng Anh phải có khả năng điều chỉnh tiếng Anh trên lớp sao cho dễ hiểu, phù hợp với năng lực hiện có của học sinh mà không phải dựa vào việc sử dụng tiếng Việt hoặc tiếng mẹ đẻ của học sinh dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, cần sử dụng tất cả các trang thiết bị nghe nhìn, dụng cụ trực quan có thể có để giải thích – hướng dẫn học sinh. Đây là cách giúp giáo viên tiếng Anh tránh được việc phải chuyển đổi từ một ngôn ngữ 2 sang tiếng mẹ đẻ rồi từ tiếng mẹ đẻ sang ngôn ngữ 2 rồi sau đó mới đến tiếng Anh như ngôn ngữ thứ 3.

Trong phạm vi lớp học, một nhận thức đúng về yếu tố người học giáo viên tiếng Anh cũng có thể góp phần thúc đẩy hiệu quả dạy – học tiếng Anh tại các vùng khó. Không để khó khăn càng lớn hơn khi bắt học sinh vùng khó phải dùng tiếng Việt như một ngoại ngữ làm trung gian cho việc học tiếng Anh; phải hỗ trợ và kích thích động cơ học tiếng Anh bằng sự đam mê, tận tâm và sinh động của giáo viên tiếng Anh.

Từ kinh nghiệm thực tế của nhà trường, thầy Nguyễn Hữu Đức - Trường THCS Giá Rai B, thị xã Giá Rai (Bạc Liêu) - cho biết: Một trong những giải pháp để nâng cao chất lượng dạy - học tiếng Anh vùng khó đó là: Tổ chức sinh hoạt chuyên môn giữa các trường nhằm chia sẽ những kinh nghiệm, tài liệu, bàn bạc, giúp nhau giải quyết những khó khăn gặp phải trong thời gian qua, dự kiến các phương án cho thời gian tới.

"Sinh hoạt chuyên môn chính là cơ hội để chúng tôi có thêm tài liệu được chia sẻ, các khó khăn được cùng nhau bàn bạc để tháo gỡ. Chúng tôi đã tổ chức các chuyên đề xoay quanh công tác giảng dạy sách thí điểm. Phân công nhau dạy từng phần như: Getting started, A Closer Look, Communication… " - thầy Nguyễn Hữu Đức chia sẻ.

Xây dựng đội ngũ cốt cán ngoại ngữ theo tuyến cấp tỉnh, cấp huyện đủ năng lực hướng dẫn, giúp đỡ, tổ chức các hoạt động chuyên môn tại mỗi địa bàn. Ảnh minh họa/internet
Xây dựng đội ngũ cốt cán ngoại ngữ theo tuyến cấp tỉnh, cấp huyện đủ năng lực hướng dẫn, giúp đỡ, tổ chức các hoạt động chuyên môn tại mỗi địa bàn. Ảnh minh họa/internet

Xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán

Tại tỉnh Lào Cai, giải pháp mà Sở GD&ĐT đưa ra đó là: Thường xuyên rà soát, phân loại giáo viên theo chuẩn năng lực ngoại ngữ của cấp học.

Qua đó, nhằm tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực cho giáo viên. Trong đó, ưu tiên chỉ tiêu bồi dưỡng giáo viên tiểu học nhằm nhanh chóng phát triển chương trình mới ở tiểu học tạo nền tảng cho THCS, THPT. Tạo điều kiện, tận dụng mọi cơ hội để giáo viên tiếp cận với giáo viên và người bản địa.

Ngoài ra, xây dựng đội ngũ cốt cán ngoại ngữ theo tuyến cấp tỉnh, cấp huyện đủ năng lực hướng dẫn, giúp đỡ, tổ chức các hoạt động chuyên môn tại mỗi địa bàn. Bố trí, sắp xếp, phân công nhiệm vụ theo năng lực. Ưu tiên bố trí giáo viên đạt chuẩn năng lực về các trường vùng thuận lợi để phát triển chương trình 10 năm trước.

Mặt khác, sở GD&ĐT chỉ đạo mỗi PGD&ĐT có 1 cán bộ chuyên môn tiếng Anh; xây dựng đội ngũ cốt cán ở cả tuyến huyện và tuyến tỉnh nhằm từng bước tiến tới xây dựng biên chế lớp học ngoại ngữ với số lượng khoảng 30 học sinh/lớp.

Triển khai chương trình mới từ vùng thuận lợi rồi nhân rộng ra vùng khó khăn như: Thành phố, thị trấn, thị tứ, các huyện du lịch như Sa Pa, Bắc Hà... Đồng thời tăng cường, bổ trợ ngoại ngữ ở những vùng này.

Cùng với đó là, đẩy mạnh công tác xã hội hoá, thu hút sự đóng góp của toàn xã hội cho công tác dạy và học ngoại ngữ ở các nhà trường. Khuyến khích và phát triển mạnh các trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ