Đổi mới phương pháp để bài giảng Lịch sử gần gũi với học trò

GD&TĐ - Để môn Lịch sử sinh động, gần gũi với học trò, nhiều giáo viên ở Thanh Hóa đã không ngừng đổi mới phương pháp dạy môn học này.

Cô Trương Thị Thương, Trường THPT Quan Hóa (Thanh Hóa) cùng học trò trong Lễ khai giảng năm học 2022-2023.
Cô Trương Thị Thương, Trường THPT Quan Hóa (Thanh Hóa) cùng học trò trong Lễ khai giảng năm học 2022-2023.

Không ngừng tìm tòi, đổi mới phương pháp

Dù mới là tuần thứ 2 của năm học, song giờ học Lịch sử của lớp 10B4, Trường THPT Triệu Sơn 4 (Triệu Sơn, Thanh Hóa) vô cùng sôi nổi với nhiều hoạt động trao đổi, tương tác rất thú vị.

Hòa mình vào các hoạt động, em Nguyễn Thị Minh Ngọc (lớp 10B4) hồ hởi, chia sẻ: “Em thấy giờ học Lịch sử của lớp rất nhẹ nhàng và không hề nhàm chán. Chúng em được tham gia nhiều hoạt động trao đổi kiến thức ngay trên lớp. Thú thật, Lịch sử cũng là môn học em yêu thích nhất”.

Để bài giảng Lịch sử sinh động và gần gũi với học trò, cô Ninh Thị Cúc (Trường THPT Triệu Sơn 4) luôn dành thời gian tìm tòi, đổi mới phương pháp giảng dạy. Đặc biệt, nữ giáo viên cũng soạn giáo án theo hướng giúp học sinh có thể dễ dàng tiếp cận với môn học.

“Đối với chương trình Lịch sử lớp 10 mới thiên nhiều về hoạt động của học sinh và theo quan điểm của tôi, thì có phần hơi quá tải với các em. Bởi, kiến thức thiên về lý luận, nghiên cứu Lịch sử nhiều hơn là tìm hiểu Lịch sử.

Đây cũng là thách thức đối với giáo viên giảng dạy, vì phải làm thế nào để biến những kiến thức hàn lâm trở nên giản dị, đời thường giúp học trò tiếp thu một cách nhẹ nhàng nhất”, cô Cúc bộc bạch.

Cô Ninh Thị Cúc (Trường THPT Triệu Sơn 4) bên các cựu học sinh đạt điểm 10 môn Sử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022.
Cô Ninh Thị Cúc (Trường THPT Triệu Sơn 4) bên các cựu học sinh đạt điểm 10 môn Sử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022.

Ngoài việc ứng dụng công nghệ thông tin để sưu tầm những tư liệu lịch sử, nữ giáo viên Trường THPT Triệu Sơn 4 còn lồng ghép các câu chuyện lịch sử, thậm chí cả văn, thơ gắn với từng giai đoạn lịch sử để bài giảng thêm sinh động, lôi cuốn.

Bên cạnh đó, cô Cúc cũng áp dụng phương pháp giảng dạy truyền thống như sử dụng sơ đồ tư duy, trình bày bài giảng bằng giáo án điện tử. Đồng thời, chia lớp học thành các nhóm, để học sinh trao đổi, thảo luận kiến thức.

“Tôi cảm nhận được sự hào hứng của học trò đối với giờ học của mình. Trong quá trình dạy, tôi cũng thường chia lớp thành từng nhóm để các em được chủ động trao đổi, thảo luận kiến thức, vì thế không khí lớp học cũng sôi nổi”, cô Cúc chia sẻ.

Năm học 2022-2023, cô Cúc được phân công giảng dạy 3 lớp khối 10, 3 lớp khối 12 và 1 lớp khối 11. Chia sẻ về mục tiêu trong năm học này, nữ giáo viên bày tỏ, sẽ tiếp tục duy trì kết quả đã đạt được ở năm học 2021-2022. Đồng thời, phấn đấu nâng thứ hạng ở kỳ thi học sinh giỏi diễn ra sắp tới.

“Với học sinh lớp 10, tôi cũng đã có kế hoạch theo dõi, tiếp cận để tìm kiếm nhân tố. Tôi đặc biệt lưu ý những học sinh có niềm đam mê với Lịch sử, khả năng phản ứng nhanh nhạy,... Từ đó, lập danh sách và lên kế hoạch bồi dưỡng sớm”, cô Cúc cho hay.

Học sinh là trung tâm

Trường THPT Quan Hóa với đặc thù là trường vùng cao, tỷ lệ học sinh là con em đồng bào dân tộc dao động khoảng 75%. Vì vậy, việc áp dụng phương pháp giảng dạy phù hợp để học trò dễ dàng tiếp cận với môn học luôn là trăn trở của nhiều giáo viên.

Với kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy, cô Trương Thị Thương luôn tìm tòi, đổi mới phương pháp. Đặc biệt, nữ giáo viên chú trọng phân loại nhóm học sinh để áp dụng phương pháp giảng dạy phù hợp, từ đó giúp các em tiếp thu kiến thức một cách hiệu quả.

Đối với học sinh chỉ có nhu cầu ôn thi tốt nghiệp, cô Trương Thị Thương cung cấp những kiến thức cơ bản, cốt lõi. Trong khi với những học trò có nhu cầu xét tuyển đại học, cao đẳng, nữ giáo viên sẽ giảng dạy theo hướng mở rộng và nâng cao kiến thức.

Cô giáo Trương Thị Thương (bên phải) và em Hà Thị Tâm, cựu học sinh đầu tiên đạt điểm 10 môn Sử của nhà trường ở kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022.

Cô giáo Trương Thị Thương (bên phải) và em Hà Thị Tâm, cựu học sinh đầu tiên đạt điểm 10 môn Sử của nhà trường ở kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022.

“Ngoài kiến thức cơ bản, tôi còn sưu tầm video, hình ảnh, tư liệu để trình chiếu nhằm giúp các em hiểu rõ hơn về lịch sử hào hùng của dân tộc. Đồng thời, lập các nhóm trao đổi trên mạng xã hội để giao bài tập và trao đổi vướng mắc vừa giúp học sinh củng cố kiến thức, vừa tạo sự gần gũi giữa cô và trò”, cô Thương chia sẻ.

Bên cạnh đó, nữ giáo viên trường vùng cao còn tổ chức các hoạt động nhóm trong các tiết học để học sinh tích cực hơn trong việc học. Bằng sự nỗ lực cố gắng của cả cô và trò, sự quan tâm của Ban giám hiệu nhà trường, kết quả thi môn Lịch sử đã có sự chuyển biến qua các năm học.

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, điểm trung bình môn thi này của nhà trường đạt 5,7 điểm, tăng 1,4 điểm so với năm trước. Ngoài ra, nhà trường cũng ghi nhận trường hợp học sinh đầu tiên đạt điểm 10 môn Lịch sử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua.

Ngoài ra, lớp 12B5 do cô Ninh Thị Cúc làm chủ nhiệm, có tới 42/44 học sinh đạt điểm giỏi môn Sử, trong đó có 30 em đạt từ điểm 9 trở lên.

"Đối với yêu cầu của Chương trình mới, nhà trường đã cử giáo viên tham gia đợt tập huấn đầy đủ theo quy định của Sở GD&ĐT. Riêng môn Lịch sử có thời lượng 52 tiết/năm học, nhà trường hiện phân bổ 1 tiết học/tuần ở học kỳ 1 và 2 tiết/tuần ở học kỳ 2.

Trong năm học này, Ban giám hiệu cũng trao đổi, chia sẻ với giáo viên để giữ vững thành tích đã đạt được ở môn Lịch sử tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT của năm học vừa qua, Trường THPT Triệu Sơn 4 đạt 13 điểm 10 môn Sử, điểm trung bình môn đạt 8,4 điểm, cao thứ nhì tại Thanh Hóa", thầy Trần Quốc Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Triệu Sơn 4 (Triệu Sơn, Thanh Hóa).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.