Hội quán cải lương của thầy giáo “nuôi mộng” nghệ thuật

GD&TĐ - Trong nghệ thuật, không gì thuyết phục người học hơn một người thầy có các sản phẩm nghệ thuật cụ thể.

Giảng viên, đạo diễn Nguyên Đạt chỉ đạo dàn dựng cho các sinh viên.
Giảng viên, đạo diễn Nguyên Đạt chỉ đạo dàn dựng cho các sinh viên.

Đạo diễn Nguyên Đạt - Trưởng khoa Kịch hát dân tộc Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TPHCM là một nghệ sĩ được giới sinh viên nghệ thuật mong mỏi. Mới đây, anh đã khai trương Hội quán Sân khấu Sen Việt để những người yêu cải lương có thể tìm đến giao lưu, cùng nhau ngân nga gìn giữ mạch ngầm văn hóa dân tộc.

Sân chơi cải lương

Giấc mộng cải lương được ví như ngọn lửa trong sự nghiệp hoạt động nghệ thuật của đạo diễn Nguyên Đạt. Anh nói rằng, để tạo thêm sân chơi cho nghệ sĩ và khán giả giao lưu, hội quán như một “phòng trà” hoặc một sân khấu mini dùng để tổ chức hoạt động vào những ngày trong tuần, riêng cuối tuần biểu diễn các vở cải lương đặc sắc.

Dù hội quán mới được khai trương, nhưng có nhiều khán giả là trí thức, kỹ sư, nhà giáo, bác sĩ… ghé thăm vì một tình yêu với cải lương. Họ lên sân khấu đăng ký tham gia ca cải lương, bài vọng cổ và hát những ca khúc mang âm hưởng dân ca.

Mô hình “cải lương phòng trà” đã từng xuất hiện hàng chục năm về trước như Tiếng Xưa, Nam Quang, WE, với sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ cải lương nổi tiếng. Tuy nhiên, Nguyên Đạt muốn làm theo cách khác gần gũi hơn cho cả nghệ sĩ lẫn công chúng. Vì vậy, anh sắp xếp chỗ ngồi gần hơn với sân khấu với 70 ghế xen lẫn với những chiếc bàn nhỏ.

Không bán vé, khách chỉ mua nước uống để thưởng thức cải lương, xen lẫn vài bài nhạc trẻ, bolero, và cuối cùng là có thể lên hát giao lưu cùng cùng nghệ sĩ.

Đạo diễn Nguyên Đạt nói rằng, nhiều người có nhu cầu hát cải lương, nhưng thiếu vắng không gian. Hội quán đáp ứng điều đó khiến công chúng càng yêu cải lương hơn, đó cũng là cách giữ gìn văn hóa truyền thống.

“Chúng tôi đã cố, luôn mong sự đồng tâm, đồng hành, chia sẻ. Chặng đường phía trước sẽ không ít thách thức khó khăn, cần phải cố gắng nhiều hơn trong từng bước đi nhằm gắn kết và tiếp cận khán giả, những người yêu thương nghệ thuật sân khấu dân tộc đặc trưng Nam Bộ”, đạo diễn Nguyên Đạt cho hay.

Đặc biệt hơn, hội quán cải lương còn là “đất diễn” cho các học viên trẻ rèn nghề, đào tạo đội ngũ kế thừa của sân khấu cải lương. Bởi trong nghệ thuật, khi các bạn trẻ chưa “lành nghề”, chưa nổi tiếng, rất khó để tìm được sàn diễn cho mình. Nguyên Đạt tạo ra sân chơi này để rèn giũa, đồng thời phát hiện thêm những tài năng sân khấu để bồi đắp.

Anh cho biết, nếu không quan tâm đến thế hệ kế thừa thì cải lương lấy ai biểu diễn? Và không có những ngày chập chững thì lấy đâu nghệ sĩ? Chịu khó trồng cây thì mới có ngày hái quả, chịu cực khổ rèn luyện mới gặt hái thành công.

Thầy giáo “truyền nghề” nghệ thuật

“Xuất thân trong một gia đình nhà giáo, nhưng tôi lại “nuôi mộng” làm nghệ sĩ. Đến hôm nay, dù không trở thành ngôi sao sân khấu như mong ước ban đầu nhưng cái gặt hái được có lẽ còn hơn thế. Tôi vẫn là nghệ sĩ gắn bó với sân khấu và trao truyền ngọn lửa đam mê cho các bạn trẻ trong vai trò một người thầy”. Đạo diễn Nguyên Đạt

Xuất thân trong một gia đình nhà giáo ở Cần Thơ, thập niên 1980 khi sân khấu cải lương phát triển trực rỡ, Nguyên Đạt lúc đó hãy còn là cậu bé học cấp 2 nhưng đã rất mê cải lương.

Năm 15 tuổi, Nguyên Đạt quyết định khăn gói lên TPHCM theo đuổi đam mê ấy bằng cách ban ngày tiếp tục học phổ thông, ban đêm theo học lớp đào tạo ở Trường Nghệ thuật Sân khấu 2.

Anh giấu gia đình ước mơ làm nghệ sĩ, dù bản thân không có hơi ca. Học xong phổ thông, Nguyên Đạt vẫn thi và quyết tâm theo nghề. “Tuy không mạnh về ca nhưng lại có năng khiếu về vũ đạo và kỹ thuật biểu diễn tốt, nên tôi được các thầy cô nhờ phụ giảng, thị phạm về vũ đạo trên lớp và tập huấn cho các đoàn chuyên nghiệp”, đạo diễn Nguyên Đạt cho hay.

Ra trường, nhờ các nghệ sĩ đàn anh đàn chị động viên, chỉ dẫn, nghề dạy nghề và sự năng động, kiên trì của bản thân mà anh vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất để tồn tại trên sân khấu. Vì “nuôi mộng” nghệ sĩ nên Nguyên Đạt rất chịu khó: Sáng đọc quảng cáo, trưa tập vũ đạo, chiều tiếp tục đọc quảng cáo, tối ra sân khấu hát ca nhạc, diễn hài.

Bước chân vào nghề được khoảng 2 năm thì sân khấu cải lương sa sút, có những lúc đoàn hát nghỉ diễn, phải trôi dạt theo các gánh lô tô kiếm sống. Được thầy cô động viên, Nguyên Đạt trở về TPHCM làm kép 3 ở đoàn Huỳnh Long.

Sau đó Nguyên Đạt đi học đạo diễn, tìm hướng rẽ mới cho con đường nghệ thuật đầy gian nan của mình. Đây cũng là giai đoạn Nguyên Đạt bùng nổ năng lực lao động và khả năng sáng tạo để sống được với nghề. Anh đã tích lũy mọi kỹ năng cần thiết trong quá trình học đạo diễn và 8 năm trợ giảng ở trường.

Đến khi trở thành giảng viên chính thức của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TPHCM, ý thức được mình đã là một người thầy, một nhà giáo, Nguyên Đạt cũng dừng những hoạt động khác mà tập trung nâng cao năng lực giảng dạy.

Anh cho rằng, trong nghệ thuật không gì thuyết phục người học hơn một người thầy có các sản phẩm nghệ thuật cụ thể. Bởi vậy, mỗi sản phẩm sân khấu đều là những bài học mà Nguyên Đạt đã trải qua trong suốt thời gian làm một nghệ sĩ thực thụ.

“Tôi muốn sinh viên cùng tham gia ở tất cả các khâu để hiểu được quá trình hình thành một tác phẩm. Sinh viên phải biết được nỗi vất vả của nhân viên hậu đài, người treo băng rôn, phát tờ rơi quảng cáo, người bán vé, giao vé, phụ trách phục trang… Trước khi có được những vai diễn thực sự thì các em phải biết học hỏi từ trong cánh gà, từ những vai quần chúng”, đạo diễn Nguyên Đạt chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ