Lần đầu tiên các nghệ sĩ cải lương phải học diễn xiếc, còn các nghệ sĩ xiếc phải diễn cải lương. Các thủ pháp nghệ thuật ước lệ của cải lương sẽ được “thực hóa” bằng nghệ thuật xiếc.
Từ nhu cầu đổi mới...
Có thể thấy, thời gian qua nhiều sân khấu cải lương lớn, nhỏ đã tìm nhiều cách phục hồi và phát triển nhưng “chất” vẫn chưa đi liền với “lượng”.
Có những vở diễn được đầu tư lớn nhưng chưa đồng bộ, đến khi lên sân khấu vẫn phải… ngóng người xem. Không riêng cải lương mà các loại hình nghệ thuật truyền thống đều phải chịu sự cạnh tranh gay gắt của các loại hình giải trí hiện đại và nghệ thuật xiếc cũng không ngoại lệ.
Vấn đề không phải cải lương, xiếc, hay các loại hình nghệ thuật truyền thống khác đã hết thời, mà bởi nhiều vở diễn lên sân khấu đã sáo mòn, thiếu độc đáo, thiếu những yếu tố mới mẻ nên không được công chúng đón nhận.
Để thu hút người xem, sân khấu truyền thống cần đổi mới trong từng vở diễn, trong tư duy thường xuyên của mỗi đạo diễn, nghệ sĩ, người làm nghệ thuật truyền thống.
Thời gian gần đây, nhiều sự kết hợp, sáng tạo, thử nghiệm đã được các nghệ sĩ cải lương nỗ lực thực hiện nhằm kéo khán giả trở lại với nghệ thuật cải lương. Trong những nỗ lực đó, những thông tin ban đầu về một tác phẩm cải lương có sự kết hợp giữa cải lương và xiếc đang gây tò mò, hứng thú đối với các nghệ sĩ và công chúng.
Dù mới đang ở giai đoạn tập luyện, dàn dựng nhưng dự án kết hợp giữa cải lương và xiếc do Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã thu hút được sự quan tâm, tò mò của nhiều nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu, phê bình nghệ thuật sân khấu và công chúng.
Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, đạo diễn, NSND Triệu Trung Kiên cho biết: “Dự án kết hợp cải lương và xiếc do Nhà hát Cải lương Việt Nam phối hợp cùng Liên đoàn Xiếc Việt Nam xuất phát từ đòi hỏi đổi mới để thu hút khán giả. Hằng năm, nhà hát phải nghĩ và làm cái gì để thu hút được khán giả trong một bối cảnh rất khó cho cải lương nói riêng và sân khấu truyền thống nói chung.
Với những yêu cầu đó, đổi mới để tạo nên sự thú vị, hấp dẫn trong những tác phẩm của mình là một việc làm quan trọng. Anh em nghệ sĩ của hai đơn vị cũng gặp gỡ thường xuyên và chính trong những lần gặp gỡ ấy đã tạo nên “mối duyên” giữa cải lương và xiếc”.
… Đến mối “lương duyên”
Không chỉ cải lương hay xiếc, giai đoạn hiện nay nghệ thuật sân khấu, nhất là sân khấu truyền thống đang rất cần đổi mới để “hút” khán giả. Đó là yêu cầu sống còn của các bộ môn nghệ thuật trước sự cạnh tranh của nghệ thuật hiện đại.
Xiếc thì cần kết nối những tiết mục đơn lẻ để sân khấu hóa, kịch hóa nghệ thuật biểu diễn xiếc thành những chương trình biểu diễn có nội dung. Như thế, xiếc sẽ nâng cao sức hấp dẫn để trở thành “món ăn” tinh thần mới mẻ, không nhàm chán với khán giả. Trong khi đó, cải lương có nhu cầu tìm kiếm ngôn ngữ nghệ thuật khác để hỗ trợ và làm mới mình.
Cùng một nhu cầu đổi mới và có cùng đích đến là bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc, nhưng xiếc và cải lương cần làm gì để phát triển mối “lương duyên” này?
Điều đầu tiên các nghệ sĩ cùng nghĩ tới chính là những huyền thoại, huyền tích. Bởi khi đưa xiếc vào tác phẩm cải lương sẽ giúp hiện thực hóa những sự biến ảo của các huyền tích mà xưa nay vốn được biểu diễn ước lệ trên sân khấu cải lương biến những tình tiết mơ hồ, huyền bí thành những hình ảnh thực tiễn, sống động trước mắt khán giả…
NSND Triệu Trung Kiên chia sẻ: “Điều đầu tiên lóe lên trong tư duy của những nghệ sĩ xiếc và cải lương là hình tượng nhân vật trong truyền thuyết “Tứ bất tử”. Ở đó có những nhân vật tâm linh đặc sắc của người Việt, được nhân dân tôn thờ. Chúng tôi quyết định chọn nhân vật “Chử Đồng Tử - Tiên Dung” từ kịch bản của cố tác giả Hoàng Luyện.
Tác giả Lê Thế Song biên tập lại cho phù hợp với hai loại hình nghệ thuật là cải lương và xiếc trong một vở diễn có thời lượng khoảng 2 giờ đồng hồ. Bổ lớp cho các phân cảnh, tìm kiếm các chi tiết đan xen được các tiết mục xiếc vào vở diễn. Xiếc lúc này có nhiệm vụ giống như các thành phần khác của vở diễn, hòa vào tổng thể của vở diễn”.
Và như thế, lần đầu tiên các nghệ sĩ cải lương sẽ biểu diễn trên một sân khấu tròn đa diện mặt với ba sân khấu phụ. Sự kết hợp cải lương và xiếc là một thử thách đối với các nghệ sĩ, bởi các nghệ sĩ cải lương phải học diễn xiếc, còn các nghệ sĩ xiếc phải diễn cải lương. Tuy nhiên, với nỗ lực hết mình cùng với sự thích thú bởi các trải nghiệm mới mẻ, các nghệ sĩ sẽ giúp cải lương - xiếc “lột xác” trong một vở diễn chung hoàn toàn mới mẻ và hấp dẫn.
NSƯT Trần Quang Khải - Nhà hát Cải lương Việt Nam tiết lộ: “Trong vở diễn có một tình tiết là vị Lạc tướng bị quỷ nhập có tham vọng phá nát vùng đầm Dạ Trạch, hóa tất cả người dân thành muông thú… Với cải lương thì việc biến đổi những nhân vật như vậy rất khó và thường được mô phỏng ước lệ trên sân khấu.
Tuy nhiên với các nghệ sĩ ảo thuật xiếc, việc hiện thực hóa điều này trên sân khấu đơn giản như “trở bàn tay”. Cùng với những màn diễn đu bay, bão tố… sẽ khiến cho vở diễn kết hợp giữa cải lương và xiếc có được màu sắc mới, khác biệt, thú vị và hấp dẫn”.
Theo NSND Triệu Trung Kiên, phần âm nhạc do NSND Đào Trung sáng tác chính là ước mơ lâu nay của những người làm nghệ thuật cải lương. Những lòng bản, làn điệu cải lương xưa nay chỉ có 1 mô-tuýp, khi đàn có thể diễn tấu ngẫu hứng với nhiều cách đàn khác nhau của các nhạc công theo một bản nhạc ngũ cung nhất định.
Nhưng nghệ sĩ Đào Trung phá đi khuôn thước âm nhạc để mỗi làn điệu cải lương đều được hòa âm, phối khí sẽ hòa trộn thành rất nhiều các phần bản mang nhiều màu sắc khác nhau. Đây là một sự thử nghiệm mới mẻ và hy vọng sẽ đem lại nét đặc sắc mới cho cải lương.
Ngôn ngữ tổng hợp của cải lương với xiếc khá bề bộn, lại là lần đầu tiên kết hợp nên các nghệ sĩ đều phải nỗ lực gấp 3 - 4 lần những vở diễn trước kia với hy vọng tạo nên một tác phẩm dễ thưởng thức, tạo hiệu quả nghệ thuật đặc biệt. Họ hy vọng mối “lương duyên” giữa cải lương và xiếc sẽ mang đến cho khán giả sân khấu sự thích thú, đáp ứng được thị hiếu của công chúng.
Tuy nhiên, một số nhà lý luận, phê bình nghệ thuật thì tỏ ra thận trọng khi cho rằng, việc “phá vỡ” những quy tắc ước lệ của cải lương bằng nghệ thuật xiếc rất có thể sẽ “làm hỏng” nghệ thuật cải lương.
Văn hóa, nghệ thuật là sự tiếp biến, sáng tạo trong đời sống thực tại. Thành công hay thất bại đều cần phải trông đợi ở sự đón nhận của công chúng mới đánh giá được. Vì vậy, vở diễn “Chử Đồng Tử - Tiên Dung” là “duyên lành” hay phá hỏng nghệ thuật truyền thống thì hãy cứ... chờ xem.