Đổi mới giáo dục phổ thông: Tháo gỡ điểm nghẽn

GD&TĐ - Chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) 2018 triển khai ở lớp 1 từ năm học 2020 - 2021, lớp 2 và lớp 6 từ năm học 2021 - 2022.

Học sinh Trường THCS Nguyễn Trãi (TP Đông Hà, Quảng Trị) thực hành làm nến.
Học sinh Trường THCS Nguyễn Trãi (TP Đông Hà, Quảng Trị) thực hành làm nến.

Bằng kinh nghiệm và độ lùi sau một năm thực hiện chương trình, nhiều nhà chuyên môn, quản lý giáo dục và đội ngũ giáo viên trực tiếp giảng dạy đã có cái nhìn bước đầu, khách quan và toàn diện hơn không những về chương trình, SGK mà còn là khả năng tổ chức quản lý và triển khai các hoạt động dạy học, giáo dục, kiểm tra, đánh giá. 

Đổi mới tư duy

Nhiều ý kiến cho rằng CTGDPT 2018 có tính đột phá, định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh trở thành mấu chốt chỉ đạo hoạt động dạy học và giáo dục, mang lại cho người học sự hứng thú và động lực học tập. Tuy nhiên, vẫn còn những rào cản, khó khăn, thách thức trước hết thuộc về yếu tố chủ quan cần phải sớm được khắc phục.

Cần phải thẳng thắn nhìn nhận một thực tế vẫn tồn tại là cách thức quản lý lạc hậu, rập khuôn máy móc theo “mẫu”, “cầm tay chỉ việc”. Điều này đã hằn sâu vào suy nghĩ, nhận thức của một bộ phận cán bộ quản lý giáo dục ở cơ sở. Vậy nên, không ít sở giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), phòng GD&ĐT đề cao quá mức tính “quy củ”, “nền nếp” trong chỉ đạo hoạt động quản trị nhà trường, nhất là trong công tác chuyên môn.

Bằng chứng là ở nhiều nơi, sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT can thiệp quá sâu vào công việc kiểm tra, đánh giá của nhà trường trong khi đây là việc làm thường xuyên thuộc về trách nhiệm của giáo viên và các tổ chuyên môn. Hay như trong sinh hoạt tổ chuyên môn, nhiều trường tổ chức theo trình tự a-b-c đã vạch sẵn, năm này qua năm khác, rất đơn điệu và nhàm chán bởi vì họ không dám thoát ly “hướng dẫn”...

Hệ quả của vấn đề này là, những người giữ vai trò quyết định đổi mới ở cơ sở - hiệu trưởng nhà trường đã không xác lập và thể hiện đúng vai trò của mình mà phụ thuộc quá nhiều vào hướng dẫn, chỉ đạo của cập trên, thiếu tự tin và bản lĩnh trong tổ chức thực hiện; những người làm công tác chuyên môn, lĩnh vực đòi hỏi phải phát huy sự sáng tạo, trở thành những công chức, viên chức hành chính làm việc sự vụ.

Thực tế trên cho thấy sự “Phân định công tác quản lý Nhà nước với quản trị của cơ sở GD&ĐT. Đẩy mạnh phân cấp, nâng cao trách nhiệm, tạo động lực và tính chủ động, sáng tạo của các cơ sở giáo dục, đào tạo” mà Nghị quyết số 29-NQ/TW Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đề cập cần phải được nhận thức một cách thấu đáo trong toàn ngành để thật sự tạo bước chuyển mới trong tư duy và hành động thực tiễn.

Học sinh Trường THPT Hướng Hóa (Quảng Trị) trải nghiệm thực tế.
Học sinh Trường THPT Hướng Hóa (Quảng Trị) trải nghiệm thực tế.

Cơ chế rõ ràng

Chúng ta đều hiểu rằng, để công tác quản lý giáo dục nâng cao được tính chuyên nghiệp, hiệu lực và hiệu quả thì cùng với nhân tố con người, hệ thống pháp lý phải được quan tâm đặc biệt. Đáng tiếc là hệ thống chính sách, pháp luật về giáo dục thời gian qua tuy đã có nhiều cải thiện nhưng do những nguyên nhân khác nhau nên vẫn còn tình trạng thiếu đồng bộ, có không ít quy định bất cập, không phù hợp thực tiễn.

Trước hết, cần phải tháo gỡ điểm nghẽn để phát huy vai trò của cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước về giáo dục ở địa phương là sở/phòng GD&ĐT. Đối với sở GD&ĐT, Nghị định số 127/2018/NĐ-CP ngày 21/9/2018 Quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục và Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020) Quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định khá rõ về chức năng nhiệm vụ và trách nhiệm của sở, giám đốc sở, UBND tỉnh, chủ tịch UBND tỉnh, tạo điều kiện cơ bản thuận lợi trong chủ động tham mưu, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

Tuy nhiên, hiện nay hệ thống các sở GD&ĐT trên cả nước vẫn chưa thống nhất, kéo theo đó là sự chồng chéo hoặc quá tải về chức năng, nhiệm vụ, khiến cho công tác quản lý, chỉ đạo khó tập trung vào chuyên sâu. Trong nội bộ của sở, việc sáp nhập cũng bộc lộ những hạn chế, chẳng hạn có những phòng ban ghép lại một cách cơ học, chẳng liên quan đến chuyên môn nghiệp vụ.

Trong vấn đề này, có lẽ vai trò của phòng GD&ĐT cấp huyện thời gian qua có nhiều ý kiến nhất. Phòng GD&ĐT cấp huyện có vai trò quan trọng, giúp UBND cấp huyện quản lý giáo dục trên địa bàn. Phòng GD&ĐT phải quản lý hàng chục, thậm chí hàng trăm đơn vị cấp dưới (đây là điểm rất khác với nhiều phòng chuyên môn cấp huyện khác), gồm nhà trẻ, mẫu giáo, mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, cơ sở dạy thêm, học thêm… với đầy đủ các loại hình, tính chất công việc rất khó khăn, phức tạp, chịu trách nhiệm rất cao.

Trong quan hệ công tác, phòng phải giữ mối liên hệ thường xuyên với UBND cấp xã để chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn, đồng thời chịu sự chỉ đạo của sở GD&ĐT, UBND cấp huyện về các mặt công tác. Nói gọn lại, tính hiệu lực của phòng GD&ĐT sẽ tác động trực tiếp đến chất lượng hoạt động của các cơ sở giáo dục thuộc quyền quản lý.

Thế nhưng hiện nay, phòng GD&ĐT không có thực quyền nào. Xuất phát từ việc không nhận thức rõ vai trò quan trọng và đặc thù nên nhiều người vẫn cho rằng phòng GD&ĐT là phòng chuyên môn đơn thuần như các phòng chuyên môn khác nên việc phân cấp, phân quyền rất bất cập:

Địa vị pháp lý của các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở với phòng GD&ĐT không được xác lập rõ ràng (cả hai đều do UBND cấp huyện thành lập, hiệu trưởng và trưởng phòng đều do chủ tịch UBND cấp huyện bổ nhiệm). Ở nhiều nơi, công tác tài chính giao cho phòng tài chính - kế hoạch; công tác đội ngũ, đánh giá cán bộ, thi đua khen thưởng giao cho phòng nội vụ. Thêm nữa, vị trí việc làm của phòng không được thống nhất, bị cắt giảm quá nhiều chỉ còn vài biên chế…

Sản phẩm của HS THPT chuyên Lê Quý Đôn - Quảng Trị đạt giải Nhất cuộc thi KHKT cấp quốc gia.
Sản phẩm của HS THPT chuyên Lê Quý Đôn - Quảng Trị đạt giải Nhất cuộc thi KHKT cấp quốc gia.

Những bất cập đó khiến cho vai trò, chức năng, nhiệm vụ của phòng GD&ĐT ở nhiều nơi bị kéo lệch, thay vì nhiệm vụ chính là chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ cơ sở về chuyên môn, nghiệp vụ bằng việc thực hiện các công việc hành chính đơn thuần; hiệu lực, hiệu quả quản lý bị giảm sút nghiêm trọng vì không có thực quyền, chỉ chỉ đạo chung và trông cậy vào một số cán bộ thật sự trách nhiệm và tận tâm của cấp dưới. Nhưng khi cấp dưới có thiếu sót, sai phạm thì trách nhiệm lại được gán cho phòng GD&ĐT…

Cùng đó, hiện trạng phân cấp quản lý viên chức còn nhiều bất cập. Theo quy định hiện hành, các cơ sở giáo dục công lập chưa đảm bảo tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư thì chưa được giao quyền tuyển dụng viên chức. Theo đó, hằng năm sở GD&ĐT, UBND cấp huyện đứng ra tuyển dụng và phân về cho các cơ sở giáo dục trực thuộc; người đứng đầu cơ sở giáo dục ký hợp đồng làm việc, sử dụng, đánh giá viên chức; tuy nhiên, việc điều động, thuyên chuyển lại do sở GD&ĐT, UBND cấp huyện thực hiện (trong khi cơ chế điều động, thuyên chuyển không được quy định rõ ràng).

Vậy nên, người đứng đầu cơ sở giáo dục hoàn toàn bị động, không thể xây dựng được chiến lược phát triển đội ngũ của đơn vị mình dẫn tới không mạnh dạn trong đánh giá, đầu tư nâng cao chất lượng đội ngũ. Điều này kéo theo hệ lụy còn nghiêm trọng hơn là nảy sinh quan hệ “xin - cho” thiếu công bằng, tình trạng cứ sau mỗi dịp nghỉ hè nhiều giáo viên nhóm “yếu thế” nơm nớp lo sợ mình bị chuyển trường mà không rõ nguyên nhân còn phổ biến ở nhiều nơi.

Sự thiếu đồng bộ, thống nhất và có phần cứng nhắc trong cơ chế, chính sách đang tạo ra áp lực lớn giữa yêu cầu thực hiện mục tiêu và điều kiện đáp ứng trong từng cơ sở giáo dục công lập. Chẳng hạn như ở miền núi, phải vận động trẻ ra lớp, sĩ số học sinh trên lớp thấp, địa bàn xa, trẻ em mầm non, tiểu học quá nhỏ nên không thể dồn ghép điểm trường được, trong khi đó cách tính đội ngũ giáo viên lại chia đều theo định mức học sinh trên lớp khiến cho nhiều nơi thiếu giáo viên nghiêm trọng.

Từ một vài dẫn dụ sơ bộ đó để thấy rằng đổi mới giáo dục trước hết cần phải tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách. Một cơ chế chính sách đồng bộ, thống nhất, minh bạch, hiệu lực, linh hoạt gắn với sự phân cấp, phân quyền và công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ sẽ là động lực thúc đẩy sự nghiệp đổi mới toàn ngành.

Học sinh Trường TH Nguyễn Tất Thành (TP Đông Hà, Quảng Trị) trong giờ học Mĩ thuật
Học sinh Trường TH Nguyễn Tất Thành (TP Đông Hà, Quảng Trị) trong giờ học Mĩ thuật 

Hành động và sáng tạo

CTGDPT 2018 được thiết kế có độ “mở” rất cao, tạo ra không gian sáng tạo trong quá trình vận hành nhưng đồng thời là thước đo năng lực của từng cơ sở giáo dục. Ở đây, vai trò của hiệu trưởng hơn bao giờ hết được bộc lộ qua khả năng phân tích, đánh giá thực trạng, cơ hội và thách thức của nhà trường để hoạch định chiến lược phát triển đơn vị. Đó là sự kết nối, huy động các nguồn lực từ chính quyền địa phương, các tổ chức, lực lượng xã hội, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, thiết chế văn hóa xã hội đã được tạo dựng trong cộng đồng và cha mẹ học sinh…; và sự linh hoạt, sáng tạo trong xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường hàng năm.

Cũng cần thấy rằng, dạy học theo định hướng phát triển và phẩm chất và năng lực người học không xem nhẹ mà chỉ làm thay đổi vai trò của kiến thức, kỹ năng, thay vì trước đây là mục tiêu bây giờ trở thành nền tảng. Muốn phát triển năng lực, phẩm chất người học điều quan trọng là kiến thức học sinh có được từ sách vở phải được “kiểm nghiệm” trên thực tế đời sống.

Muốn vậy, con đường hình thành kiến thức cũng khác, nó không phải qua những bài giảng đơn điệu trên không gian lớp học đóng kín mà quan trọng là được rút ra từ chính “trải nghiệm” của bản thân người học trong môi trường học tập đa dạng, phong phú. Vì thế cũng không quá khi cho rằng, kế hoạch giáo dục là tâm điểm phản ánh khát vọng đổi mới của nhà trường, việc hiện thực hóa nó trước hết phải được lan tỏa một cách mạnh mẽ, đầy nhiệt huyết từ bên trong mỗi cơ sở giáo dục. Ở đây, cần phải có tinh thần dũng cảm, dám phê phán để vượt lên sự trì níu của thái độ cầu toàn, tư tưởng ngại khó, bảo thủ và cố chấp, gạt bỏ mọi sự ngáng trở đến quá trình đổi mới trong mỗi một nhà trường.

Không ai có thể làm thay vai trò của giáo viên đứng lớp. Trong hoạt động sư phạm, giáo viên là người vừa thiết kế vừa thi công, đồng thời phải chịu trách nhiệm về sản phẩm đào tạo của mình. Đối với mỗi cơ sở giáo dục, điều cần làm là phải giúp giáo viên nhận thức rõ về mục tiêu, yêu cầu và định hướng chủ đạo trong đổi mới giáo dục và xây dựng cách thức, tiêu chí đánh giá kết quả hoạt động sư phạm của giáo viên, tạo ra không khí thi đua sôi nổi, lành mạnh, thiết thực và hiệu quả.

Vấn đề quan trọng còn lại là cần đặt niềm tin, trao quyền và tạo thuận lợi nhất cho đội ngũ, giúp họ có thể phát huy khả năng và tinh thần sáng tạo. Khi giáo viên được làm chủ hoạt động nghề nghiệp và ý thức rõ hơn về giá trị của bản thân khi gắn với trách nhiệm, nghĩa vụ và chất lượng công tác chuyên môn sẽ góp phần khai thông tư tưởng, giải phóng động lực bên trong để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Quan điểm giáo dục tích cực lấy học sinh làm trung tâm thật sự chuyển hướng trong các nhà trường nhiều năm nay. Điều này đã tạo ra sự thay đổi trong phương pháp giáo dục, dạy học, giúp học sinh chủ động hơn trong tiếp cận, lĩnh hội kiến thức và trau dồi kĩ năng. Tuy nhiên, trên thực tế khi “lấy” hay “đặt” học sinh vào trung tâm của quá trình dạy học vẫn có khuynh hướng nghiêng về coi học sinh là đối tượng giáo dục hơn là việc các em phải đóng vai trò là một chủ thể tham gia tích cực vào quá trình đổi mới.

Việc xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường cần phải có sự tham gia của học sinh. Các em phải được quyền nói lên suy nghĩ, mong ước của mình và tham gia một cách chủ động, tích cực. Nhà trường cần phải thay đổi mạnh mẽ cách thức tiếp cận, phải tôn trọng, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của học sinh. Mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh trong hoạt động giáo dục cũng cần phải đổi khác theo hướng hợp tác, chia sẻ thay vì cách thức truyền thụ như lâu nay.

Hành trình đổi mới giáo dục đang còn dài ở phía trước và chắc chắn còn nhiều vấn đề đang và sẽ tiếp tục đặt ra. Tuy nhiên, trước hết cần phải có một thái độ cầu thị, dám nhìn thẳng vào sự thật, đủ bản lĩnh để kiên định cái đúng và thừa nhận những khiếm khuyết, bất cập. Có thể còn nhiều khó khăn nhưng khi giá trị của tri thức, lợi ích của học sinh và vị trí của giáo viên được đặt ngang tầm thì cơ hội thành công của công cuộc đổi mới giáo dục phổ thông vẫn luôn luôn mở ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ