Dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình phổ thông tổng thể, cùng nhiều cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo, chuyên gia, nhà khoa học về giáo dục.
Theo báo cáo tại Hội thảo, tính đến tháng 5/2018, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia tại Nghệ An chiếm 69,8%. Công tác phổ cập giáo dục thu được những thành quả nhất định: Đạt phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2, phổ cập giáo dục THCS bền vững. Các trường chuyên biệt được quan tâm đầu tư xây dựng và ngày càng hoàn thiện hơn; chất lượng đại trà, mũi nhọn, học sinh trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng có sự tăng trưởng bền vững, liên tục xếp ở tốp đầu cả nước về học sinh giỏi quốc gia, quốc tế.
Năm học 2018 - 2019 là năm tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên giáo dục ở Nghệ An trên thực tế còn nhiều khó khăn. Quy mô trường lớp còn nhỏ lẻ; chất lượng giáo dục còn có sự chênh lệch giữa các vùng miền; cơ sở vật chất chưa đồng bộ; năng lực đội ngũ quản lý và nhà giáo còn một số hạn chế, tình trạng thừa thiếu giáo viên, giáo viên chậm đổi mới… Nghệ An còn thiếu mô hình trường phổ thông trọng điểm. Một số cơ chế chính sách đầu tư công còn dàn trải...
Tại Hội thảo lần này, nhiều ý kiến được đưa ra để định hướng chiến lược cho phát triển giáo dục phổ thông ở Nghệ An trong thời gian tới. Trong đó, tập trung vào những vấn đề như: Công tác quản lý, quản trị nhà trường, đổi mới hình thức, cách thức dạy học và giáo dục học sinh trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh đổi mới giáo dục phổ thông là một xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cần phải lưu ý nhiều vấn đề, đó là phải coi giáo dục là quốc sách hàng đầu. Nền giáo dục chuyển tư duy từ phát triển quy mô sang chú trọng chất lượng. Từ nền giáo dục nặng về kiến thức sang nền giáo dục toàn diện. Và chuyển đào tạo theo khả năng sang đào tạo đáp ứng nhu cầu người học, lao động.
Chuẩn bị các điều kiện để đảm bảo Chương trình giáo dục phổ thông mới, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh nhận thức, tư duy, hành động đổi mới cần “lăn” từ Bộ GD&ĐT xuống Sở, Phòng và đến từng giáo viên; đồng thời chuẩn bị các điều kiện đảm bảo chất lượng, đẩy mạnh công tác truyền thông; trước hết phải thực hiện đổi mới giáo dục ngay từ chương trình hiện hành.