Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại buổi làm việc |
Làm việc với Bộ trưởng và đoàn công tác, về phía tỉnh Hà Tĩnh có ông Lê Đình Sơn - Bí thư Tỉnh ủy; ông Đặng Quốc Khánh - Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành của tỉnh.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà ngành Giáo dục Hà Tĩnh đã đạt được.
Những ý kiến, đề xuất của các đại biểu, Bộ trưởng đã chỉ đạo lãnh đạo các Cục, Vụ chức năng của Bộ giải đáp và đề xuất những giải pháp tháo gỡ trên tinh thần hỗ trợ tốt nhất.
Chia sẻ với những băn khoăn của lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, Bộ trưởng trao đổi: Chúng ta cần phải thẳng thắn nhìn nhận dù đã đạt được nhiều kết quả đáng mừng nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại.
Giáo dục Hà Tĩnh phải có hướng đi cụ thể phù hợp với điều kiện, đích cuối cùng là hiệu quả, chất lượng. Phân luồng là một trong những khâu yếu nhất từ trước đến nay của giáo dục cả nước. Tuy nhiên thực tiễn cho thấy, đào tạo và nhu cầu thực tế đang không tương thích dẫn đến đào tạo thừa.
GD&ĐT phải xuất phải từ thực tiễn chứ không phải từ quy chế. Giáo dục phải hướng tới mục đích hiệu quả, thiết thực.
Hà Tĩnh thiếu hơn 1.000 phòng học
Tại buổi làm việc, ông Đặng Quốc Khánh - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Hiện ngành Giáo dục Hà Tĩnh đang gặp nhiều khó khăn, nhất là về cơ sở vật chất thiếu hơn 1.000 phòng học, hơn 500 phòng chuyên môn, hơn 600 phòng chức năng…
Đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo vẫn còn nhiều bất cập về số lượng, cơ cấu, bố trí không đều. Chất lượng giáo dục chưa đồng đều giữa các vùng, miền, các cấp học, ngành học. Công tác quản lý còn bất cập, nhất là trong phân cấp, giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục.
Nhằm khắc phục những hạn chế trên, Hà Tĩnh đang đưa ra những giải pháp như: Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đổi mới trong ngành; quy hoạch, phân luồng trong giáo dục; đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục; thực hiện tốt cơ chế phối hợp giữa nhà trường - gia đình và xã hội trong giáo dục học sinh; huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học...
Hà Tĩnh đề xuất với Bộ GD&ĐT sớm ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới, rà soát điều chỉnh thông tư văn bản liên quan đến chuẩn, định mức biên chế, chế độ làm việc.
Đặc biệt, có đánh giá, điều chỉnh Thông tư 30, mô hình trường học mới (VNEN) phù hợp với thực tiễn.
Cho phép tỉnh thí điểm dạy trung cấp nghề cho học sinh THPT; dạy học tiếng Anh trong trường học theo thực tế của người học (không dạy tiếng Anh theo kiểu lớp học truyền thống).
Bộ GD&ĐT tham mưu chính phủ triển khai đề án kiên cố hóa trường học, nhà công vụ cho giáo viên.
Giáo dục Hà Tĩnh, một vài con số
Năm 2015: Đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức 2;
1 trong 5 tỉnh có số tiêu chí thi đua dẫn đầu nhiều nhất;
267: trường mầm non, trong đó có 164 trường đạt chuẩn;
504: trường phổ thông, trong đó có 397 trường đạt chuẩn;
4: Trường chuyên nghiệp, trong đó có 1 trường đại học, hàng năm quy mô đào tạo được từ 1.400 – 1.500 học sinh, sinh viên (có khoảng 60 – 65% có việc làm sau đào tạo);
Hơn 40%: Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT không đăng ký dự thi đại học hàng năm.