Chương trình GDPT tổng thể được xác định rõ hơn và toàn diện hơn, đồng thời quán triệt đúng tinh thần đổi mới theo Nghị quyết số 29 của T.Ư Đảng và Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới Chương trình – SGK GDPT nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả GDPT, chuyển nền GD nặng về truyền thụ kiến thức sang nền GD phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực.
Mục tiêu của Chương trình cũng rất cụ thể ở cả ba cấp tiểu học, THCS và THPT. Chương trình hướng đến kế thừa và phát triển những ưu điểm các chương trình giáo dục đã có của Việt Nam, đồng thời tiếp thu kinh nghiệm xây dựng chương trình của những nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, bảo đảm kết nối chặt chẽ giữa các lớp học, cấp học với nhau và liên thông với chương trình giáo dục mầm non, chương trình giáo dục nghề nghiệp và chương trình giáo dục đại học.
Nếu những chương trình trước đây, HS học từ lớp 1 đến lớp 12 gồm số lượng môn học được thiết kế nhất định hay tất cả mọi đối tượng tiếp nhận, từ miền núi, hải đảo cho đến trung tâm những thành phố lớn cũng phải học ngần đó môn thì Dự thảo Chương trình mới đã đưa giáo dục thoát được khỏi tình trạng này, thể hiện qua việc đưa vào nhiều bộ môn mới, chương trình mới tạo ra sự phân hóa, phù hợp với tâm lý lứa tuổi, phù hợp với năng lực, tiềm năng của con người.
Bên cạnh đó, chương trình ở 3 cấp tiểu học, THCS, THPT đã được xây dựng khác nhau. Cấp tiểu học cơ bản vẫn giữ nguyên nhưng Chương trình đã bắt đầu thay đổi qua việc quan tâm đào tạo con người toàn diện.
Ở cấp THCS đã đưa GD thể chất, GD âm nhạc, GD nghệ thuật, CNTT, tin học ứng dụng vào Chương trình và bố trí tương đối hợp lý. Đến cấp THPT, Ban soạn thảo Chương trình đưa ra hệ thống các môn bắt buộc, tự chọn bắt buộc, bắt buộc có phân hóa… để các HS lựa chọn tùy theo năng lực và sở thích của mình - đó là sự phân hóa rõ ràng.
Bên cạnh đó là chương trình THPT bắt đầu có định hướng nghề nghiệp từ lớp 11, 12. Trước kia 12 năm phổ thông là quá trình học sinh được đào tạo hoàn toàn là kiến thức phổ thông. Ở Dự thảo, định hướng nghề nghiệp có chương trình rõ ràng và có bộ môn để hướng nghiệp.
Ngoài ra, Chương trình cũng đã đưa vào một số bộ môn xã hội cần, nhất là trong thời đại cách mạng 4.0, như đưa tin học ứng dụng là một bộ môn riêng hay GD nghệ thuật, GD âm nhạc cũng trở thành định hướng nghề nghiệp…
Có thể nói Chương trình có sự phân hóa, tránh được chuyện bắt buộc đối với mọi đối tượng khác nhau, cào bằng, bình quân chủ nghĩa và đã bắt đầu đi vào đào tạo nhân cách con người, phát triển năng lực.
Vấn đề còn lại bây giờ là sự chuẩn bị kỹ càng về chương trình, về đội ngũ, sự vào cuộc quyết liệt của tất cả các bộ, ngành, địa phương là yếu tố quyết định đối với sự thành công của Chương trình.
Theo tôi, cần chú trọng công tác đào tạo lại đội ngũ giáo viên bao gồm cả những cán bộ quản lý lẫn các giáo viên trực tiếp đứng lớp. Bởi lẽ đội ngũ giáo viên hiện nay đã được đào tạo từ hàng chục năm trước và vẫn nặng về việc truyền thụ kiến thức, nên khi áp dụng Chương trình GDPT mới vào thực tế sẽ gặp khó khăn.
Vấn đề rất cần được quan tâm nhiều hơn là các trường sư phạm phải bắt tay ngay vào việc đào tạo lại và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cùng với đó là đổi mới đào tạo để cung cấp đội ngũ giáo viên mới đáp ứng được nhiệm vụ trong tương lai.
Bởi chương trình có tốt mấy, nhưng không giải phóng được sức ỳ, tư duy cũ, lạc hậu của người thầy thì cũng không thể đảm bảo được chất lượng GD. Nói cách khác, đổi mới GD phải bắt đầu từ người thầy và từ cán bộ quản lý GD các cấp -người thầy chính là cái gốc trong đổi mới GD.