Đổi mới dạy lịch sử để trò tự tin lựa chọn

GD&TĐ - Nhờ đổi mới phương pháp dạy, Lịch sử trở thành môn nhiều điểm 10 nhất trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, tạo động lực để học sinh lựa chọn.

Giờ học lịch sử của học sinh Trường THPT Trương Định (Hà Nội).
Giờ học lịch sử của học sinh Trường THPT Trương Định (Hà Nội).

Tín hiệu vui

Tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, Lương Phan Quỳnh Hoa - học sinh Trường THPT Sơn Tây đạt 56,15 điểm, trong đó Lịch sử đạt điểm 10, là học sinh có tổng điểm cao nhất thành phố Hà Nội. Trước khi đạt điểm 10 môn Lịch sử trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT, Hoa từng đoạt giải Nhì cuộc thi học sinh giỏi cấp thành phố và giải Khuyến khích cấp quốc gia.

Quỳnh Hoa cảm thấy bất ngờ và vỡ òa cảm xúc khi biết tin mình tốt nghiệp với điểm số cao. Trong các môn thi, em tự tin nhất là Lịch sử vì đây là môn học em có nhiều lợi thế bởi luôn yêu thích tìm hiểu những sự kiện, nhân vật, đồng thời còn được truyền cảm hứng bởi cô giáo chủ nhiệm.

Cũng đạt điểm 10 tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, Chu Thái Tuấn - học sinh lớp 12A3 Trường phổ thông Vùng cao Việt Bắc (Thái Nguyên) cho biết: Em rất vui mừng vì đạt được thành tích này. Do được các thầy cô kèm cặp dạy dỗ nên em đã có nền tảng vững chắc để bước vào kỳ thi.

Về bí quyết giành điểm 10 môn Lịch sử, Tuấn chia sẻ, quan trọng nhất là niềm đam mê với môn học. Ở lớp, em tập trung cao độ, chăm chú nghe thầy cô giảng bài. Bên cạnh việc ghi bài đầy đủ, em còn ghi chép cẩn thận những từ khóa, mốc thời gian hay sự kiện quan trọng. Cùng với đó là học bằng sơ đồ tư duy, tóm tắt diễn biến…

Còn Dương Vũ Bảo Trân - học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quảng Nam) đến với môn Sử như một cơ duyên vì lúc đầu nghĩ môn này khô khan, lượng kiến thức lại quá nhiều, khó có thể nhớ hết. Tuy nhiên, sau vài tiết học, em cảm thấy rất thú vị và dần dần thích học. Một động lực quan trọng là cô Phạm Thị Ái Vân - giáo chủ nhiệm dạy lịch sử đã truyền cảm hứng cho em để có niềm đam mê mãnh liệt với môn học.

Đối với Trần Việt Hoàng - học sinh lớp 12A2 Trường THPT Gia Lộc (Hải Dương) thì môn Lịch sử đạt 9 điểm là một bất ngờ bởi em chỉ đăng ký lịch sử để xét tốt nghiệp THPT. Hoàng cho biết, Lịch sử là môn học thú vị, cung cấp nhiều kiến thức hay và ý nghĩa. Bí quyết của em là chỉ cần có cách học đúng, biết vận dụng vẽ sơ đồ tư duy và từ khóa để từ đó nắm rõ các cột mốc thời gian và sự kiện lịch sử.

Chia sẻ về niềm vui khi nhận kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022 với môn Lịch sử đạt 9.25, Đặng Ngọc Ánh - học sinh lớp 12A1 Trường THPT Minh Quang (Ba Vì, Hà Nội) bật mí: Học sinh thường sợ học lịch sử do có nhiều mốc thời gian. Do đó, phải có phương pháp học đúng, hiểu được phần cốt lõi của vấn đề sau đó mới triển khai đến các nội dung chi tiết và mốc lịch sử.

Học sinh Trường THPT Sơn Tây (Hà Nội) trong giờ học lịch sử.

Học sinh Trường THPT Sơn Tây (Hà Nội) trong giờ học lịch sử.

Tạo động lực

Trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, Lịch sử là môn có số điểm 10 cao thứ 2 với 1.779 điểm 10, số thí sinh đạt điểm dưới trung bình chỉ chiếm tỷ lệ 19,34%. Theo các thầy cô giáo, điểm môn lịch sử đạt được kết quả đáng khích lệ trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 chính là thành quả của đổi mới phương pháp dạy cũng như tạo động lực để học sinh ham thích học lịch sử.

Cô Nguyễn Thị Thúy - giáo viên Trường THPT chuyên Hưng Yên (Hưng Yên) phấn khởi chia sẻ: Từ nhiều năm qua, nhà trường đã đổi mới giảng dạy môn Lịch sử cho học sinh, không học thuộc lòng mà phải hiểu và phân tích được các sự kiện lịch sử. Nhờ đổi mới phương pháp dạy học, học sinh đã thích môn học hơn, chú ý nghe giáo viên giảng bài, ghi chép bài đầy đủ.

Điểm thi môn Lịch sử năm nay cao vì đề thi chính thức bám sát đề minh họa do Bộ GD&ĐT đưa ra. Các năm trước, điểm môn thi này luôn ở tốp thấp, thậm chí “đội sổ” khiến nhiều người có cái nhìn tiêu cực về môn học. Vì vậy, việc điểm thi Lịch sử tăng lên là tín hiệu đáng mừng cho thấy sự thay đổi tích cực từ việc dạy và học.

Chia sẻ về kinh nghiệm giảng dạy lịch sử từ nhiều năm nay, theo cô Bùi Thị Lệ Niềm - giáo viên Trường THPT Minh Quang (Hà Nội), đối với dạy học lịch sử, hoạt động ngoại khóa có vai trò và ý nghĩa rất đặc biệt bởi lịch sử gắn liền với các sự kiện, di tích và nhân chứng.

“Với đặc thù của bộ môn là những sự kiện, hiện tượng, nhân vật đã xảy ra trong quá khứ vì vậy không thể quan sát trực tiếp hay dựng lại trong phòng thí nghiệm như các môn học khác.

Vì vậy để học sinh được tường minh các nội dung kiến thức đã học trong chương trình thì hoạt động ngoại khóa trong nhà trường sẽ giải quyết được những yêu cầu nêu trên”, cô Niềm nhấn mạnh và gợi mở cách thực hiện: Ngoại khóa lịch sử có nhiều hình thức như đọc sách, kể chuyện, nói chuyện lịch sử, trao đổi thảo luận, tổ chức trò chơi lịch sử, tham quan di tích, bảo tàng..., có tác dụng tích cực về mặt củng cố kiến thức, giáo dục tư tưởng, tình cảm và toàn diện học sinh. Hoạt động ngoại khóa mang tính tự nguyện, làm phong phú thêm kiến thức của học sinh trong giờ học nội khóa, tạo hứng thú học tập lịch sử.

Cô Hoàng Thị Sen - giáo viên Trường THPT Sơn Tây (Hà Nội) bày tỏ: Khi điểm Lịch sử cao thì nhiều học sinh sẽ chọn môn học này trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Cùng với đó, việc đổi mới dạy học môn lịch sử sẽ giúp học sinh ham thích học lịch sử hơn, học không chỉ để phục vụ cho các kỳ thi mà học để có thêm kiến thức, hiểu hơn về văn hóa, truyền thống dân tộc.

Cô Niềm cho biết thêm, việc nhiều thí sinh đạt điểm cao môn môn Lịch sử tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay là tín hiệu tích cực. Với các giáo viên giảng dạy lịch sử, điều này càng có ý nghĩa khi Lịch sử chính thức được chọn làm môn bắt buộc, học sinh và phụ huynh sẽ an tâm hơn khi học tập.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.