Đổi mới dạy học Ngữ văn theo hướng tích hợp

GD&TĐ - Trong những năm gần đây, vấn đề dạy học theo hướng tích hợp liên môn đã trở thành một vấn đề “nóng”, được cả xã hội quan tâm. 

Đổi mới dạy học Ngữ văn theo hướng tích hợp

Ngành Giáo dục đã có những hoạt động thiết thực, bổ ích như tổ chức tập huấn giáo viên, tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức các cuộc thi thi dạy học tích hợp liên môn để đội ngũ giáo viên nói riêng và xã hội nói chung hiểu rõ, hiểu đúng vấn đề. 

Bởi vậy có thể nói, vấn đề dạy học tích hợp liên môn không còn là một vấn đề xa lạ với đội ngũ các thầy cô giáo. Tuy nhiên, từ hiểu đến vận dụng và vận dụng có hiệu quả vào thực tế giảng dạy là cả một vấn đề, nhất là đối với những giáo viên dạy môn Ngữ văn.

Khái niệm Tích hợp được hiểu là sự kết hợp một cách hữu cơ, có hệ thống, ở những mức độ khác nhau các kiến thức, kĩ năng thuộc các môn học khác nhau hoặc các hợp phần của bộ môn thành một nội dung thống nhất, dựa trên cơ sở các mối liên hệ về lí luận và thực tiễn được đề cập đến trong các môn học hoặc các hợp phần của bộ môn đó.

Dạy học tích hợp có nghĩa là đưa những nội dung giáo dục có liên quan vào quá trình dạy học các môn học như: tích hợp giáo dục đạo đức, lối sống; giáo dục pháp luật; giáo dục chủ quyền quốc gia về biên giới, biển, đảo; giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường, an toàn giao thông...

Tích hợp là một trong những xu thế dạy học hiện đại đang được quan tâm nghiên cứu và áp dụng trong chương trình giáo dục của nhiều nước trên thế giới và ở Việt Nam trong những năm gần đây. 

Qua việc hoạt động tích hợp trong một tiết lên lớp, học sinh được rèn luyện thói quen tư duy, nhận thức vấn đề một cách có hệ thống và lôgic, đồng thời thấy được mối quan hệ biện chứng giữa các kiến thức được học trong chương trình. 

Nhờ đó sẽ xoá bỏ lối dạy học theo kiểu khép kín, tách biệt giữa nhà trường và cuộc sống; cô lập giữa những kiến thức và kĩ năng vốn có mối liên hệ, bổ sung cho nhau hay tách rời kiến thức với các tình huống có ý nghĩa, những tình huống cụ thể mà HS sẽ gặp sau này. 

Dạy học tích hợp sẽ phát huy được tính tích cực chủ động và sáng tạo của HS; buộc HS chủ động tự đọc, tự làm việc độc lập theo SGK, theo hướng dẫn của giáo viên.

Do đặc thù riêng của môn học, việc tích hợp trong giờ học Ngữ văn là hoạt động phức hợp đòi hỏi sự tích hợp các kĩ năng, năng lực liên môn để giải quyết nội dung gắn với thực tiễn. 

Đó có thể là sự tích hợp tri thức, kĩ năng tiếng Việt và Làm văn để giúp HS thực sự cảm được cái hay, cái đẹp, sự tinh tế, độc đáo của tiếng mẹ đẻ, bồi dưỡng cho HS năng lực sử dụng tiếng Việt đúng và hay; chú trọng rèn luyện cho HS cách diễn đạt giản dị, trong sáng, chính xác, lập luận chặt chẽ, có suy nghĩ độc lập. 

Đó cũng có thể là sự tích hợp những hiểu biết về lịch sử, văn hóa, xã hội, đạo đức, lối sống để đánh giá, lý giải một hiện tượng văn học, một chi tiết nghệ thuật hay để đề xuất một thái độ, một quan điểm sống...

Như vậy có thể thấy, phạm vi tích hợp trong giờ dạy Ngữ văn rất phong phú: Có thể tích hợp nội môn (giữa ba phân môn Văn –Tiếng Việt – Làm văn hay giữa những bài học có cùng chủ đề);

Có thể tích hợp liên môn như: tích hợp Văn – Lịch sử (Tích hợp mở rộng theo hướng vận dụng những kiến thức về hoàn cảnh lịch sử của từng thời kỳ, về nhân vật lịch sử. . . để lý giải và khai thác giá trị, thành công cũng như hạn chế của tác phẩm); 

Tích hợp Văn – Địa lý (Tích hợp mở rộng theo hướng vận dụng kiến thức hiểu biết về các địa danh để lý giải rõ một số chi tiết hình ảnh nghệ thuật ); Tích hợp Văn – Âm nhạc (hát, ngâm thơ, diễn kịch); Tích hợp Văn – Mỹ thuật (Khi dạy học một tác phẩm văn chương GV có thể cho học sinh vẽ tranh minh họa …)

Khi thiết kế giáo án giờ học Đọc hiểu tác phẩm theo quan điểm tích hợp, giáo viên cần phải chú trọng thiết kế các tình huống tích hợp và tương ứng là các hoạt động phức hợp để HS vận dụng phối hợp các tri thức và kĩ năng của các phân môn vào xử lí các tình huống đặt ra, qua đó học sinh chẳng những lĩnh hội được những tri thức và kĩ năng riêng rẽ của từng phân môn mà còn chiếm lĩnh tri thức và phát triển năng lực tích hợp. 

Trong quá trình soạn giáo án, GV cần xác định rõ :

- Mục tiêu bài dạy .

- Những nội dung cần tích hợp.

- Phương pháp tích hợp và các phương tiên dạy học cần thiết.

- Thiết kế hệ thống câu hỏi theo trình tự hợp lý (định hướng phát triển năng lực HS)

Trong quá trình lên lớp GV có thể dạy học tích hợp theo nhiều cách khác nhau. Việc lưa chọn cách thức nào là tùy thuộc vào nội dung cụ thể của từng phân môn và từng bài học. Chẳng hạn:

1.Tích hợp thông qua việc kiểm tra bài cũ:

Kiểm tra bài cũ là bước đầu tiên trong tiến trình tổ chức hoạt động dạy học một bài cụ thể. Mục đích của hoạt động này là để kiểm tra việc học ở nhà cũng như mức độ hiểu bài của học sinh. Ngoài ra, đây cũng là hoạt động có tính chất kết nối giữa bài đã học và bài đang học (bài mới). Vì vậy, việc thực hiện tích hợp trong quá trình kiểm tra bài cũ là rất cần thiết và cũng khá thuận lợi.

2. Tích hợp thông qua việc giới thiệu bài mới.

Giới thiệu bài mới là một thao tác nhỏ, chiếm một lượng thời gian không đáng kể trong tiết dạy (và không phải bài nào, tiết dạy nào cũng cần giới thiệu vào bài một cách công phu bài bản). Tuy nhiên thao tác này lại có ý nghĩa khá lớn trong việc chuẩn bị hứng thú cho HS trước khi bước vào bài học. Vì vậy GV có thể vận dụng thao tác này để thực hiện tích hợp .

3. Tích hợp thông qua câu hỏi tìm hiểu bài.

Trong hoạt động dạy học Ngữ văn, hình thức hỏi – đáp đóng vai trò hết sức quan trọng, thể hiện tính tích cực, chủ động của người học cũng như vai trò chủ động của GV. Hình thức này được thực hiện trong hầu hết các bước, các hoạt động dạy – học. 

Việc tích hợp kiến thức Văn - Tiếng Việt (qua các câu hỏi phát hiện, giải nghĩa, phân tích ý nghĩa của việc sử dụng từ ngữ), Văn - Làm văn (qua dạng câu hỏi tóm tắt văn bản, nêu suy nghĩ của bản thân về một vấn đề đặt ra từ tác phẩm…) Văn - Lịch sử (Vận dụng hiểu biết vì lịch sử để lý giải một hiện tượng…), Văn - Địa lý, Văn - Giáo dục công dân…được thể hiện rõ qua hoạt động này.

4. Tích hợp thông qua phương tiện dạy học như bảng phụ, tranh ảnh, thiết bị công nghệ thông tin.

Khi dạy một số văn bản đọc hiểu, GV có thể sử dụng kênh hình để tích hợp, giúp các em cảm thụ văn học tốt hơn. Đây là một yêu cầu rất quan trọng trong đổi mới phương pháp dạy học hiện nay. Điều quan trọng là để thực hiện được hình thức tích hợp này đòi hỏi người dạy phải có sự chuẩn bị công phu, biết đầu tư trí tuệ, công sức. Mặt khác, nó còn phụ thuộc vào điều kiện cơ sở vật chất của từng trường.

5. Tích hợp thông qua nội dung từng phần hay tổng kết giờ học.

Đây là hình thức tích hợp thông qua lời thuyết giảng của GV, vừa có ý nghĩa khái quát lại vấn đề, vừa có ý nghĩa mở rộng, nâng cao kiến thức. GV có thể tích hợp dưới dạng liên hệ, so sánh đối chiếu các văn bản cùng thể loại, chủ đề để rút ra nhận xét hoặc yêu cầu học sinh tự rút ra nhận xét của bản thân về vấn đề đó (nét giống, khác, sự đống góp mới mẻ của nhà văn…)

6./Tích hợp thông qua hệ thống bài tập (ở lớp cũng như ở nhà )

Đây là điều kiện thuận lợi nhất để GV tiến hành phương pháp tích hợp sau khi kết thúc một bài học, giúp HS nắm chắc kiến thức ấy để tích hợp trong việc rèn luyện kỹ năng : nghe, đọc, nói, viết .

7. Tích hợp thông qua hình thức kiểm tra.

Chương trình Ngữ văn được xây dựng theo tinh thần tích hợp, vì thế khi ôn tập và tiến hành kiểm tra, GV cần giúp HS nắm chắc các vấn đề. Các kiến thức về Văn, tiếng Việt, Tập làm văn đều cùng dựa vào một văn bản chung (hoặc nhiều văn bản cùng thể loại) để khai thác và hình thành.

Vì thế, khi hướng dẫn học sinh ôn tập GV cần lưu ý HS không nên học tủ, học lệch mà phải học toàn diện, đầy đủ. GV cần lưu ý xây dựng đề kiểm tra 15 phút, 1 tiết, học kỳ theo yêu cầu tích hợp. Hệ thống câu hỏi, đề kiểm tra phải hướng vào việc phát triển năng lực người học theo bốn cấp độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao.

8.Tích hợp gắn với đời sống xã hội, rèn kỹ năng sống cho HS

Đây là một hoạt động không thể thiếu trong giờ Đọc hiểu văn bản bởi môn Văn trong nhà trường vừa là một môn khoa học vừa là môn học mang tính xã hội nhân văn sâu sắc. 

Nếu biết vận dụng một cách khéo léo, nhuần nhuyễn, tự nhiên kiến thức liên môn, giáo viên không chỉ giúp học sinh nắm vững kiến thức xã hội mà còn tác động mạnh mẽ đến nhận thức, tư tưởng, tình cảm của học sinh. Từ đó, có thể định hướng thái độ sống, rèn kỹ năng sống cho các em một cách hiệu quả, giúp các em biết ứng xử văn minh, trở thành người công dân tốt…

Tóm lại, để việc dạy học theo hướng tích hợp trong môn Ngữ văn đạt hiệu quả tốt, cần có giải pháp đồng bộ. Trước hết, về phía cơ quan chủ quản, Bộ Giáo dục Đào tạo cần triển khai nhanh chóng việc tập huấn dạy học tích hợp liên môn cho giáo viên Ngữ văn. 

Các cơ quan quản lý dưới Bộ nên tạo điều kiện cho giáo viên ở các cơ sở tổ chức xây dựng chuyên đề, trao đổi rút kinh nghiệm trong việc dạy học theo hướng tích hợp. 

Các thầy cô giáo trực tiếp đứng lớp phải nắm vững nguyên tắc tích hợp: bám sát chuẩn kiến thức - kỹ năng, đảm bảo phù hợp với nội dung bài học, phù hợp với đặc điểm, điều kiện cụ thể của đơn vị và đối tượng học sinh. Việc tích hợp làm cho bài học sinh động, gắn với thực tế hơn và không làm quá tải nội dung bài học.

Nếu đáp ứng được những yêu cầu nêu trên, tin chắc rằng việc dạy học Ngữ văn theo hướng tích hợp sẽ góp phần không nhỏ vào lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam với mục tiêu: phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học mà Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương Đảng đã đề ra.

Theo Sở GD&ĐT Quảng Trị

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.