Đổi mới đào tạo giáo viên GD công dân: Yêu cầu cấp thiết

GD&TĐ - Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu, công tác đào tạo giáo viên Giáo dục công dân (GDCD) ở các trường sư phạm vẫn còn nhiều bất cập. Nhiều giáo viên chưa được đào tạo đúng chuyên ngành. Chương trình đào tạo trong các trường sư phạm chậm đổi mới, chưa theo kịp với yêu cầu đổi mới môn GDCD trong trường phổ thông; chất lượng đào tạo còn hạn chế...  

Môn Giáo dục công dân trong Chương trình GD phổ thông mới đòi hỏi đội ngũ giáo viên được đào tạo chuyên ngành
Môn Giáo dục công dân trong Chương trình GD phổ thông mới đòi hỏi đội ngũ giáo viên được đào tạo chuyên ngành

Nhiều hạn chế, bất cập

Phát biểu tại Hội thảo khoa học quốc gia “Đổi mới đào tạo giáo viên GDCD đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới” vừa được Trường ĐHSP Hà Nội tổ chức, PGS.TS Đào Đức Doãn - Chủ biên Chương trình môn GDCD - cho rằng, trước yêu cầu của Chương trình GDPT mới, những hạn chế, bất cập của công tác đào tạo giáo viên GDCD càng bộc lộ rõ. Với những đổi mới trong mục tiêu của chương trình môn GDCD, chương trình đào tạo giáo viên GDCD ở các trường sư phạm cũng phải thay đổi; từ hình thành kiến thức, kĩ năng, thái độ, sang hình thành phát triển phẩm chất và năng lực.

Để giáo viên môn học có thể thực hiện được mục tiêu của chương trình môn GDCD mới, chương trình đào tạo giáo viên cần phải xác định được các mục tiêu đào tạo phù hợp.

Sinh viên sư phạm GDCD sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, phải vừa có những phẩm chất đạo đức và năng lực nghề nghiệp đáp ứng quy định về chuẩn nghề nghiệp giáo viên, vừa có những phẩm chất, năng lực đặc thù của người giáo viên GDCD. Những phẩm chất, năng lực đó cần được cụ thể hóa thành các yêu cầu tiêu chuẩn, làm căn cứ để xây dựng nội dung giáo dục.

Việc xây dựng mục tiêu của chương trình đào tạo giáo viên GDCD mới, theo PGS.TS Đào Đức Doãn, cần phải kế thừa mục tiêu của chương trình đào tạo giáo viên GDCD hiện hành, vì mục tiêu hình thành kiến thức, kĩ năng, thái độ không đối lập với mục tiêu hình thành, phát triển năng lực. Kiến thức, kĩ năng, thái độ là chất liệu để tạo thành năng lực. Mục tiêu năng lực là bước phát triển cao hơn, hoàn thiện hơn của mục tiêu kiến thức, kĩ năng, thái độ.

Đổi mới phương pháp và Chương trình GDCD trong nội dung đổi mới là yêu cầu căn bản đối với đào tạo đội ngũ giáo viên

Đổi mới phương pháp và Chương trình GDCD trong nội dung đổi mới là yêu cầu căn bản đối với đào tạo đội ngũ giáo viên

Lược bỏ nội dung hàn lâm

PGS.TS Đào Đức Doãn cho biết, để giáo viên môn học có thể thực hiện được các nội dung giáo dục của chương trình mới, chương trình đào tạo giáo viên GDCD cần tập trung vào các nội dung giáo dục đạo đức, giáo dục kĩ năng sống, giáo dục kinh tế, giáo dục pháp luật. Bên cạnh đó, lược bỏ những nội dung kiến thức hoặc nặng về lý thuyết, hàn lâm, hoặc thiên về ngành đào tạo giáo viên giáo dục chính trị, không phù hợp với đặc trưng ngành đào tạo giáo viên GDCD và thay thế bằng những học vấn phổ thông, cơ bản về đạo đức, kĩ năng sống, kinh tế, pháp luật phù hợp với lứa tuổi, mang tính ứng dụng, thiết thực với đời sống và định hướng nghề nghiệp sau THPT của học sinh. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các nội dung giáo dục xã hội cần thiết đã có trong chương trình đào tạo giáo viên GDCD hiện hành, như: Môi trường, bình đẳng giới, di sản văn hoá, phòng chống tệ nạn xã hội...

 Cuối cùng, việc bồi dưỡng giáo viên cần tránh hình thức, gắn với đòi hỏi của thực tiễn GDCD trong nhà trường, sát với từng đối tượng giáo viên và phải có sự gắn kết chặt chẽ giữa Bộ GD&ĐT, các cơ sở đào tạo giáo viên với các trường phổ thông để đảm bảo sự thống nhất trong đào tạo, bồi dưỡng 
PGS Đào Đức Doãn nhấn mạnh

Cũng theo chủ biên cho chương trình môn GDCD, chương trình đào tạo giáo viên môn học này cần đáp ứng các yêu cầu về năng lực nghề nghiệp giáo viên nói chung và năng lực nghề nghiệp đặc thù của người giáo viên GDCD. Muốn vậy, cần tập trung hơn cho đào tạo các năng lực nghề nghiệp theo hướng:

Thứ nhất: Chú trọng giáo dục giáo sinh phương pháp tổ chức hoạt động dạy học, bao gồm tổ chức hoạt động dạy học trong lớp, tổ chức hoạt động trải nghiệm ở ngoài lớp; trong đó, giáo viên phải đóng vai trò hướng dẫn, tổ chức, tạo môi trường, điều kiện học tập để học sinh tham gia hoạt động học tập với tư cách là chủ thể tích cực, tự mình thực hiện nhiệm vụ và trải nghiệm thực tế.

Thứ hai: Chú trọng đào tạo giáo sinh các phương pháp dạy học tích hợp;

Thứ ba: Chú trọng các phương pháp đánh giá theo năng lực, bao gồm các phương pháp kết hợp đánh giá qua nhiệm vụ học tập với đánh giá qua nhận xét thái độ, hành vi của học sinh; kết hợp đánh giá thường xuyên với đánh giá định kì; kết hợp đánh giá của giáo viên với đánh giá của học sinh, đánh giá của gia đình và các tổ chức xã hội.

Thứ tư: Chú trọng hình thành, phát triển cho sinh viên năng lực phát triển chương trình, giúp giáo viên có khả năng thường xuyên cập nhật, phân tích, xử lí thông tin trong đời sống hằng ngày để lựa chọn, bổ sung vào nội dung dạy học và tự xây dựng kế hoạch dạy học cho phù hợp với điều kiện của nhà trường, phù hợp với đối tượng học sinh.

Sớm chấm dứt đồng nhất GDCD với GD chính trị

Về đổi mới phương thức đào tạo, PGS.TS Đào Đức Doãn lưu ý: Mặc dù ở mỗi cấp học, môn học có tên gọi khác nhau, nhưng đều thống nhất trong một môn là GDCD. Trong Chương trình GDPT mới, lĩnh vực GDCD chỉ có một chương trình môn GDCD. Ở cấp tiểu học, các chương trình môn học đều do một giáo viên thực hiện, nên chương trình đào tạo giáo viên các môn học có thể nằm trong chương trình đào tạo giáo viên tiểu học. Ở cấp THCS, THPT, chương trình môn GDCD do giáo viên chuyên ngành GDCD đảm nhiệm nên chỉ thiết kế một chương trình đào tạo giáo viên GDCD. Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo này, giáo sinh vừa có thể dạy học môn GDCD ở THCS, vừa có thể dạy học môn Giáo dục kinh tế và pháp luật ở THPT.

Bên cạnh đó, cần sớm chấm dứt việc đồng nhất GDCD với giáo dục chính trị, hoặc sử dụng chương trình đào tạo giáo viên Giáo dục chính trị để đào tạo giáo viên GDCD vẫn đang diễn ra ở nhiều trường sư phạm hiện nay. Đào tạo giáo viên GDCD có nhiệm vụ cung cấp giáo viên dạy môn GDCD cho các trường phổ thông. Đào tạo giáo viên giáo dục chính trị có nhiệm vụ cung cấp giảng viên các môn Lí luận chính trị cho các trường trung học chuyên nghiệp, CĐ, ĐH.

PGS.TS Đào Đức Doãn cũng cho rằng, việc tổ chức kiến tập và thực tập sư phạm ở hầu hết các cơ sở đào tạo giáo viên GDCD hiện nay chưa thực sự có hiệu quả, nên nhiều giáo viên còn lúng túng trong tổ chức các hoạt động dạy học, xử lý tình huống thực tiễn liên quan đến nội dung dạy học và xử lý tình huống sư phạm, dẫn đến hệ quả là chưa phát huy được tính tích cực học tập của học sinh, thậm chí gây ảnh hưởng tiêu cực trong giáo dục. Vì vậy, chương trình đào tạo giáo viên GDCD cần tăng cường hơn thực hành, thực tập sư phạm, gắn quá trình đào tạo với thực tiễn nhà trường phổ thông, bổ sung những nội dung mới theo chủ trương của Bộ GD&ĐT và yêu cầu thực tế vào chương trình đào tạo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ