Nhiều kiến thức thiết thực, hấp dẫn trong Chương trình Giáo dục công dân mới

Nhiều kiến thức thiết thực, hấp dẫn trong Chương trình Giáo dục công dân mới

Đó là chia sẻ của GS Nguyễn Minh Thuyết – Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới – tại Hội thảo khoa học quốc gia “Đổi mới đào tạo giáo viên Giáo dục công dân đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới” do Trường ĐHSP Hà Nội tổ chức sáng nay (22/12).

4 mạch nội dung xuyên suốt

Nói về những điểm mới về mục tiêu giáo dục của chương trình mới môn Giáo dục công dân, theo GS Nguyễn Minh Thuyết, chương trình môn Giáo dục công dân xác định mục tiêu “góp phần hình thành, phát triển ở học sinh các phẩm chất chủ yếu: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm; các năng lực của người công dân Việt Nam, đặc biệt là năng lực điều chỉnh hành vi, năng lực phát triển bản thân, năng lực tìm hiểu và tham gia hoạt động kinh tế - xã hội, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của các nhân và yêu cầu của sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp mới”.

Mục tiêu nói trên được cụ thể hóa thành yêu cầu cần đạt đối với từng cấp học, lớp học. Yêu cầu cần đạt về các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung được quy định tại Chương trình tổng thể.

Yêu cầu cần đạt về các năng lực đặc thù (năng lực điều chỉnh hành vi, năng lực phát triển bản thân, năng lực tìm hiểu và tham gia hoạt động kinh tế - xã hội) được quy định tại Chương trình môn Giáo dục công dân.

Căn cứ các yêu cầu cần đạt nói trên, Chương trình môn Giáo dục công dân xác định 4 mạch nội dung và triển khai mỗi mạch nội dung đó thành các chủ đề học tập ở từng lớp học và chuyên đề học tập ở cấp THPT.

4 mạch nội dung xuyên suốt 3 cấp học là: Giáo dục đạo đức, Giáo dục kĩ năng sống, Giáo dục kinh tế, Giáo dục pháp luật.

GS Nguyễn Minh Thuyết
GS Nguyễn Minh Thuyết 

Chú trọng những kĩ năng sống thiết thực

Bên cạnh kế thừa những ưu điểm của chương trình hiện hành, chương trình mới môn Giáo dục công dân có sự phát triển so với chương trình hiện hành, cụ thể như sau:

Chú trọng giáo dục những kĩ năng sống thiết thực đối với học sinh, ví dụ: phòng tránh tai nạn, thương tích; phòng chống xâm hại; phòng chống bạo lực gia đình; phòng chống bạo lực học đường; ứng phó với tình huống nguy hiểm; thích ứng với thay đỏi...;

Thay thế những kiến thức chính trị, hàn lâm bằng những kiến thức thiết thực với học sinh. Ví dụ: hoạt động tiêu dùng (tiết kiệm, quản lý tiền, tiêu dùng thông minh…); hoạt động của nền kinh tế (thị trường và cơ chế thị trường, cạnh tranh, lạm phát, thất nghiệp…); hoạt động của nền kinh tế nhà nước (ngân sách và thuế, thị trường lao động – việc làm, bảo hiểm và an sinh xã hội); hoạt động sản xuất, kinh doanh (sản xuất kinh doanh và các mô hình sản xuất kinh doanh, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp…);

Lược bỏ các kiến thức triết học, đạo đức học trừu tượng, bổ sung những kiến thức thiết thực về pháp luật lao động, dân sự, hình sự, sản xuất, kinh doanh… bên cạnh các kiến thức về hệ thống nhà nước, quyền và nghĩa vụ công dân đã có trong chương trình hiện hành.

Giáo dục công dân là môn học cốt lõi thực hiện nội dung giáo dục công dân

GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết: Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới xác định nội dung giáo dục công dân được thực hiện thông qua tất cả các môn học và hoạt động giáo dục, trong đó môn Đạo đức ở cấp tiểu học, môn Giáo dục công dân ở cấp THCS, môn Giáo dục kinh tế và pháp luật ở cấp THPT (những tên gọi khác nhau của môn Giáo dục công dân) là những môn học cốt lõi.

Như vậy, Giáo dục công dân không phải là môn học duy nhất mà là môn học cốt lõi thực hiện nội dung giáo dục công dân, vừa có vị trí độc lập, vừa có mối quan hệ với các môn học khác cùng thực hiện nội dung giáo dục này.

Môn Giáo dục công dân cũng như các môn khoa học xã hội khác và Hoạt động trải nghiệm/Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp thực hiện nội dung giáo dục công dân thông qua các bài học cụ thể, đồng thời thông qua phương pháp giáo dục của môn học hoạt động giáo dục. Các môn khoa học tự nhiên, Toán, Tin học, Công nghệ, Nghệ thuật thực hiện nội dung giáo dục công dân chủ yếu thông qua phương pháp giáo dục.

Trong toàn bộ giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9), Giáo dục công dân là môn học bắt buộc để bảo đảm tất cả học sinh được giáo dục về giá trị bản thân, gia đình, quê hương, cộng đồng, nhằm hình thành thói quen, nền nếp cần thiết trong học tập, sinh hoạt và ý thức tự điều chỉnh bản thân theo các chuẩn mực đạo đức và quy định của pháp luật.

Trong giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, Giáo dục công dân với tên gọi mới - Giáo dục kinh tế và pháp luật là môn học lựa chọn, dành cho những học sinh có định hướng theo học các ngành nghề Giáo dục chính trị, Giáo dục công dân, Kinh tế, Pháp luật, Hành chính, Quân đội, Công an…. hoặc có sự quan tâm, hứng thú đối với môn học.

Thời lượng dành cho môn Giáo dục kinh tế và pháp luật tương đương với các môn khoa học tự nhiên (Vật lí, Hoá học, Sinh học), Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật) và các môn khoa học xã hội khác (Lịch sử, Địa lí). Đây là cơ hội phát triển nhưng cũng là thách thức đối với môn học này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ