Đổi mới đào tạo giáo viên: Đáp ứng Chương trình – SGK mới

GD&TĐ - Đổi mới đào tạo đội ngũ giáo viên, đáp ứng Chương trình – sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông mới được Bộ GD&ĐT coi là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt. Muốn đạt được mục tiêu này, bắt buộc các trường sư phạm phải có chiến lược đào tạo các nhà giáo tương lai.

Sinh viên với tiết mục biểu diễn múa nón
Sinh viên với tiết mục biểu diễn múa nón

Năng lực vận dụng tổng hợp kiến thức

Chương trình giáo dục phổ thông mới hướng tới trang bị kiến thức cơ bản và định hướng nghề nghiệp, giúp cho học sinh có khả năng vận dụng tổng hợp các kiến thức đã học để giải quyết vấn đề thực tiễn đặt ra. Do đó, chương trình giáo dục phổ thông hiện nay đã có những thay đổi, chú trọng đánh giá quá trình, xem việc đánh giá thường xuyên là để cải thiện và điều chỉnh quá trình dạy học chứ không phải đánh giá kết quả học tập như trước đây.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, cả nước hiện có 235 trường đại học, học viện. Trong đó, có 170 trường công lập, 60 trường tư thục và dân lập, 5 trường có 100% vốn nước ngoài. 37 viện nghiên cứu khoa học được giao nhiệm vụ đào tạo trình độ tiến sĩ, 33 trường cao đẳng sư phạm và 2 trường trung cấp sư phạm. Đặc biệt, toàn quốc có 58 trường đại học, 57 trường cao đẳng, 40 trường trung cấp có ngành đào tạo giáo viên (14 trường ĐHSP, 33 trường CĐSP và 2 trường trung cấp sư phạm). Hàng năm có khoảng 60.000 sinh viên sư phạm tốt nghiệp.

GS. TS Thái Văn Thành – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh cho biết: Hướng tới đào tạo đội ngũ giáo viên đáp ứng đổi mới chương trình – SGK, các trường sư phạm đã áp dụng nhiều mô hình đào tạo tiếp cận năng lực của các nước tiên tiến, trong đó có mô hình CDIO (Hình thành ý tưởng – Thiết kế - Triển khai – Vận hành), do Viện Công nghệ Massachusetts Hoa Kỳ (MIT) khởi xướng. Bởi các nguyên lý phát triển chương trình và tổ chức đào tạo rất phù hợp với ngành khoa học giáo dục nói chung và đào tạo giáo viên nói riêng.

Việc đào tạo theo phương pháp tiếp cận CDIO, sẽ đánh giá quá trình bao gồm các bài tập nhóm, hồ sơ học tập, các sản phẩm học tập liên quan đến môn học, kiểm tra giữa kỳ. Thông qua các hoạt động này, sinh viên hình thành các năng lực thực hiện, học đi đôi với hành và có thể kiểm soát chất lượng đào tạo.

“Để đáp ứng chuẩn mực quốc tế, việc quản lý chất lượng chương trình đào tạo giáo viên nên dựa trên bộ tiêu chuẩn kiểm định các trường đại học Đông Nam Á

(AUN-QA). Bộ tiêu chuẩn này được xây dựng trên cơ sở đảm bảo sự tương thích với bộ tiêu chuẩn của Mỹ và châu Âu, và đã được Bộ trưởng của các nước ASEAN chấp nhận để sử dụng thống nhất trong các trường đại học của các quốc gia thuộc khu vực ASEAN. Trong xu thế hội nhập quốc tế và đáp ứng yêu cầu của CMCN 4.0, bộ tiêu chuẩn này phù hợp với thực tiễn Việt Nam”, ông Thành chia sẻ.

Sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học
  • Sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học

Đào tạo đồng bộ, hệ thống

Tiến tới chuẩn đầu ra cho sinh viên sư phạm, các trường coi đào tạo giáo viên là nhiệm vụ nòng cốt, với những kế hoạch cụ thể. Chẳng hạn, Trường ĐHSP Thái Nguyên xây dựng lại chương trình đào tạo giáo viên mới của tất cả các ngành và đội ngũ cán bộ, giảng viên, đáp ứng việc giảng dạy theo Chương trình mới. Trường cũng xây dựng được 153 chuyên đề bồi dưỡng cho giáo viên phổ thông, giảm kiến thức hàn lâm, tăng thời gian thực hành cho sinh viên; tập trung đào tạo ra hệ thống giáo viên gồm hai nhóm chính là tự nhiên và xã hội.

Trường Đại học Vinh đã xây dựng và triển khai kế hoạch chiến lược đào tạo – nghiên cứu khoa học giai đoạn 2015 - 2025, là 1/7 trường được Bộ GD&ĐT lựa chọn tham gia chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông. Hoạt động đổi mới đào tạo giáo viên ở đây được thực hiện một cách hệ thống và đồng bộ trên nhiều phương diện.

Nhà trường đã thực hiện tái cấu trúc các khoa, thành lập Viện Sư phạm Tự nhiên và Viện Sư phạm Xã hội để đào tạo giáo viên đảm nhận Chương trình giáo dục phổ thông mới; thành lập Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm nhằm đẩy mạnh và nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm và quản lý cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Nhà trường đã áp dụng mô hình đào tạo CDIO. Đây là điểm khác biệt căn bản so với mô hình đào tạo truyền thống khi sinh viên chỉ được 2 tuần kiến tập và 8 tuần thực tập ở trường phổ thông.

Song, để đào tạo được đội ngũ giáo viên tương lai chuẩn đầu ra, đáp ứng được đổi mới Chương trình – SGK giáo dục phổ thông mới, cần nâng cao năng lực của giảng viên các trường sư phạm. Theo NGƯT. GS.TS Từ Sỹ Sùa, Trường ĐH Giao thông Vận tải: Yếu nhất đối với đội ngũ giáo viên trẻ hiện nay, kể cả giảng viên đó là tiếp cận thực tiễn chưa được nhiều, chưa có kinh nghiệm. Do đó, bài giảng không sinh động, không hấp dẫn để lôi cuốn học sinh. Vì vậy, sinh viên cần được trang bị đầy đủ tri thức, kỹ năng nghề và lý thuyết phải đi đôi với thực hành.

Thạc sỹ Vương Thị Luận, giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh cho rằng: Để có được đội ngũ giáo viên năng động, sáng tạo, thích ứng với đòi hỏi nghề nghiệp trong thời đại ngày nay, các trường sư phạm phải có nội dung, chương trình phù hợp, giảng dạy thông qua các chuyên đề cụ thể. Hiện sinh viên ít được trang bị kỹ năng mềm, do đó khả năng thích ứng nghề nghiệp chưa cao.

Song song với công tác nâng cao năng lực đội ngũ và phát triển chương trình, các trường sư phạm chú trọng xây dựng không gian học tập, nâng cấp và bổ sung trang thiết bị, xây dựng trung tâm sản xuất học liệu để phục vụ đào tạo và bồi dưỡng giáo viên. Đồng thời, tăng cường ứng dụng CNTT vào dạy học, sử dụng hệ thống quản trị học tập LMS (Learning Management System) để tăng cường việc tự học của sinh viên, tương tác giữa thầy và trò, kiểm tra đánh giá thường xuyên, thực hiện đánh giá quá trình cũng như quản trị học tập.

“Trường Đại học Vinh đã mời các chuyên gia trong nước và quốc tế về tập huấn cho cán bộ về phát triển chương trình, triển khai dạy học CDIO, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo tiếp cận năng lực; triển khai Đề án dạy và học ngoại ngữ với mục tiêu đến năm 2020, hầu hết giảng viên của nhà trường đạt trình độ tiếng Anh bậc 4, có thể giao tiếp tốt, giảng dạy các môn chuyên ngành bằng tiếng Anh, nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế. Riêng về đào tạo giáo viên, trường đã ký kết hợp tác với Trường Đại học Giáo dục Hồng Kông, Đại học South Floria (Hoa Kỳ), Đại học Upsala (Thụy Điển), xây dựng hệ thống 15 trường phổ thông vệ tinh để hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học giáo dục” - GS Thái Văn Thành cho biết thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ