Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, Hiện nay, về cơ bản, đội ngũ nhà giáo, CBQL giáo dục ở các cấp học đã đạt chuẩn, trên chuẩn trình độ đào tạo.
Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn, trên chuẩn với mầm non là 96,6%, tiểu học: 99,7%, THCS: 99,0%, THPT: 99,6%, ĐH: 82,7%, tạo tiền đề để Bộ GDĐT đề xuất nâng chuẩn trình độ đào tạo cho giáo viên trong sửa đổi Luật Giáo dục.
Hầu hết CBQL, giáo viên yêu nghề, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp tốt, tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, có ý chí vươn lên, tích cực học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Năng lực sư phạm của phần lớn nhà giáo được nâng lên, đáp ứng được yêu cầu đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục.
Đội ngũ CBQL giáo dục đã tham mưu tích cực, hiệu quả cho cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp trong xây dựng các chính sách cán bộ, giáo viên, học sinh phù hợp với điều kiện KT-XH địa phương.
Bộ GDĐT đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và CBQL cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025. Đề án được Bộ GDĐT, địa phương tích cực triển khai thực hiện.
Công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho CBQL, giáo viên, nhân viên theo yêu cầu chuẩn nghề nghiệp được địa phương quan tâm triển khai qua nhiều hình thức khác nhau.
Một số địa phương liên kết với các cơ sở uy tín ở nước ngoài trong công tác bồi dưỡng đội ngũ; tổ chức các hoạt động hoạt động sinh hoạt chuyên môn, bồi dưỡng giáo viên qua nghiên cứu bài học.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên ở nước ngoài tiếp tục được quan tâm đầu tư thông qua các đề án đào tạo bằng ngân sách nhà nước, học bổng Hiệp định và chương trình học bổng khác…
Bộ GDĐT cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, CBQL các cơ sở giáo dục ĐH và các trường CĐSP đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT giai đoạn 2018- 2030;
Đã ban hành văn bản quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên, chuẩn hiệu trưởng theo định hướng cập nhật, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới; xây dựng khung năng lực giáo viên phổ thông các môn học đặc thù; xây dựng chuẩn nghề nghiệp giảng viên sư phạm; xây dựng tiêu chuẩn và quy trình lựa chọn giảng viên sư phạm chủ chốt, giáo viên và CBQL trường phổ thông cốt cán;
Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý với trường sư phạm và trường phổ thông trong bồi dưỡng nhà giáo, CBQL giáo dục; nghiên cứu các nội dung cần thiết để đề xuất sửa đổi các nội dung về nhà giáo trong quá trình sửa Luật Giáo dục, Luật Giáo dục ĐH; rà soát, sửa đổi, bổ sung chương trình bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, CBQL giáo dục các cấp học theo chuẩn.
Bộ GDĐT đồng thời đã rà soát mạng lưới, quy mô, phương thức đào tạo của các cơ sở đào tạo giáo viên; triển khai Chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, CBQL cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP); khảo sát nhu cầu sử dụng giáo viên của địa phương làm căn cứ xác định chỉ tiêu đào tạo giáo viên, nâng cao chất lượng đầu sư phạm.