Giáo dục Mới gỡ bỏ những quan điểm giáo dục lạc hậu, ứng dụng những phương pháp tâm lý sư phạm tiến bộ, mới mẻ mà ở đó, sự phát triển, quyền tự do và lựa chọn của trẻ thơ là trọng tâm của quá trình giáo dục.
Trẻ em như một chủ thể vận động
TS Nguyễn Thụy Phương, Giám đốc mạng lưới giáo dục, Hiệp hội Các chuyên gia và nhà khoa học Việt Nam, Đại học Genève (Thụy Sĩ) cho biết, từ đầu thập niên 2000 đến nay, làn sóng giáo dục Mới du nhập mạnh mẽ vào Việt Nam với các tác phẩm của những nhà giáo dục kinh điển, song song với đó là sự ra đời của các trường mầm non hay tiểu học tư thục ứng dụng các chương trình đào tạo giáo viên theo quan điểm giáo dục Mới.
Đó là các trường học theo phương pháp Montessori, Wardolf/Steiner, Reggio Emilia hay Jean Piaget. Cũng đã xuất hiện những cá nhân ban đầu đi theo từng phương pháp giáo dục, sau một thời gian trải nghiệm thì xây dựng triết lý giáo dục cho cơ sở của mình và phát triển thành các trường tư thục, không chỉ ở bậc mầm non mà còn ở các bậc học cao hơn.
“Giáo dục Mới” là một quan điểm đặt trẻ em vào trung tâm của hệ thống giáo dục và coi trẻ em như một chủ thể vận động trong sự phát triển tự nhiên về thể chất, tinh thần và trí tuệ. Quan điểm này đã được nhen nhóm vào thế kỷ 18, được hiện thực hóa bằng một số trường học ở châu Âu sau đó và bị ngắt quãng bởi Chiến tranh Thế giới lần thứ 2. Phương pháp dạy ở những trường học kiểu mới này hướng đến việc học thông qua thực hành và khả năng tự quản....
“Giáo dục Mới” thực sự là một thuyết nhật tâm của Kopernik trong ngành sư phạm vì nó “dám” đảo ngược và đổi chiều tư duy giáo dục truyền thống. Trường học phải thích ứng trước nhu cầu và mối quan tâm, sở thích, hứng thú của học sinh, nhà trường phải là nơi vừa học vừa hành và môi trường hợp tác và tương tác giữa học sinh với nhau và giữa giáo viên với học sinh. Giáo dục phải tự nhiên, gắn với đời thực, chuẩn bị hành trang vào đời, giáo dục phải dạy lòng vị tha và tôn trọng sự khác biệt. Đồng thời, phong trào này là một cuộc tái tư duy và tái định nghĩa về mục tiêu của giáo dục, về quan niệm về trẻ em, về chức năng của nhà trường, vai trò của người dạy và về phương pháp và giáo cụ sư phạm” - TS Nguyễn Thụy Phương phân tích.
Cách tiếp cận hiện đại: Học sinh phải là trung tâm
Với quan điểm lấy trẻ làm trung tâm là cách tiếp cận hiện đại trong giáo dục nói chung, GS Hồ Ngọc Đại, người sáng lập trung tâm Công nghệ Giáo dục và Trường Thực nghiệm giáo dục coi quy trình giáo dục là một công nghệ - Công nghệ Giáo dục mà trong đó trẻ - học sinh phải là trung tâm.
Đối với trẻ mỗi ngày đến trường phải là một ngày vui. Trẻ phải được tự nhiên phát triển theo đúng các quy luật của phát triển nhận thức, tư duy logic, tư duy trừu tượng có thể hình thành ngay từ khi còn nhỏ để sau này khi lớn lên các tư duy đó phát triển trở thành những trí tuệ hoàn chỉnh. Trong khi đó, những khuôn mẫu tồn tại từ thế hệ này đến thế hệ khác dần trói buộc trẻ em, ngăn cản mọi sự phát triển bình thường theo quy luật phát triển nhận thức của trẻ phù hợp với mỗi giai đoạn phát triển của lịch sử xã hội.
- GS Hồ Ngọc Đại
Giáo dục lấy trẻ làm trung tâm đã và đang từng bước tạo nên nền móng vững chắc, những nền tảng đầu đời nâng bước chân trẻ để vững bước vào đời. Với hầu hết các phụ huynh, đây được xem là mô hình giáo dục vừa mang giá trị nhân văn, vừa mang giá trị tinh thần và khoa học vô cùng to lớn.
TS Nguyễn Thụy Phương cho biết: “Không phải đến bây giờ những tư tưởng và việc thực hành giáo dục theo phương pháp giáo dục Mới mới du nhập vào Việt Nam cùng quá trình mở cửa và hội nhập kinh tế văn hóa. Giáo dục Mới dành cho trẻ em Việt đã từng có mặt ở đất nước chúng ta cách đây hơn 70 năm, bằng tinh thần canh tân của một nhóm nam nữ trí thức xuất thân từ phong trào hướng đạo. Những người đang theo phương pháp giáo dục Mới của thế kỷ 21 này là “tiên phong giai đoạn 2”. Điều này chứng tỏ một điều trong giáo dục rằng: Người đi sau không thể phủ nhận người đi trước, nhưng có quyền phản biện; dựa vào những nền móng đã có để xây dựng nên những tầng cao hơn”.
Có thể nói, việc xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm trong các hoạt động GD trong nhà trường là yêu cầu cần thiết. Một môi trường giáo dục tích cực, sáng tạo, giao tiếp cởi mở, thân thiện giữa GV với trẻ, giữa trẻ với trẻ, giữa trẻ với phụ huynh và môi trường xung quanh sẽ tạo cơ hội cho trẻ hình thành nền tảng tính cách tự tin.